Đa dạng các hình thức dạy học
Tốt nghiệp Trường ĐHSP TPHCM năm 2008, cô Tươi về công tác tại Trường THCS Vĩnh Quang. Đây là ngôi trường thuộc khu vực miền núi (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) nên khả năng tiếp cận môn Tiếng Anh của HS còn rất hạn chế. Phụ huynh đa số phó thác con cho trường, tất bật với miếng ăn hàng ngày nên việc mua tài liệu tham khảo, máy móc để các em rèn các kỹ năng học tiếng Anh là việc xa vời. Điều khiến cô Tươi băn khoăn nhất là làm sao nâng cao khả năng giao tiếp cho HS.
Không đầu hàng khó khăn, mỗi ngày trước khi lên lớp, cô Tươi thường xuyên tìm tòi các cách giảng hay để HS dễ hiểu. Cô soạn bài giảng khi lên lớp, cũng như bài tập về nhà để các em tiếp thu đầy đủ các kiến thức. Thay vì giảng dạy theo lối truyền thống, cô tập trung vào nâng cao kỹ năng nghe nói của học sinh trong mỗi bài giảng qua hình thức tổ chức nhóm hỏi đáp về gia đình, sở thích, cuộc sống…
Theo cô Tươi, việc tổ chức lớp học nhóm vô cùng thú vị và hiệu quả, giúp tăng cường giao tiếp và hợp tác khi làm việc nhóm. Học sinh được ngồi theo kiểu mặt đối mặt, nhìn vào mắt nhau nói một cách dễ dàng; từng cặp một chủ động khi giáo viên đưa ra một yêu cầu mới. Các HS giỏi kỹ năng này hơn sẽ hỗ trợ các bạn yếu hơn; các em yếu hơn thì tự tin hơn do có bạn hỗ trợ và khích lệ.
Ngoài việc tổ chức nhóm, cô Tươi còn giới thiệu các website hay để các em tự học, tự nghiên cứu thêm nhằm hiểu sâu và giỏi các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, việc tự học này chỉ phù hợp với HS chăm ngoan. Đối với những em lười học thì GV phải có những biện pháp tích cực để các em học tập hiệu quả hơn.
Để cuốn hút học trò, cô Tươi sáng tạo trong giảng dạy như thiết kế trò chơi, trắc nghiệm ô chữ, bài tập trắc nghiệm trên phần mềm … tránh sự nhàm chán và tăng tính thi đua của các em. Cô cũng nghiên cứu khá nhiều phương pháp ghi nhớ của các kỷ lục gia trên thế giới để giúp HS ghi nhớ từ và cấu trúc khi học Tiếng Anh…
Với các bài tập ở sách giáo khoa, cô cũng phải nghiên cứu, đơn giản hóa để các em tiếp cận dễ dàng. Ngoài ra, thường xuyên tạo điều kiện để các em được giao tiếp, trên cơ sở đó rèn luyện kỹ năng nghe, nói; đồng thời nghiên cứu thêm tài liệu, học hỏi đồng nghiệp để bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, phục vụ tốt hơn cho công tác dạy học.
3 kỹ năng để HS yêu thích ngoại ngữ
Theo cô Tươi, để HS tự học tiếng Anh hiệu quả, trước hết, giáo viên phải là người biết truyền cảm hứng yêu thích học môn Tiếng Anh cho các em bằng nhiều cách. Ví dụ, giáo viên nên quan sát xem từng em sở hữu loại trí thông minh nào (vận động, âm nhạc, hay tư duy logic…) thì giáo viên sẽ biết thiết kế những loại bài tập, nhiệm vụ thỏa mãn điểm mạnh của các em. Khi HS thấy mình làm được, các em sẽ tự ám thị là mình có khả năng học Tiếng Anh, dần dần HS sẽ thích và khi yêu thích các em sẽ tự tìm tòi, khám phá môn học.
Thứ hai, là kỹ năng nghe vô cùng quan trọng đối với bất kỳ HS nào, đặc biệt là đối với học sinh lười học thì giáo viên cần phải tìm cách sao cho các em nghe nhiều nhất có thể. Ví dụ, giáo viên nên đổi tất cả các CD nghe sách giáo khoa và tài liệu nghe sang file mp3, rồi tải vào thẻ nhớ điện thoại (chỉ cần điện thoại cũ có thể chạy thẻ nhớ là được) cho HS nghe mọi lúc mọi nơi. Khi các em được “tắm mình” trong ngôn ngữ, nghe nhiều các em sẽ tự phản xạ hiểu bằng tiếng Anh và khi đã hiểu thì các em rất thích học.
Thứ ba, giáo viên phải phối hợp với phụ huynh để động viên, khuyến khích và quan tâm nhắc nhở các em chăm chỉ và tự giác học. Thói quen chăm học sẽ được hình thành qua từng ngày nếu được cha mẹ và thầy cô quan tâm, khen ngợi các em. Ngay cả người lớn cũng dễ bị ám thị và HS cũng vậy. Nếu cha mẹ và thầy cô tỏ thái độ tin tưởng, nhất định các em sẽ có niềm tin là mình làm được và học giỏi môn Tiếng Anh.
Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay
Không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Tươi còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn. Trong năm học 2017 – 2018, cô viết sáng kiến “Ứng dụng phần mềm thiết kế bài tập trắc nghiệm trong dạy học môn Tiếng Anh” tại Trường THCS Vĩnh Quang. Đây là sáng kiến kinh nghiệm đã được áp dụng vào thực tế giảng dạy tại nhà trường từ năm học 2016 – 2017 và 2017 - 2018.
Trong năm học 2018 – 2019, cô tiếp tục viết sáng kiến đạt giải cấp huyện với đề tài “Ứng dụng điện thoại thông minh để phát huy kỹ năng nghe tiếng Anh cho học sinh khối 8 tại Trường THCS Vĩnh Quang. Sáng kiến nhằm gây hứng thú và tự giác học kỹ năng nghe cho HS. Đây là thành công bước đầu trong quá trình dạy học. HS đã thay đổi thái độ, động cơ học tập tích cực, thấy được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ để qua đó có ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập.
Đề tài này còn giúp HS nhận thức rõ vấn đề vì sao việc học kỹ năng nghe lại là khâu quan trọng trong quá trình học ngoại ngữ; đồng thời, tạo cho các em sự hứng thú, sự tự tin, tự giác mà không phải áp lực, ép buộc để các em phải lo sợ, hoang mang hay đối phó trong quá trình học, giúp HS học tập trực tuyến với giáo viên hoàn toàn miễn phí, tiết kiệm chi phí cho gia đình, nhà trường và xã hội mà hiệu quả.
Khi mới bắt đầu vào nghề, điều cô Tươi mong ước là trẻ vùng miền núi này có vốn tiếng Anh tốt, tự tin giao tiếp. Và bây giờ mong ước đó dần trở thành hiện thực khi HS của trường đang có những tiến bộ rõ rệt. Năm học 2016 – 2017, môn Tiếng Anh lớp 6 có 4 học sinh đạt giải cấp huyện (1 giải Ba và 3 giải KK); 4 học sinh đạt giải cấp tỉnh (2 giải Ba và 2 giải KK).
Tâm sự về nghề, cô Tươi chia sẻ: Nghề dạy học là một nghề rất thú vị nhưng đầy thách thức. Người thầy phải xác định được vai trò của mình là truyền cảm hứng để học sinh phát huy hết năng lực của mình. Để truyền được cảm hứng cho HS thì người thầy phải tự học, tự trau dồi kiến thức, phương pháp mới và cả đạo đức để làm gương cho các em noi theo.