Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng đi tìm bản sắc của riêng mình

GD&TĐ - Là nghệ sĩ thuộc thế hệ 8X, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng thành công trên cả 3 mảng: Sáng tác, biểu diễn và dàn dựng.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng biểu diễn trong đêm nhạc 'Khúc ru thời gian'. Ảnh: NVCC
Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng biểu diễn trong đêm nhạc 'Khúc ru thời gian'. Ảnh: NVCC

Do được đào tạo bài bản về đàn bầu nên khi chuyển sang sáng tác hay dàn dựng, anh đều mang chất liệu âm nhạc dân tộc sâu lắng, tình cảm vào trong tác phẩm và dự án nghệ thuật của mình.

37 tuổi được phong NSƯT

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng hạnh phúc bên vợ. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng hạnh phúc bên vợ. Ảnh: NVCC.

Hiếm có ai hoạt động đa dạng trong âm nhạc như Nguyễn Quang Hưng khi vừa có thể biểu diễn đàn bầu, sáng tác nhạc, lại vừa dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật.

Nhưng dẫu sao cũng cần nhắc đến chuyên ngành đàn bầu mà anh đã theo học bài bản suốt hơn 10 năm dưới mái trường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) do NSND Thanh Tâm giảng dạy.

Đến nay, thành tích xuất sắc nhất trong lĩnh vực biểu diễn là Nguyễn Quang Hưng là giải Nhất cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc lần thứ III - năm 2008.

Học đàn bầu đã cho Quang Hưng nền tảng vững vàng để anh thỏa sức khám phá thế giới âm nhạc mà khi làm bất cứ việc gì, sáng tạo điều gì anh cũng bám rễ vào âm nhạc dân tộc.

Có lẽ, Quang Hưng là một trong những người trẻ nhất được nhận danh hiệu NSƯT, khi mới 37 tuổi (năm 2019). Không công tác cố định tại bất cứ đoàn nghệ thuật hay nhà hát nào nhưng cái tên Quang Hưng luôn được lãnh đạo các đoàn, nhà hát tìm kiếm và gửi gắm những tác phẩm của đơn vị.

Khi ấy, anh đều ra sức thực hiện để mang đến “làn gió mới” cho đoàn, nhà hát trong các hội diễn, cuộc thi. Có thể kể đến những ca khúc anh sáng tác đã giành được Huy chương Vàng, như: “Tâm tình người lính” (Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng), “Hội xuân” (Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần), “Thương kiếp con tằm” (Đoàn Ca múa nhạc Trung ương), “Suối nguồn” (Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hòa Bình)...

Trong Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 1) năm 2021 tổ chức tại Hải Phòng, Nguyễn Quang Hưng tham gia với tư cách là tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Hồn quê” của Đoàn Ca múa kịch Thái Bình.

Kết quả chung cuộc, Đoàn Ca múa kịch Thái Bình đã giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Đặc biệt, đó là lần đầu tiên Đoàn có được tấm Huy chương Vàng danh giá.

Hay tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 2) năm 2021 diễn ra tại Đắk Lắk, anh cũng tham gia dàn dựng chương trình thi cho Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và giành những kết quả xuất sắc.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng (ngoài cùng bên phải) trong một dự án nghệ thuật cùng Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí (người ngồi). Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng (ngoài cùng bên phải) trong một dự án nghệ thuật cùng Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí (người ngồi). Ảnh: NVCC.

Bản lĩnh trong vai trò nhạc sĩ của phim

Phải khẳng định, Quang Hưng là nhạc sĩ tài năng nên mới có thể tham gia viết nhạc cho 3 bộ phim đình đám của điện ảnh Việt: “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Thương nhớ ở ai”. Nhất là, khi làm đạo diễn âm nhạc cho phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần anh còn đang là sinh viên.

Hành trình đưa Quang Hưng đến với 3 bộ phim này thật không đơn giản, thậm chí các đạo diễn trong những lần đầu gặp mặt còn chưa tin tưởng giao “đứa con tinh thần” của mình cho một người còn khá trẻ như anh. Nhưng rồi, 3 bộ phim đã đi vào lịch sử của phim truyện Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của người viết nhạc cho phim Quang Hưng.

Từ “Nụ cười mắt lá” - đêm nhạc đầu tiên của anh cho đến những thành công sau này sẽ thấy nhạc sĩ Quang Hưng là người luôn sôi nổi, đam mê, nhiệt huyết đến cháy bỏng cho các hoạt động nghệ thuật. Đôi khi trong người nhạc sĩ thành Nam này còn có cả sự liều lĩnh và táo bạo.

