Có điều là những gì tôi còn nhớ lại được thì không sai. Tuy còn nhỏ, nhưng cái mốc lịch sử trọng đại ấy không bao giờ phai mờ. Gia đình tôi là cơ sở cách mạng của địa phương.
Những buổi chiều, tôi thường được chị gái cho đi xem tập quân sự, xem những đội quân vác gậy, hành quân rầm rập trên đường làng. Ban đêm ngủ với mẹ ở trong buồng, tôi mang máng thấy những tiếng đấm đá, tập võ của những ai đó cùng với bố tôi ở nhà ngoài.
Cũng từ những ngày ấy, các phong trào yêu nước được dấy lên ở khắp mọi nơi. Trong đó có phong trào bình dân học vụ. Ai biết chữ thì làm thầy. Ai chưa biết chữ thì làm trò, không kể già trẻ gái trai.
Thầy Bùi Văn Chúng dậy học ngay trong nhà mình. Ngôi nhà gỗ năm gian, ba gian nhà ngoài dành cho lớp học bình dân. Bàn là cánh cửa ngả xuống, kề trên ngưỡng. Còn ghế ngồi là nền nhà. Học trò chật ních.
Tôi được chị gái mang theo và được coi như một học trò nhỏ (có lẽ chị tôi đi học và làm thêm việc giữ em). Dĩ nhiên là tôi không chịu ngồi xem mà phải đòi có vở, có bút viết.Trong vở cũng phải có bài của thầy cho.
Lúc đầu chị tôi định viết vào vở và dậy tôi học, nhưng tôi giẫy nẩy. Bất ngờ có tiếng thầy gọi: “Cu Nhớn cầm vở lên đây!” Tưởng tôi chưa nghe thấy, thầy gọi lại lần nữa.
Tôi run bắn người, nép vào chị. Thấy tôi nhát, thầy bảo nhờ chị mang lên cũng được. Khi chị tôi mang quyển vở về chỗ ngồi, tôi sung sướng nhìn dòng chữ to thầy viết.
Rồi nghe chị tôi đọc: “Thầy khuyên con học tập tuổi hãy còn xanh”. Đọc mấy lần, chị bắt đọc theo. Chị cầm tay tôi dí ngón tay trỏ vào từng chữ, cố ý cho tôi không bị lẫn chữ.
Khi về nhà, tôi đọc theo được, nhưng khi chị dậy đánh vần thì khó quá và bị những cú gò thước vào tay đau điếng. Tôi chỉ biết khóc mà không biết nói vì lí do gì.
Sớm hôm sau, mẹ tôi gọi, tôi cứ nhắm nghiền mắt ngủ tràn tới khi chị tôi đi học lại dắt theo. Vừa tới ngõ nhà thầy, thấy mấy anh trò lớn phải phạt quì ở ngõ trong, tôi sợ xanh mắt mèo. Khi vào lớp hồi hộp nhìn các anh chị lên đọc bài tôi càng lo sợ.
Bỗng giật thót người, nghe tiếng thầy gọi: “Cu Nhớn lên đọc bài”. Tôi run lên cầm cập. Thầy vẫy vẫy cái roi mây dài. Thấy thế tôi khóc toáng, khóc thật to, nức nở, khóc có tiếng nấc như bị oan uổng một điều gì đó. Cả lớp náo động, không học nổi. Thầy đành cho phép chị tôi bế em ra ngoài.
Tôi không nhớ là chị cho về hay đi chơi. Mãi sau này tôi mới biết thày chỉ yêu cầu tôi học thuộc lòng lời khuyên ấy mà không cần nhìn vào chữ (biết gì mà nhìn). Thế mà chị tôi lại bắt đánh vần từng chữ một thì làm gì mà tôi chẳng khóc…
Mặc dù tôi không học được thày một chữ nào cụ thể cả nhưng những buổi theo chị đến lớp, tôi đã đến với môi trường lớp học. Môi trường thày trò, không khí trường lớp đã gây ấn tượng đầu tiên trên trang giấy trắng cuộc đời tôi.
Khi lớn lên tôi mới hiểu, thuở ấy thầy tôi là giáo viên bình dân học vụ. Thầy dạy học là làm cách mạng. Ngày dạy ba buổi cho mọi lứa tuổi mà không một đồng lương.
Khác với không nhỏ các thầy cô giáo ở các bộ môn cơ bản ngày nay, cũng dạy nhiều buổi, nhiều ca trong ngày nhưng là để xây nhà tầng, mua xe hơi... Vậy mà chất lượng học tập của học sinh thì luôn ở tình trạng báo động.
Tôi không nhớ rõ sau cái buổi không thuộc bài ấy có còn theo chị đến lớp nữa không. Nhưng rồi chiến tranh lan rộng, giặc Pháp đóng đồn chỉ cách làng tôi một cánh đồng, bên kia dòng sông Đáy.
Trẻ con chỉ lo việc chạy giặc cũng chưa xong còn nói chi đến việc học hành. Mỗi người một nơi, ai đi đâu, làm gì làm sao mà biết được. Đương nhiên là thầy tôi đi đâu, tôi cũng không hay.
Bỗng một hôm có tin sét đánh dội về làng: Thầy Bùi Văn Chúng bị máy bay giặc bắn chết ở trên Việt Bắc. Dân làng kéo đến chia buồn với gia đình. Bọn trẻ con tập trung lại nô đùa.
Tôi vốn nhút nhát ít nghịch ngợm, thực lòng là chưa biết thương thầy. Thấy mọi người bàn tán, trò chuyện, tôi chỉ băn khoăn không biết máy bay nó đặt súng ở chỗ nào? Nó bay trên cao thế làm sao bắn trúng thầy…
Việt Bắc là ở đâu? Chắc xa lắm. Sau này tôi mới nhận thức ra thầy tôi lên Việt Bắc là đi kháng chiến chống Pháp. Rồi, bỗng dưng người trong làng nhìn thấy thầy đeo ba lô từ đường quốc lộ 1A rẽ vào ngõ xóm. Mọi người từ già đến trẻ cứ náo động cả lên. Một đàn trẻ con lẽo đẽo theo sau, tôi cũng có mặt trong đó.
Nhận ra tôi, thầy hỏi: “Cu Nhớn lớn quá rồi, ở nhà có đi học không?”. Chúng tôi đều trả lời: “Không có lớp ạ!” Thầy bảo: “Chờ mấy năm nữa nước nhà độc lập, các em tha hồ mà đi học”.
Năm 1972, một lần về thăm mẹ, tình cờ tôi gặp thầy Chúng ngay ở đầu ngõ, mặc com-lê, xách chiếc cặp rất lịch sự, thầy rất vội, có lẽ xe đang chờ ngoài đường quốc lộ. Bắt tay tôi, thầy dặn: “Ở nhà công tác tốt nhé, tôi vào chiến trường, khi nào thống nhất sẽ về”.
Đến năm 1975, chiến thắng đế quốc Mỹ, Bắc Nam sum họp, nhưng thầy Chúng không về nữa! Trong suốt cuộc đời tôi lúc nào cũng chấp chới hình ảnh người thầy đầu tiên, giơ cái roi vẫy vẫy...
Thầy ơi! Cu Nhớn của thầy đã lớn rồi. Nó lớn lên được là nhờ có lời: “Thầy khuyên con học tập tuổi hãy còn xanh” từ thuở ấy!