Người sống sân si để… thương nhớ người khuất?

GD&TĐ - Sau khi M. qua đời ở tuổi 40 vì bị ung thư, đám tang vừa tổ chức xong, nỗi đau còn chất chứa chưa vơi, thì trong dòng họ nhà M. lại tiếp tục bùng nổ mâu thuẫn giữa những người anh em ruột, cô bác và các cháu. Bị tác động bởi cái chết của M., một người chú ruột đã lên tiếng chửi rủa chính em gái mình và các cháu còn đang sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mâu thuẫn từng xảy ra từ trước khi khối tài sản là bất động sản đắt giá của ông nội M. được chia cho các con. Người con gái út trong gia đình là cô L. muốn sở hữu bất động sản đó, bèn bàn bạc với mọi người trong gia đình về việc cô sẽ mua lại phần của các anh, chị mình theo giá thị trường. Chỉ có điều, người anh trai cả đã mất nên con trai anh là M. sẽ là người nhận phần thừa kế.

Tuy nhiên, các phần này lại được người con gái út chia không đều nhau. Cô lý luận rằng, cháu trai M. là thế hệ thứ hai hưởng thừa kế, nên sẽ được phần ít hơn so với thế hệ thứ nhất là các chú, các cô, con ruột của ông nội M.. M. không đồng ý với cách phân chia này, nên xảy ra mâu thuẫn khiến M. và cô ruột, cùng các em họ nhiều năm không nhìn mặt nhau, lời qua tiếng lại không hay, tình cảm mất mát.

Cho đến khi M. bị bệnh, cô ruột M. có lẽ do cảm thấy ân hận phần nào, nên đã nhiệt tình chăm sóc cháu, thường xuyên đến thăm, thậm chí tìm một số cơ sở chữa bệnh và chi trả một phần kinh phí chữa bệnh cho M..

Nhưng sự nhiệt tình này của cô bị mẹ M. phản ứng dữ. Bà mẹ M. lớn tiếng rằng cô L. đang đẩy M. đến chỗ chết nhanh hơn bằng cách can thiệp vào cuộc đời M.. Bà mẹ M. cho rằng, những chuyến đi chữa bệnh xa tốn sức lực, những chuyến đi chơi chỉ thêm mệt mỏi cho người bệnh chẳng qua chỉ là trò diễn tình thương của người cô tham lam, đã cướp trắng tài sản của cháu mình.

Còn bản thân M., từ khi bị bệnh, đã không còn muốn giữ mãi trong lòng những nỗi sân hận, nên gần gũi với cô ruột và các em họ của mình hơn, không để nỗi bực tức và suy diễn của mẹ đẻ ảnh hưởng nhiều đến tình cảm của mình.

M. cũng chủ động xoa dịu chú ruột, người vốn không hài lòng với phần mình được nhận sau khi chia tài sản, vì cho rằng đứa em gái tính giá trị bất động sản chỉ bằng 60% so với giá thị trường. Cuối cùng họ cũng chịu gặp gỡ nhau bên giường bệnh của M., tuy rằng bằng mặt mà không bằng lòng.

Vậy mà sau cái chết của M., chú ruột M. đã bức xúc chửi rủa em gái mình là đồ bất nhân, cướp của, những đứa cháu (con của em gái) là nghịch tử. Gia đình lại nổi sóng dữ, tình ruột thịt chẳng còn chút ý nghĩa, khối tài sản của cha mẹ để lại, cuối cùng thành nguyên nhân xé tan nát trái tim họ.

Thói đời, khi còn sống, con người có xu hướng cắn xé lẫn nhau vì những chuyện bất ý nho nhỏ, chỉ đến khi có ai đó trong số họ chẳng may mất đi, thì người còn lại mới tự day dứt vì những điều mình chưa kịp làm đúng đắn cho người đã ra đi, và ra sức khóc thương.

Trong khi day dứt đó làm họ khó chịu đựng, họ cần tìm ai đó để đổ lỗi, ai đó còn sống thì còn phải chịu trách nhiệm. Nên, thay vì yêu thương người còn sống, ta lại thường u mê cắn xé họ, như một cách để tưởng nhớ người đã chết.

Ai cũng dễ nhìn thấy sự thiếu công bằng, ai cũng dễ nhận ra lòng tham của người khác, nhưng không mấy ai nhìn ra một điều rằng, không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối trên thế gian này; không mấy ai chịu nhìn nhận rằng, người chết chẳng thể mang theo tiền sang thế giới bên kia…

Để được sống an yên, chỉ có duy nhất một cách, đó là chính ta hãy biết yêu thương chân thành, yêu thương đầy bao dung những người đang sống quanh ta, mà không cần đòi hỏi người đó phải hoàn hảo, theo cách nhìn của ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.