Người dân miền Trung đã quen thuộc với hình ảnh người nghệ sĩ vừa đàn, vừa hát say sưa những ca khúc do chính mình sáng tác và liên tưởng đó là “Trần Tiến” thứ 2. Người ấy là nhạc sĩ, NSƯT Đình Thậm - nguyên Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng.
Lời ca đi vào lòng người
Nhạc sĩ Đình Thậm nhận Giải thưởng Đào Tấn. Ảnh: NVCC. |
Biết nhạc sĩ Đình Thậm với nhiều ca khúc về Đà Nẵng, về miền Trung nắng gió, kiên cường nhưng chúng tôi mới chỉ kết nối, giao lưu qua Facebook. Vậy nên, thật bất ngờ trong lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm nay, tôi được gặp ông ngoài đời.
Chuyến ra Hà Nội lần này với ông thật đặc biệt khi được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam xét chọn là một trong những tác giả được nhận giải thưởng mang tên Đào Tấn.
Đứng trước mặt tôi vẫn là một Đình Thậm hào hoa, phong nhã, hào sảng như những lời ca nốt nhạc anh gieo trong bao ca khúc tha thiết về miền Trung yêu dấu.
Đình Thậm nhận Giải thưởng Đào Tấn với 2 ca khúc xuất sắc “Thắm mãi tình anh” và “Đừng tưởng” cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
Ngay sau khi bước lên sân khấu nhận giải thưởng, ông đã nghẹn ngào, xúc động chia sẻ: “Hai ca khúc này chính là nỗi lòng, suy nghĩ và tình cảm của tôi với người đứng đầu Đảng ta hiện nay.
Chính từ mái tóc bạc phơ, phong thái ung dung và đặc biệt là từ những câu nói mang tính hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực đã khiến tôi vô cùng xúc động để đưa vào khuông nhạc một cách uyển chuyển, tinh tế”.
Trong ca khúc “Thắm mãi tình anh” không hề có câu hát nào nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng khi âm nhạc vang lên người nghe vẫn hình dung được bài hát đang ca ngợi người đứng đầu Đảng ta.
Đó chính là cái tài của Đình Thậm trong việc chắt lọc những hình ảnh, chi tiết và câu nói “đắt”: “Tuổi đã cao nhưng lửa hồng cháy mãi/Yêu quê hương với con tim nồng say/Đôi mắt tinh và nụ cười nhân hậu/Tóc bạc phơ vì trăn trở đêm ngày…”.
Rõ ràng, mỗi ca từ không bị hô hào, lên gân mà nhạc sĩ sử dụng nét nhạc, lời ca giản dị mà sâu sắc, mộc mạc, gần gũi đưa người nghe hình dung đến hình ảnh một người lãnh đạo gần dân, sát dân, luôn quan tâm, chăm lo và trăn trở cho đời sống của nhân dân. Hay trong bài hát “Đừng tưởng”, ông đã dựa vào câu nói “Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín” khi nói về công tác cán bộ của Tổng Bí thư để sáng tác những giai điệu vui tươi, rộn ràng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Đào Tấn, cho rằng “Thắm mãi tình anh” và “Đừng tưởng” mang “chất” âm nhạc nhạc sĩ Đình Thậm không lẫn vào đâu.
Ông cũng là nhạc sĩ duy nhất được Giải thưởng Đào Tấn danh giá đợt này. “Hai ca khúc ca ngợi Tổng Bí thư của Đình Thậm đi vào lòng người nghe một cách hết sức bình dị, sâu lắng. Khi thưởng thức, nhiều người sẽ cảm thấy thêm vinh dự, tự hào về những thành quả đất nước đã đạt được trong thời gian qua mà người truyền cảm hứng chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.
Yêu Đà Nẵng hơn bất cứ ai
Nhạc sĩ Đình Thậm (phải) và nhạc sĩ Thế Hiển. Ảnh: NVCC. |
Nhạc sĩ Đình Thậm sinh năm 1955 tại Quảng Ngãi nhưng đã có hơn 40 năm sinh sống, gắn bó với thành phố Đà Nẵng xinh đẹp. Năm 1976, ông tham gia quân ngũ với chức vụ Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa của tỉnh đội Nghĩa Bình (gọi là Văn công tỉnh đội).
Thời điểm đó, ông biểu diễn hàng trăm buổi phục vụ bộ đội và nhân dân trong tỉnh cũng như nước bạn Campuchia, Lào. Năm 1981, ông chuyển ngành về Công ty đường Quảng Ngãi phụ trách Nhà văn hóa công nhân, xây dựng đội văn nghệ của công ty nhiều năm liền đứng nhất tỉnh Nghĩa Bình và Bộ Công nghiệp Thực phẩm.
Năm 1989, ông chuyển công tác về Công ty Xây lắp điện III, làm trưởng ban nhạc Tia Sáng và cũng có nhiều sáng tác về ngành, như: “Khát vọng miền Trung”, “Anh với rừng mùa Thu”, “Dấu chân âm thầm” (phổ thơ Ngân Vịnh).
Năm 1993, ông đoạt Huy chương Vàng với ca khúc “Chỉ còn biển thôi” (phỏng thơ Ngân Vịnh) trong cuộc thi về Duyên hải Việt Nam do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. “Chỉ còn biển thôi” là ca khúc được rất nhiều người yêu thích bởi ông đã lồng ghép uyển chuyển tình yêu đôi lứa với biển khơi, với sự trăn trở, hoài mong.
Đình Thậm yêu Đà Nẵng hơn bất cứ người con Đà Nẵng nào, nơi đây đã sinh ra người vợ thân yêu của ông; nơi cả gia đình ông đã sinh sống đến mấy chục năm; nơi có biết bao bè bạn, người thân và các mối tương giao.
