Người phụ nữ khiếm thị thành đạt

Người phụ nữ khiếm thị thành đạt

(GD&TĐ) - Sẽ là bất ngờ lớn với những người khi lần đầu tiếp xúc với Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa (Hà Nội) bởi chị còn khá trẻ so với tuổi 31. Càng bất ngờ hơn khi biết tuy khiếm thị, song với nghị lực và lòng kiên định chị đã đạt được những thành tích mà người bình thường cũng ít đạt được.

Nghị lực học tập phi thường

Là người Hà Nội chính gốc, tuy nhiên, chị không được may mắn như các bạn cùng trang lứa khác. Năm lên 6, bước vào lớp một cũng là lúc Hà bị căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác. Cha mẹ đã đưa chị đi chữa chạy tại nhiều bệnh viện nhưng không có kết quả. Năm chị lên 9 tuổi, bố mẹ quyết định cho chị học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu. 8 năm học Tiểu học và THCS tại trường Nguyễn Đình Chiểu, chị đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Học hết THCS, con đường học vấn của Hà cũng bắt đầu gian nan. Khi đó, các trường THPT chưa sẵn sàng tiếp nhận những học sinh khiếm khuyết như Hà. Tưởng chừng phải chia tay với mái trường và kết thúc sự học, may thay, nguyên Hiệu trưởng trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu khi đó, thầy Nguyễn Như Thạch về nghỉ hưu  xin thành lập trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Trường thành lập, thầy tiếp nhận Hà cùng 3 bạn học sinh khiếm khuyết khác vào học.

Với phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, chiếc máy tính trở thành công cụ làm việc đắc lực của chị Đỗ Thúy Hà
Với phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, chiếc máy tính trở thành công cụ làm việc đắc lực của chị Đỗ Thúy Hà

Được làm quen với Tiếng Anh từ THCS, tuy nhiên lên THPT, môn học này lại là thách thức rất lớn đối với Hà. Thiếu tài liệu, sách giáo khoa Tiếng Anh, nhà trường phải in sách chữ nổi để dạy từng bài, từng tiết học cho các học sinh khiếm thị. Để nhận mặt chữ, Hà phải hết sức cố gắng. Cô giáo dạy Tiếng Anh cũng hết sức tận tình với lớp. Ngoài giờ học, cô còn dạy thêm cho các bạn. Nhờ có sự tận tình của thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè trong lớp và cả những lời động viên, lòng yêu thương của người thân cộng với nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi, Hà đã kết thúc bậc học THPT với 3 năm liền là học sinh giỏi cộng dồn vào bảng thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi bậc học phổ thông.

Cái duyên ngoại ngữ của Hà đã đem đến giải Ba Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức trong năm học 1999 - 2000. Tiếp đó, nhập học tại Viện Đại học mở Hà Nội, Hà đã thi được học bổng của Nhật Bản đào tạo về “kĩ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương” năm 2005. Khóa học này chỉ dành cho 7 người khiếm khuyết đến từ các nước trong khu vực châu Á.

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, như bao người khiếm khuyết thị giác khác, Hà thấy được cái giá của ánh sáng đem lại, nhất là đứng trước thử thách du học tại Nhật Bản. Hà phải học tiếng Nhật vỡ lòng. Hàng ngày, đi từ nơi ở tới trường cho tới những sinh hoạt khác như đi chợ mua sắm vật dụng cần thiết chị đều sử dụng chiếc gậy dò đường và xe buýt công cộng...

Tuổi trẻ phải học tập để vươn lên

Nhà giáo Nguyễn Như Thạch vẫn luôn tự hào về cô học trò khiếm thị và cho rằng Đỗ Thúy Hà là một trong những học trò ưu tú nhất trong sự nghiệp của mình.

Là Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa với 200 hội viên trong đó nhiều hội viên còn rất trẻ; đáng chú ý, hội viên khiếm thị là HSSV chiếm đến 10% trong hội. Là nơi sinh hoạt tinh thần nên với cương vị Chủ tịch, Hà luôn luôn luôn động viên các hội viên nỗ lực vượt qua khó khăn của số phận để lập thân, lập nghiệp, để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Các hội viên trẻ luôn được chị Hà khuyến khích học tập, học cho giỏi để phát huy cao nhất nội lực của mình.

Lúc nào cũng có tư tưởng hướng đến giới trẻ, nhất là những người có cùng cảnh ngộ nên khi được mời nói chuyện tại một hội thảo về khắc phục khó khăn của người khuyết tật tại Nhật Bản, Hà có bài thuyết trình “HSSV khiếm thị Việt Nam với những rào cản trong học tập và cách khắc phục” rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân mình đã được ban tổ chức đánh giá cao.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.