Người Pháp dạy con tôn trọng, người Việt dạy con vâng lời
Ông Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED chỉ ra những nét khác biệt trong việc giáo dục con của người Việt và người Pháp. Nghiên cứu của ông được chúng tôi khai thác trong cuốn sách “So sánh giáo dục gia đình giữa phụ huynh Pháp và Việt Nam”.
Ảnh:Đinh Quang Tuấn (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Ông Trung cho biết, dù người Pháp hay Việt đều nhìn nhận sự duy biệt bẩm sinh kiểu “cha mẹ sinh con trời sinh tính” nhưng phụ huynh hai nước có nhiều điểm khác nhau về nhận thức, quan niệm về con trẻ, cách thức giáo dục.
Về định hướng tương lai, phụ huynh Pháp quan sát sự khác biệt và định hướng nghề nghiệp của từng người con và mong muốn hỗ trợ con. Còn phụ huynh Việt cố gắng “lái” con theo cách suy nghĩ của mình, theo cách mà phụ huynh cho là tốt nhất cho con. Nếu không lái được con theo ý mình thì đứng ở tư thế của người “đầu hàng” và nhường bước cho con.
Một người Pháp mô tả sự khác biệt của các con được ông Trung dẫn chứng, “hoàn toàn khác biệt, mỗi cháu mỗi vẻ. Cháu đầu nhà tôi là con gái nhưng lại có máu nghệ sĩ, luôn sống trên mây. Nó lộn xộn, bừa bãi, và nó thích sống như thế. Còn người em kế lại ngược hẳn, thích quan sát, thích toán học, thích sự chính xác và rõ ràng. Nó cũng thích đọc, tôi nói với anh, nó có thể ở trong phòng đọc sách cả buổi mà chẳng sao. Còn cậu thứ ba thì lại chẳng giống ai trong nhà này, cháu thích thể thao mặc dầu tôi và chồng tôi đâu có ai có khiếu thể thao. Cái gì cũng cơ bắp, hùng hục...”. Trong khi đó với người Việt thì, “không, mỗi đứa một cách do tính cách với lại nam khác, nữ khác mà cùng áp dụng cùng một cái là không được. Không phải là giáo dục là cùng một khuôn mẫu cho hai ba đứa thì không có, nhưng mà tùy cơ ứng biến để xử lý thôi”- ông Trung kể
Về giá trị liên quan đến học vấn, bằng cấp, nghiên cứu của ông Trung cũng chỉ ra người Việt nhấn mạnh một cách ưu tiên đến chuyện học hành như phải học giỏi, thành tích điểm số cao, học để đổi đời, học để làm quan. Phần lớn phụ huynh Việt không nhấn mạnh ưu tiên đến các giá trị tự chủ của con trẻ.
Nhưng người Pháp lại mong con hạnh phúc, có được công việc phù hợp mà con thích, cho phép con có thể phát triển. Học hành bằng cấp được quan niệm như một phương cách tăng thêm sự lựa chọn cho tương lai.
Người Pháp cũng quan tâm tới tính tự chủ của con. Tất các các phụ huynh đều nhấn mạnh một cách ưu tiên là khả năng tự lo cho bản thân hằng ngày, trong học tập, tự giác, tự chủ về đời sống tinh thần, tư duy độc lập và óc phản biện, tự lập về tài chính, tự quyết về tương lai, có khả năng hội nhập vào xã hội, biết chung sống với mọi người.
Người Việt phạt con úp mặt vào tường, người Pháp phạt mang tính giáo dục
Với cách phạt con của phụ huynh hai nước, nghiên cứu này cho biết người Pháp thường có các hình phạt mang tính giáo dục có chủ đích liên quan đến hành vi của trẻ. Ví dụ không cho những gì con trẻ thích như cấm xem phim, trò chơi điện tử trong một thời gian, tịch thu điện thoại, máy tính. Đồng thời yêu cầu trẻ làm những việc trẻ không thích như bắt viết nhiều dòng về những điều không được làm, đọc sách, lên phòng riêng để bình tĩnh và suy nghĩ lại, dọn dẹp, đứng yên ở góc nhà.
