Dấu chân người lính
Có trận đánh trở về/Nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát/ Thừa đến nỗi những người sống sót cũng không nỡ nhận mình là may (thơ Hữu Thỉnh). Chỉ vào đám mũ cối, cặp lồng bi đông nước, ông Hiệp ngậm ngùi: “Tôi muốn tri ân đồng đội, những người hy sinh cho mình được sống”.
20 tuổi tình nguyện nhập ngũ dù không thuộc diện phải đi bởi nhà đã có người anh trai liệt sĩ, ông Hiệp vào đặc công xông pha chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa.
Thời trai trẻ lăn lộn giữa mưa bom bão đạn, thứ ông mang về nhà lúc hòa bình lập lại chính là tình đồng đội. Để đến khi đứng tuổi, ông bỗng hiểu mình cần phải làm gì.
“Hồi năm chín mấy, tôi chỉ nghĩ nên tìm lại các kỷ vật thời chiến. Làm kỷ niệm, vừa muốn cho con cháu biết cha ông đánh giặc như thế nào” - Ông Hiệp cho biết.
Ban đầu ông không có cái đích cụ thể. Cứ thấy hợp lý thì tranh thủ làm chuyến lên miền núi phía Bắc hoặc vào miền Trung, được hay chăng chớ. Chỉ đến khi có người mách trong vùng địch hậu Quảng Trị còn rất nhiều hiện vật, bộ sưu tập mới thực sự thành hình.
“Cứ nghĩ đến đồng đội đã khuất là tôi lại sùng sục đi. Có khi đi cả chuyến chỉ mua được cái bi đông. Nhưng không đi không chịu được”.
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp
Mười năm trở lại đây, ông Hiệp đã chục lần vào Quảng Trị khuân bom ra. Những quả bom 500 pound (227 kg), đã rút lõi (thuốc nổ) vẫn nặng trình trịch. Mỗi chuyến xe tải chỉ cõng được một quả kèm vài món khác.Của một đồng, công một nén. Có lần mang tiền đi mà không mua được đồ, quay về gặp bão đến sớm, lụt sông Gianh (Quảng Bình), mắc kẹt ở bến đò bốn năm ngày, tiêu hết sạch. Về nhà trông đến khổ, bà Liên vợ ông cũng chẳng hỏi đi nữa hay thôi. Bởi bà quá hiểu chồng, biết còn sức khỏe là ông còn “hành quân”.
Giây phút bình yên
Bạn bè, đồng đội thúc giục lắm ông Hiệp mới xin mở bảo tàng tại nhà. Chứ mọi thứ vẫn bày sẵn ở đây rồi, ai quan tâm đều có thể qua xem. Cựu chiến binh Mỹ nghe tiếng ông cũng tìm tới.
Một nửa bộ sưu tập của ông là đồ Mỹ. Từ các hòm đạn, thiết bị liên lạc tới cả “cây nhiệt đới” (máy phát hiện thâm nhập trong hàng rào điện tử McNamara). Ông Hiệp còn ngẫu hứng cắm cái mẩu “cây” đấy lên đầu quả bom, tựa một tạo hình sắp đặt mang đầy ám ảnh quá khứ.
“Một cô gái trẻ từ Mỹ sang tìm tôi. Ông nội cô ấy từng lái máy bay thả bom miền Bắc nhưng cô chưa bao giờ nghe ông nội và cả cha mình nhắc tới chiến tranh Việt Nam”.
Những thứ ông Hiệp dày công sưu tầm nhằm để thế hệ tương lai hiểu được giá trị của hòa bình. Giá trị mà những người lính chiến trường hiểu rất rõ.
Trung tướng QĐND Nguyễn Mạnh Đẩu tặng ông chiếc ca uống nước - hiện vật sót lại của đời lính. Với nhạc sĩ Huy Thục là bức ảnh chụp cùng hai đồng đội đã hy sinh, thời điểm sáng tác bài hát Tiếng đàn Ta Lư.
Ông Hiệp đặc biệt quý hai khẩu súng đã gỉ sét, được tìm thấy trong lần tìm mộ đồng đội. “Nếu giời thương cho sức khỏe, tôi lại đi. Mà tôi cứ đi đều là khỏe”.
Mong là sang năm lại được vào Quảng Trị để thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Ông không thể quên hình ảnh những ngọn đèn tản mát chợt tụ lại thành hình S Việt Nam trên sông.
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm (thơ Lê Bá Dương).
“Bảo tàng ký ức chiến tranh Hà Nội” là bảo tàng ngoài công lập thứ ba của Hà Nội nhận quyết định thành lập của thành phố ngày 10/12/2014.