Người sưu tầm kỷ vật chiến tranh

GD&TĐ - Ở vùng Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có một người lính già trong gần bốn thập kỷ qua đã bỏ công, lặn lội trở lại chiến trường xưa để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Với ông, những kỷ vật của một thời máu lửa, hào hùng ấy chỉ để lưu lại cho con cháu đời sau tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ông Mão và những kỷ vật chiến tranh thiêng liêng của mình.
Ông Mão và những kỷ vật chiến tranh thiêng liêng của mình.

Gần 4 thập kỷ đi tìm kỷ vật

Chúng tôi tìm về nhà ông Phạm Văn Mão (74 tuổi, ở thôn ở thôn Minh Lai, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), để được nghe ông kể về những trận đánh hào hùng năm xưa của quân giải phóng, được xem những kỷ vật thời chiến tranh, mà người lính già ấy đã cất công sưu tầm suốt gần bốn thập kỷ qua.

Những chiếc huân, huy chương, giấy khen, bằng khen, mảnh đạn, vỏ đạn, bi đông (bình tông đựng nước), đồ y tế... đều được ông Mão xếp ngay ngắn ở nơi trang trọng nhất - chiếc tủ ly bằng gỗ đã bạc màu véc-ni. Số kỷ vật ấy là thành quả của gần 40 năm qua do ông Mão tìm đến những nơi từng chiến đấu hoặc hành quân qua để sưu tầm, với mong muốn lưu giữ lại những ký ức chiến tranh cho con cháu đời sau.

Chỉ tay vào chiếc ca uống nước được làm bằng nhôm cứng, ông Mão kể: Năm 1969, khi đánh trận ở huyện Mường Noòng (tỉnh Xaphanakhet, Lào), Binh trạm 33, Tiểu đoàn 559 của ông hạ được chiếc máy bay C130 của Mỹ. Sau trận đánh ấy, ông Mão bị thương. Trong lúc nằm điều dưỡng, ông dùng mảnh vỡ cánh máy bay làm chiếc ca để uống nước.

Còn chiếc bi đông (bình toong) đựng nước bằng nhựa cứng, ghi chữ “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” kia, là do một người lính phía bên kia kỷ niệm. “Lần ấy, trong một trận đánh, người lính Ngụy bị thương khá nặng, không còn sức kháng cự trước họng súng của tôi và đồng đội. Anh ta giơ tay đầu hàng, xin tha mạng. Tôi băng bó vết thương, rồi bảo tự tìm đường mà về với gia đình. Khi nghe tôi nói vậy, người lính Việt Nam Cộng hòa rưng rưng nước mắt, lôi trong người ra chiếc bi đông đang còn nước đưa cho tôi làm vật kỷ niệm, rồi chắp tay vái cảm ơn tôi vì đã tha mạng…”, ông Mão nhớ lại.

Để có những kỷ vật này, gần 40 năm qua, ông Mão đã phải lặn lội tận chiến trường Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, Khe Xanh… đi tìm lại.

Ngồi bên cạnh chồng mình, bà Bùi Thị Y (vợ ông Mão) tiếp thêm chuyện với chúng tôi rằng, từ những năm 1984, gia đình bà khó khăn lắm. “Ấy vậy mà, cứ thi thoảng ông nhà tôi lại khăn gói lên đường đi tìm những kỷ vật chiến tranh. Ngày ấy, để đi được một chuyến vào miền Nam là vô cùng khó khăn chuyện tàu, xe, kinh phí. Mỗi lần ông ấy đi, mẹ con chúng tôi ở nhà ăn không ngon, ngủ cũng chẳng yên”.

Ông Mão đang kể về những kỷ vật chiến tranh.
  • Ông Mão đang kể về những kỷ vật chiến tranh.

