Người phụ nữ hết mình vì cộng đồng

GD&TĐ - Từng bị lạm dụng và bạo hành, không muốn những cô gái sa vào con đường đau khổ mà mình đã trải qua, Dharitri Patnaik đã thành lập tổ chức phi chính phủ để giải cứu các nạn nhân của tảo hôn, bạo lực gia đình…

Dharitri Patnaik tại một cuộc gặp gỡ phụ nữ và trẻ em bị thiệt thòi.
Dharitri Patnaik tại một cuộc gặp gỡ phụ nữ và trẻ em bị thiệt thòi.

Đồng thời mang giáo dục và việc làm đến cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Ấn Độ.

Tuổi thơ không bình yên

Dharitri Patnaik sinh ở bang Odisha, Ấn Độ, có một tuổi thơ không yên ả như những đứa trẻ khác. Mới 5 tuổi, bà đã bị một thành viên trong gia đình lạm dụng. Mặc dù, luôn phản kháng, nhưng những gì bà nói ra không được ai lắng nghe. Khi lên 14 tuổi, cha Dharitri mất, mẹ bà lúc đó 32 tuổi phải một mình nuôi con.

“Chúng tôi đã mất tất cả. Mẹ tôi bị tước hết mọi quyền lợi trong cuộc hôn nhân và bị các thành viên trong gia đình bên nội tôi ruồng rẫy. Chúng tôi không được sự hỗ trợ của xã hội.

Chấn thương tâm lý khiến tôi không thể ngủ yên trong nhiều năm và cho đến nay vẫn còn mắc chứng rối loạn giấc ngủ”, bà nói với The Better India, “Nhưng tôi quyết định chiến đấu theo cách của mình và vượt qua nỗi sợ hãi”. Hai mẹ con cuối cùng cũng tạo được cuộc sống ổn định và bà được cho ăn học đàng hoàng.

Hiện nay, thông qua tổ chức phi chính phủ Humara Bachpan Trust (HBT) do mình thành lập, Dharitri đã giải cứu hàng trăm cô gái nông thôn khỏi nạn tảo hôn, cũng như nhiều phụ nữ khỏi bạo lực gia đình, giúp họ độc lập về tài chính.

“Tôi nhận ra rằng, hoàn cảnh của tôi không phải là duy nhất, nhiều phụ nữ và trẻ em cũng chịu chung số phận như tôi. Tôi muốn giúp đỡ các cộng đồng bị thiệt thòi và bắt đầu từ những người chuyên đi nhặt rác ở quê tôi, Bhubaneswar. Khi học lớp 10, lần đầu tiên tôi mở lớp dạy chữ và giúp nâng cao nhận thức, nhằm bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ khỏi bị lạm dụng”, người phụ nữ 49 tuổi này nói.

Hết mình vì những người bị thiệt thòi

Một lớp dạy nghề cho phụ nữ do Humara Bachpan Trust tổ chức.
Một lớp dạy nghề cho phụ nữ do Humara Bachpan Trust tổ chức.

Tốt nghiệp phổ thông, Dharitri ghi danh học tại Viện Khoa học Xã hội Tata, chuyên ngành Tội phạm học để giúp đỡ những người khốn khó. Sau đó, bà làm việc cho Woman ActionAid, Ấn Độ, một tổ chức toàn cầu hoạt động vì quyền của các bộ tộc ở bang Odisha.

Sau đó, bà theo học và lấy bằng Thạc sĩ Quản trị công tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ và đã có những đóng góp cho các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UNIFEM), Tổ chức Hợp tác hỗ trợ và cứu trợ mọi nơi (CARE).

Bà cũng làm việc với các tổ chức bên ngoài Ấn Độ và sau cùng tập trung công việc của mình ở Odisha trong các lĩnh vực phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào việc quản lý tri thức và chính sách công.

Sau những đóng góp to lớn của mình trong hơn hai thập kỷ, Dharitri nhận ra rằng các tổ chức mà bà đang làm việc thiếu đại diện của những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Các tổ chức cũng đưa ra các chiến dịch, chính sách để giúp đỡ trẻ em và phụ nữ nhưng không có vai trò tham gia của họ. Trong nhiều trường hợp, sự đại diện chỉ mang tính tượng trưng”, bà nói.