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Việc khen thưởng cũng được người Pháp thực hiện dùng lời nói khen thưởng khích lệ, không thưởng con bằng hiện vật, khen thưởng không gắn với thành tích học tập mà gắn với hành vi, thái độ của trẻ.
Ngược lại, người Việt khen thưởng con vì những thành tích điểm số trong chuyện học hành. Hình thức thưởng là mua những gì con thích, biểu dương, khen ngợi. Người Việt cũng phạt con bằng cách “thương cho roi cho vọt”, bắt quỳ gối, úp mặt vào tường.
Trẻ em Pháp làm việc sớm, trẻ em Việt chủ yếu học
Đối với trẻ em Pháp, ngoài thời gian học ở trường và làm bài tập ở nhà sẽ được phân việc trong nhà như chuẩn bị và dọn bàn ăn, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Sau 14 tuổi trẻ em Pháp sẽ được khuyến khích làm thêm các việc hè để thực hiện các “dự án” như tự mua các vật dụng mong muốn hay thực hiện những chuyến đi.
Trong khi đó trẻ em Việt chủ yếu là học (học ở trường, đa số học thêm , học ở nhà và học thêm các kỹ năng khác bên ngoài). Ngoài những trường hợp phải lao động sớm, còn lại sẽ được bao bọc như “công tử”, “cô nương”, đòi gì được đó.
Vì vậy phụ huynh Pháp cũng thẳng thắn hơn. Họ nói có với con nếu thấy điều đó hợp lý và có ích, sẵn sàng nói không với con, dạy con biết những khuôn khổ, giới hạn, quy tắc trong gia đình và xã hội cần tuân thủ.
Còn phụ huynh Việt nói có hoặc không với con nhưng giải thích dựa trên sự hợp lý, tùy theo khả năng của cha mẹ, đặc biệt có những trường hợp chiều con mọi chuyện. Ít thấy phụ huynh Việt đặt việc lao động của trẻ trong việc chiến lược giáo dục con.
“Đứa trẻ lớn lên trong sự phục dịch của cha mẹ và người thân. Nhiều trường hợp con trai đã 16 tuổi nhưng vẫn ngủ chung với mẹ”- ông Trung cho biết.
Người Việt yêu thương là chiều chuộng, người Pháp giúp con trưởng thành
Nghiên cứu của ông Nguyễn Khánh Trung cũng chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa cách giáo dục con của người Pháp và người Việt. Với việc đọc sách, người Pháp sẽ khuyến khích trẻ đọc, hoặc có những trường hợp bắt trẻ đọc như một hình phạt. Đa số phụ huynh Pháp đọc truyện cho con đến khi con biết đọc và muốn tự đọc. Còn người Việt không có thói quen đọc sách cho con thay vào đó là kể chuyện hoặc hát ru cho con ngủ. Một số phụ huynh trí thức khuyến khích con đọc sách, còn lại không có thói quen đọc cho con nghe hay chú ý đến chuyện đọc của con.
Ông Nguyễn Khánh Trung
Với trò chơi người Pháp cũng mua theo sở thích của con nhưng ưu tiên các trò chơi tập thể, các trò chơi xã hội trong chủ đích giáo dục tinh thần hợp tác và đời sống của con. Còn người Việt sẽ mua đồ chơi theo sở thích của con, trừ một số phụ huynh trí thức.
Trẻ em Pháp sẽ bị giới hạn thời gian ngồi trước màn hình internet, ti vi không quá 1 giờ, cũng không được mang điện thoại hoặc máy tính vào phòng riêng.
Ngược lại người Việt thả lỏng con. “Nhiều phụ huynh miêu tả con họ nghiện game hay học cả ngày trên máy tính, có những bà mẹ còn sử dụng màn hình để phỉnh cho con ăn”- ông Trung chia sẻ.
Cũng theo ông Trung, người Pháp giáo dục con về tình yêu thương nhưng tình yêu thương thể hiện trên sự hợp lý nhằm đem lại điều tốt và giúp con trưởng thành, tự chủ về mọi mặt, có khả năng bước vào đời vững chãi, sống với con người của mình.
Còn người Việt hi sinh, chăm sóc giáo dục con trong tình yêu thương nhưng có những trường hợp tình yêu thương chuyển thành chiều chuộng.