Ước nguyện của người lính già

Ông Mão sinh năm Ất Dậu (1945). Đến giữa năm Mậu Thân (1968), chàng trai Phạm Văn Mão gia nhập quân đội và được biên chế vào tổ Trinh sát E30, Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn. Ông tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1975, khi đất nước đón khúc ca khải hoàn, ông xuất ngũ trở về quê hương, đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Thái Lai, Bí thư Đảng ủy xã, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Minh Sơn. Từ năm 1999, ông Mão về nghỉ hưu.

Dù đã ngoài tuổi “thất thập”, sức khỏe ngày càng yếu, bệnh tật luôn hành hạ, trong cơ thể còn nhiều mảnh đạn…, nhưng ông Mão vẫn chưa bao giờ nguôi ý định dừng việc sưu tầm kỷ vật cho bảo tàng của mình. Đặc biệt, trong tâm, chưa bao giờ ông nguôi ngoai và có ý định dừng công việc tìm kiếm hài cốt người đồng đội do chính tay ông chôn cất ở chiến trường Xaphanakhet (Lào). Đó là liệt sỹ Nguyễn Đức Đàm – người đồng đội cùng đơn vị của ông Mão.

Ông Mão hồi tưởng lại: “Anh Nguyễn Đức Đàm quê gốc ở tỉnh Hưng Yên. Khi chúng tôi tham gia trận đánh ở tỉnh Xaphanakhet (Lào), anh Đàm không may bị trúng đạn. Chính tay tôi đã chôn cất người đồng đội ấy và kèm theo một số kỷ vật. Sau khi rời quân ngũ, trong tâm tôi luôn nung nấu nhất định sẽ quay lại địa điểm ấy để tìm phần mộ đồng đội, đưa về cho gia đình, người thân của anh.

Hồi tháng 5/2010, tôi cũng đã cùng gia đình anh Nguyễn Đức Đàm và lực lượng tình nguyện quy tập mộ liệt sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đi tìm một lần, nhưng không được. Bởi, sau chiến tranh, năm tháng dần trôi, địa điểm chôn cất người đồng đội của tôi đã thay đổi quá nhiều, không thể nhớ được”.

Đến năm 2017, người lính già Phạm Văn Mão đã hoàn thành được tâm nguyện của mình, khi phối hợp với một đồng đội cũ xin đi theo đoàn tình nguyện quy tập mộ liệt sỹ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa qua Lào tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Đức Đàm.

“Từ khi cất công sang đất bạn Lào, tìm kiếm được hài cốt đồng đội của mình, ông ấy như khỏe hẳn ra. Cũng vì mong ông ấy hoàn thành được tâm nguyện, mà tôi không bao giờ ngăn cản việc ông ấy làm hay có ý định làm. Bởi tôi nghĩ, trước kia có chiến tranh, cuộc sống khó khăn, vất vả mà mình đang còn vượt qua được.

Còn bây giờ, hai vợ chồng già với nhau, ông ấy vì tình nghĩa đồng đội như vậy, thì không có lý do gì để ngăn cản những việc làm có nghĩa của ông ấy cả. Chỉ có điều, ông ấy thiệt thòi quá, chiến tranh, thương tật đầy mình, mảnh đạn đang còn găm trong người, ấy vậy mà giấy tờ để làm chế độ thương, bệnh binh đều thất lạc sạch, nên ông ấy không được hưởng gì cả. Vì lẽ đó mà tôi thương ông ấy, lo cho ông ấy mỗi khi trái gió, trở trở trời thôi”- bà Bùi Thị Y bộc bạch.

Người lính già ấy đang chạy đua với thời gian, gắng hoàn thành tâm nguyện của cả cuộc là có được một bảo tàng kỷ vật kháng chiến cho riêng mình và đồng đội. Bộ sưu tập những kỷ vật cũng đã cơ bản hoàn thành. Song, điều ông lo lắng nhất vẫn là tuổi tác và bệnh tật sẽ không ủng hộ ông hoàn thành công trình tâm huyết suốt cuộc đời mình. May mắn thay, ông được Bảo tàng Quân đội đồng ý dành riêng một vị trí (80 cm2 ) để làm nơi lưu giữ những kỷ vật chiến tranh đã dày công sưu tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.