Có thể kể đến các ca khúc nổi bật của ông về miền đất này, như: “Ðà Nẵng tình người” (thơ Ngân Vịnh), “Hương biển tình em”, “Huyền diệu Ðà Nẵng” (thơ Đoàn Thị Lam Luyến), “Ðà Nẵng mến yêu” (thơ Thuận Hữu), “Đà Nẵng phố tôi yêu”...
Trong một bài viết, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã có những đánh giá hết sức chân thực, khách quan về người đồng nghiệp Đình Thậm: “Trong những nhạc sĩ có các ca khúc sáng tác về Ðà Nẵng, Ðình Thậm được xem là người yêu và hiểu biết nhiều về thành phố.
Trong những ca khúc của mình, anh vừa là khách thể vừa là chủ thể sáng tạo, biến hóa, hòa điệu làm nên diện mạo Ðà Nẵng thơ mộng, gợi nhớ, gợi thương, với những khát vọng vươn lên. Nhiều địa danh của thành phố biển đã đi vào ca khúc của anh nhẹ nhàng, mê đắm và tươi trẻ.
Cái trẻ của sự khát khao, mang đầy nội tâm của người nặng lòng với vùng đất nắng gió, khắc nghiệt. Ca khúc của anh không quá cầu kỳ “khoe kỹ thuật” mà đậm chất tâm tình, vừa trẻ trung lại vừa thâm trầm về cuộc sống, có nét tươi sáng và bay bổng của một thành phố trẻ đang chuyển mình đổi thay, đầy ắp nghĩa tình với đủ những ngọt bùi và cay đắng nhiều kỷ niệm.
Những ca khúc của Ðình Thậm không chỉ nói nên sức sáng tạo say sưa, miệt mài, mà còn là lời tri ân của anh với nơi đã cưu mang và cho anh một sự nghiệp”.
Tri ân người làm báo
Nhạc sĩ Đình Thậm (phải) và nhạc sĩ Trọng Đài cùng đàn hát (ảnh phải). Ảnh: NVCC. |
Hẳn những người làm báo đã không còn xa lạ với ca khúc “Tự hào nghề báo tôi yêu” của nhạc sĩ Đình Thậm (dựa vào thơ của nhà thơ, nhà báo Thuận Hữu, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam).
Bài hát thường vang lên trong những chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam hằng năm. Bài hát với ca từ giản dị mang nhiều ý nghĩa, thông điệp khẳng định tình yêu, sự đam mê đến cháy bỏng của người làm báo với nghề mà mình theo đuổi: “Tôi tự hào với nghề của tôi/ Ôi! Nghề báo đầy nhọc nhằn vất vả/ Ngày dài đêm thâu trải lòng trên con chữ/ Luôn cảm thấy mình mắc nợ với thời gian…”.
Nhạc sĩ Đình Thậm cho biết, bài hát chính là nỗi lòng của một người làm báo lâu năm tâm sự về nghề với biết bao niềm tự hào dù đó có là công việc nhọc nhằn, vất vả, thậm chí luôn đối mặt với hiểm nguy cận kề.
Ông mong mỏi và trăn trở rằng: “Tôi ngưỡng mộ anh bạn Thuận Hữu và tôi yêu tất cả các nhà báo chân chính, xả thân và căm ghét những “bồi bút” ăn theo, lợi dụng làm điều xằng bậy. Tôi mong rằng, nghề báo tiếp tục lao vào những khó khăn trong xã hội đang phát triển đi lên, tìm ra những “con sâu”, kịp thời động viên những cái tốt để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh”.
Nhạc sĩ Đình Thậm có nhiều bạn bè và ông luôn sống hết mình vì mọi người. Bởi vậy, với những văn nghệ sĩ phương xa như từ Hà Nội bay vào, hay Thành phố Hồ Chí Minh bay ra đều gọi cho ông.
Với kinh tế không dư dả nhưng ông luôn tiếp đón bạn bè một cách trịnh trọng nhất và trong những bữa tiệc ấy thứ không thể thiếu được là cây đàn ghi-ta. Họ vừa ăn, vừa hát, vừa đàn mê đắm. Tôi đã từng được xem video mà nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển đăng lên Facebook ghi lại cảnh Đình Thậm và Thế Hiển cùng song ca hát bên bàn tiệc giữa thành phố sông Hàn thơ mộng.
Dường như giữa Thế Hiển và Đình Thậm có quá nhiều điểm chung. Họ đều là tác giả của nhiều ca khúc đi vào lòng người, lại có phong cách biểu diễn “máu lửa”, cuồng nhiệt, lại cùng được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT và điều quan trọng giữa họ có một tình bạn lớn. Giữa họ giống nhau ở điểm nữa là cùng sở hữu nụ cười sảng khoái, vô tư, nụ cười mà bất cứ ai tiếp xúc cũng cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi, dễ gần.
Nhạc sĩ Đình Thậm đã không lạ lẫm với những giải thưởng, thế nhưng lần này được Giải thưởng Đào Tấn vẫn mang đến cho ông những cảm xúc thật đặc biệt. Là người Khu V lại được nhận giải thưởng mang tên một danh nhân nơi đây quả là điều rất đặc biệt với cá nhân ông.
Xưa nay thường thấy người Khu V luôn kiên cường, nỗ lực trước mọi sóng gió, luôn biết vươn lên để sống và cống hiến. Thiết nghĩ, cuộc đời của Đình Thậm sẽ thật tẻ nhạt nếu không có âm nhạc, nếu không được cống hiến cho xã hội bằng lời ca, giai điệu đẹp nhất, hay nhất.