Người nông dân dám nghĩ, dám làm với mô hình nuôi dê chăn thả tự nhiên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ông Vũ Văn Ngước, 65 tuổi ( xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) là tấm gương điển hình về người nông dân làm kinh tế giỏi.

Đàn dê của gia đình ông Ngước được chăn thả tự nhiên.
Đàn dê của gia đình ông Ngước được chăn thả tự nhiên.

Nuôi dê từ cây dại ven đường

Tiên Lãng là huyện thuần nông của Hải Phòng, điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn.

Quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" tôi luyện cho người nông dân Tiên Lãng tính cần cù, chịu khó, ham làm, ham học hỏi. Cùng với sự phát triển kinh tế nông nghiệp của nhiều địa phương khác trong thành phố, nông dân "đất Tiên" hăng hái thi đua làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới góp phần đưa kinh tế gia đình, địa phương phát triển đã được nhân rộng.

Trong số các mô hình chăn nuôi điển hình tại Tiên Lãng có mô hình nuôi dê thương phẩm được người dân phát triển rộng. Ông Vũ văn Ngước, thôn Hùng Hưng, xã Đông Hưng là tấm gương sáng.

Là quân nhân xuất ngũ, ông Ngước mang theo nhiều hoài bão, khát vọng tuổi trẻ để phát triển kinh tế gia đình tại chính nơi "chôn rau, cắt rốn".

Nghề chính của người dân quê lúc đó không có gì khác ngoài nông nghiệp, quanh năm làm đồng với cái cày, con trâu, với hàng mẫu ruộng lúa, thuốc lào trên cánh đồng thẳng cánh cò bay. Về địa phương, ông Ngước lại tiếp tục công việc nhà nông. Bao đời nay, cuộc sống của người nông dân quanh quẩn bên đồng ruộng, phụ thuộc vào thời tiết nên rất bấp bênh, nhiều năm phấn đấu chăm chỉ, gia đình ông Ngước cũng chỉ đủ ăn.

Dê được lùa ra đồng ăn cỏ.

Dê được lùa ra đồng ăn cỏ.

Vốn tính "hay lam, hay làm", người quân nhân giàu nghị lực vượt khó, xông xáo tìm mọi cách để vực kinh tế gia đình. Ban đầu ông nuôi vịt đẻ, vịt thương phẩm để tận dụng hạt thóc rơi vãi ngoài cánh đồng.

Dù lời lãi không cao nhưng công việc xoay vòng, gia đình ông cũng có đồng ra, đồng vào nuôi các con ăn học. Ông Ngước chia sẻ, đến giờ ông vẫn không quên được cảm giác bất lực khi nhìn đàn vịt chết dần bởi cơn bão dịch H5N1. Dịch bệnh làm gia đình ông thất thu, tay trắng sau bao ngày mất công chăn thả. Sau nhiều đêm trăn trở, ông Ngước quyết định xoá đàn, không chăn nuôi vịt.

Trở về với công việc truyền thống là trồng cây thuốc lào và cấy lúa, ông Ngước có thời gian tiếp tục tìm tòi cơ hội chuyển hướng làm ăn. Ý tưởng nuôi dê núi loé lên trong tâm trí khi ông mơ màng nhớ về những kỉ niệm làm kinh tế thời quân ngũ.

Sẵn có kiến thức, kinh nghiệm thuần và nuôi dê núi, ông Ngước quyết định gây dựng nghề chăn nuôi dê thương phẩm.

Khởi nghiệp với đàn dê 7 con vào năm 2005, ông Ngước thấy vui vì đàn dê thích nghi và phát triển tốt. Tận dụng nhiều diện tích ruộng đang không cấy, bỏ cỏ, ông Ngước làm nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn dê.

Nhân đàn bằng cách để dê sinh sản, nuôi con mẹ, gột con con, chả mấy đàn dê của gia đình ông Ngước trở nên đông đúc. Theo ông chia sẻ, có lúc đỉnh điểm, ông có đến trên 70 con dê lớn, nhỏ. Cứ thế quay vòng nhân giống, ông không tốn tiền mua dê giống và đảm bảo, kiểm soát được chất lượng dê.

Ông Ngước phấn khởi: "Cách gia đình tôi nuôi dê là tái đàn tự nhiên. Chỉ cần đầu tư lứa đầu tiên, những năm tiếp theo khi dê sinh sản bán thu lời mà vốn còn nguyên".

Theo ông Ngước, dê rất thích ăn cỏ và nhiều thứ cây mọc hoang như, sim, tầm bóp, xuyến chi, lá xoan...những thứ đó ở quê có sẵn vì thế chăn nuôi không vất vả, tốn kém. Đặc biệt, ông tận dụng những diện tích đất ruộng hoang để chăn thả, nên đàn dê vừa có môi trường tự nhiên, vừa có nguồn thức ăn sạch sẽ.

"Nguồn thức ăn cho việc nuôi dê khá phong phú, mùa nào thứ đó, gia đình tôi không bao giờ phải mất công tìm kiếm thức ăn mang về chuồng. Những con dê do gia đình thuần nuôi chỉ thích ăn cỏ, cây dại mọc ngoài đồng.

Đặc biệt, dê có khả năng tự tìm thức ăn để thích nghi với tình trạng sức khỏe. Khi mắc bệnh đi ngoài chúng tự tìm đến nơi có lá xoan ăn, tự chữa bệnh cho mình", ông Ngước nói.

Nhân rộng mô hình

Ông Ngước cho hay, trong chăn nuôi các con vật, nuôi dê là nhàn hơn cả. Nếu như nuôi trâu, bò phải mất nhân lực chăn dắt cả ngày, ngày nắng cũng như ngày mưa rất vất vả. Nuôi thả dê chỉ cần lùa đàn ra ngoài đồng 2 lần trong ngày mỗi lần khoảng 1,5 giờ là đàn dê nhà ông đã no cỏ. Ngoài thời gian chăn dê, ông Ngước làm thêm được nhiều việc khác của gia đình.

Đàn dê của gia đình ông Ngước nuôi bằng cỏ tự nhiên, vì vậy chất lượng thịt thơm ngon, an toàn. Dê nuôi lớn đến đâu được đặt hàng hết tới đó, nhiều khi cháy hàng.

Cánh đồng mênh mông cỏ dại là thức ăn "khoái khẩu" của đàn dê.

Cánh đồng mênh mông cỏ dại là thức ăn "khoái khẩu" của đàn dê.

Con dê cái cứ bình quân 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 1- 2 con. Dê con nuôi khoảng 5 – 6 tháng là được xuất chuồng. Hiện đàn dê nhà ông Ngước còn khoảng 45 con, trong đó có 14 con dê đẻ. Dê thương phẩm có giá bán giao động từ 170 – 190 nghìn/ kg. Một năm, gia đình ông cũng thu nhập bình quân trong khoảng trên 100 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hưng cho biết, gia đình ông Ngước là một trong những hộ đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi dê tại địa phương. Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên mô hình nuôi dê của gia đình ông Ngước khá phù hợp, bền vững ở khu vực nông thôn hiện nay.

"Hội Nông dân xã Đông Hưng sẽ tổ chức cùng các hội viên đến thăm quan học tập thực tế mô hình nuôi dê của gia đình ông Ngước. Từ đó có thể nhân rộng thêm cho các hộ khác cùng phát triển", ông Dương cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