Butet và các em nhỏ |
Vốn được sinh ra và lớn nên ở thủ đô Jakartar, rồi trở thành một nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Butet đến đảo Sumatra để tham gia vào công tác bảo vệ rừng trên đảo. Ban đầu, chị đảm nhiệm công việc huấn luyện cho một số người thuộc những bộ tộc Orang Rimba cách thức giúp đỡ một tổ chức phi chính phủ theo dõi những kẻ đốn gỗ trộm trong rừng. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc với những người dân tộc thiểu số nói trên, chị đã nhận thức ra rằng việc giúp đỡ và bảo vệ cuộc sống của họ mới là vấn đề cấp bách mang tính thực tiễn và có tầm quan trọng hơn so với những gì mà chị đã làm.
Orang Rimba, mà theo tiếng địa phương ở Sumatra có nghĩa là “người rừng”, là một dân tộc thiểu số rất lạc hậu ở Indonesia, có dân số hiện nay chỉ còn khoảng vài trăm người. Họ vẫn duy trì lối sống lang thang du mục trong vùng rừng nhiệt đới Jambi trên đảo Sumatra. Người Orang Rimba ở trong các túp lều tranh, bắt rắn, săn hươu, lợn rừng và đào rễ cây để làm thức ăn. Họ thờ rất nhiều vị thần khác nhau. Tiếng nói mà người Orang Rimba sử dụng là một loại ngôn ngữ Malay cổ. Xưa kia, người Orang Rimba đã từng tập hợp thành các bộ lạc có lối sống giống như những người tiền sử và xa lánh cuộc sống văn minh. Và hiện nay, cuộc sống hiện đại đang ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống và gây tổn hại cho họ.
Butet dạy học cho các em |
Với tấm lòng tận tụy và sự kiên trì hiếm có, Butet đã đi vào rừng sống cùng với những người thiểu số Orang Rimba để học thông thạo tiếng nói của họ, rồi sau đó chị thuyết phục và dạy văn hóa cho những con người còn phải sống trong cảnh tối tăm lạc hậu đó. Chỉ với một số tấm bảng đen, phấn trắng và giấy bút mà chị mang theo, Butet đã dạy cho nhiều người du mục Orang Rimba biết đọc, viết và đếm bằng chính ngôn ngữ của họ và tiếng Indonesia. Đó là những hành trang tối thiểu không thể thiếu để cho người Orang Rimba có thể duy trì và tiến tới cải thiện được cuộc sống của họ trong điều kiện diện tích của các cánh rừng, vốn là môi trường sinh sống của họ từ bao đời nay, đang bị tàn phá và thu hẹp đi một cách nhanh chóng khiến cho người Orang Rimba buộc phải dần dần bước ra hòa nhập với cuộc sống ở bên ngoài. Trên hực tề, Butet Manurung đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp những người Orang Rimba mù chữ bị những kẻ bất lương bên ngoài lợi dụng lừa đảo chiếm đất bằng cách đưa họ điểm chỉ vào những văn bản hợp đồng mua bán mà họ không thể đọc được nội dung được ghi ở trong đó. Butet cho biết điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chị. “Tôi chỉ có thể tự coi là mình đã hoàn thành công việc sau khi người Orang Rimba đã có khả năng bảo vệ được chính mình”, Butet nói. Mỗi năm chị dành 9 tháng để vào rừng sống cùng với người dân tộc Orang Rimba và dạy học cho họ. Ngoài ra, chị còn đang đào tạo thêm một số giáo viên tình nguyện nữa để họ tham gia giúp chị trong việc đem ánh sáng văn hóa đến với những người thiểu số Orang Rimba.
Công việc của Butet tuy thầm lặng nhưng đã gây được tiếng vang không chỉ ở Indonesia. Năm 2004, Butet Manurung đã được tạp chí Time bầu chọn là Anh hùng trẻ của châu Á. Năm 2009, chị là một diễn giả được mời tham dự Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) lần thứ 15 tại Copenhagen. Tại diễn đàn hội nghị, với tâm huyết lớn lao của chị, Butet Manurung đã khiến cho các đại diện đến từ nhiều quốc gia thấy được tầm quan trọng của việc quan tâm bảo vệ môi trường tự nhiên, cuộc sống, và điều kiện học tập của người dân bản địa trong bối cảnh môi trường sống đang đổi thay nhanh chóng.
Vũ Anh Tuấn (Theo báo nước ngoài)