Năm 2012, bà thành lập Humara Bachpan Trust, một tổ chức giúp đỡ trẻ em và phụ nữ trên 14 thành phố ở 10 bang của Ấn Độ. Họ đã tiếp cận nhiều trẻ em, phụ nữ và bé gái vị thành niên.

Trong đó, gần 2.000 trẻ em bị mất tích đã được giải cứu khỏi nhà ga Bhubaneswar, can thiệp hủy bỏ trên 10 cuộc hôn nhân trẻ em và gần 20.000 trẻ em gái đã được giúp đỡ, hướng nghiệp.

Ngoài ra, tổ chức cũng giúp 450 trẻ em bỏ học trở lại trường. Các cô gái dễ bị tổn thương có hoàn cảnh nghèo khó đã được cung cấp các kỹ năng tự vệ và nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và tình dục nhằm mang lại sự thay đổi xã hội trên khắp các thôn bản.

Dharitri cho biết, tổ chức không hoạt động dựa trên các dự án mà tập trung vào nhu cầu của trẻ em và phụ nữ. “Chúng tôi xác định trẻ em cần giúp đỡ là học sinh bỏ học, nạn nhân của lạm dụng và bạo lực gia đình. Chúng tôi giải cứu những đứa trẻ thất lạc khỏi nhà ga và giúp chúng liên lạc với gia đình, hoặc tìm cho chúng một nơi an toàn”, bà nói. 

Mang lại quyền lợi cho phụ nữ

Usharani Patra, một cư dân của Sikharchanti Nagar ở Bhubaneswar, biết về tổ chức phi chính phủ này trong một sự kiện do các thành viên trong cộng đồng thuộc khu vực của cô tổ chức.

“Gia đình tôi rất nghèo, không đủ tiền cho tôi đi học tới nơi tới chốn. Tổ chức Humara Bachpan Trust đã tài trợ việc học của tôi sau lớp 10, giúp tôi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí”, cô nói, “Tôi luôn nhận ở họ sự hướng dẫn cần thiết trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mình”.

Những nỗ lực của Dharitri cũng đã giúp Bhubaneswar trở thành một trong những thành phố thân thiện với trẻ em đầu tiên ở Ấn Độ. Tổ chức Humara Bachpan Trust đã đóng góp và hợp tác với chính quyền thành phố để soạn thảo và thực hiện dự án thành phố thông minh về mặt xã hội.

Để hướng tới việc mang lại quyền lợi cho phụ nữ, tổ chức đã khởi xướng Chương trình Phát triển Cá nhân & Nâng cao Nghề nghiệp (PACE) nhằm đào tạo kỹ năng sống, từ đó tạo điều kiện về kinh doanh và bảo đảm việc làm.

Khireswari Pradhan đến từ làng Gadamunda ở Odisha, một trong những người được hưởng lợi từ chương trình, cho biết: “Gia đình tôi gặp khó khăn về tài chính, thu nhập của chồng tôi không đủ cho cuộc sống hằng ngày. Tôi phải trồng rau ở sân sau mang ra chợ bán nhưng cũng chẳng được bao nhiêu tiền”.

Sau đó, cô tham gia khóa đào tạo PACE ở làng và học cách trồng nấm. “Tôi đã tham dự một hội thảo kéo dài 10 ngày do HBT và Chương trình đào tạo việc làm cho nông thôn (RSETI) tổ chức và được hướng dẫn cách trồng các loại nấm khác nhau. Nhờ vậy mà giờ đây, tình hình tài chính gia đình tôi đã tạm ổn”, Khireswari nói.

Dharitri nói rằng, bà may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ mọi phía cho sự nghiệp phục vụ xã hội của mình. “Khó khăn của tôi hiện nay là không thể mở rộng quy mô như những gì tôi nhắm đến, do nguồn lực còn hạn chế, nhưng tôi rất vui vì đã đạt được nhiều thành tựu như vậy trong vòng chưa đầy một thập niên”.

Bà kết luận: “Sau những trải nghiệm thời thơ ấu của mình, tôi quyết định không chỉ thay đổi cuộc sống của chính mình, mà còn của nhiều phụ nữ và trẻ em khác nữa”.

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