Điều đó thể hiện rõ nhất khi anh nhận lời làm đạo diễn âm nhạc cho bộ phim “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh. Bởi theo yêu cầu của đạo diễn phim thì chất liệu âm nhạc dân gian phải được sử dụng rất nhiều và nếu không phải là người say mê âm nhạc dân tộc thì khó có thể làm tốt được phần việc quan trọng này.

Trong phim có những đoạn nhạc kéo dài đến 8 - 9 phút, có thể nói đây là kỷ lục về thời gian âm nhạc trong một bộ phim Việt. Vì thế, khi bộ phim phát sóng và giành được những giải thưởng điện ảnh danh giá, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đã tiết lộ: ““Thương nhớ ở ai” là bộ phim cực khó làm nhạc vì sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc của Đồng bằng Bắc Bộ như: Ca trù, chầu văn, chèo, xẩm, quan họ, hát ru... nhưng nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng dám đương đầu với thử thách và đã thành công”.

Theo Nguyễn Quang Hưng, đạo diễn âm nhạc là công việc kỳ công, tỉ mỉ với nhiều phần việc, đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm cùng cái nhìn bao quát, tổng thể.

Đặc biệt, nhạc sĩ còn cần tích lũy thêm nhiều kiến thức âm nhạc cũng như kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý để khai thác các chất liệu vùng miền cho đúng và hay. Nhưng điều quan trọng nhất là phải lao động bằng nhiệt huyết và trách nhiệm với công sức mà mình đã xác định bỏ chất xám đầu tư vào sản phẩm cũng như chương trình.

Nhạc sĩ Quang Hưng kể: “Vì tuổi còn khá trẻ nên nhiều khi các đạo diễn e ngại khi mời tôi làm đạo diễn âm nhạc. Điều đó không làm tôi buồn mà thôi thúc tôi muốn khẳng định bằng sản phẩm của mình.

Và rồi, khi nhận lời các đạo diễn, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất để họ không thất vọng về mình. Như trong bộ phim “Thương nhớ ở ai”, tôi mất rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ.

Tôi nghĩ, đó cũng là dám chơi, dám hy sinh và đương nhiên tiền bạc phải được gạt sang một bên. Khi bộ phim hoàn thành, ê-kíp đã dành cho nhau cái ôm, cái bắt tay, những lời cảm ơn và tôi nghĩ mình đã để lại giá trị khác ngoài việc kiếm tiền”.

Sau 3 bộ phim đình đám này, đến nay nhạc sĩ Quang Hưng chưa nhận lời làm nhạc phim với đạo diễn nào. Bởi anh sợ rằng, bản thân không vượt qua “cái bóng” quá lớn của các bộ phim mà mình đã tham gia.

Anh cho rằng, mình cần thời gian để trau dồi kiến thức, tìm cảm hứng sáng tạo mới để không giẫm vào chân mình. “Làm âm nhạc sợ nhất là không còn cảm hứng sáng tạo, sự mới mẻ và khi cảm thấy mình không đủ sức làm thì đừng cố nhận.

Âm nhạc là cuộc chơi khắc nghiệt. Khán giả hôm nay có thể ca ngợi nhưng ngày mai họ có thể sẽ quay lưng với bạn. Bởi thế, tôi luôn nhắc nhớ mình không được “ngủ quên” trên chiến thắng”, anh bộc bạch.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng trong một dự án nghệ thuật cùng NSND Việt Hương (người ngồi). Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Quang Hưng trong một dự án nghệ thuật cùng NSND Việt Hương (người ngồi). Ảnh: NVCC.

Làm mới nhưng không bóp méo truyền thống

Lâu nay, báo chí truyền thống hay bàn luận và tỏ ra băn khoăn về việc làm mới âm nhạc truyền thống. Vậy để làm công việc này, người nghệ sĩ cần có tố chất, sự hiểu biết ra sao? Đứng trước những câu hỏi này, nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, đây là công việc rất khó, nhất là việc bảo tồn và phát huy vốn cổ hòa nhịp với hơi thở hiện đại mà không bị bóp méo, biến dạng.

“Những chất liệu hay lối thể hiện đòi hỏi phải chắc về chất liệu âm nhạc dân gian vùng miền để làm mới. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi đã phải nghe nhiều dòng nhạc khác nhau để từ đó có thể kết hợp những nét tươi mới từ các loại nhịp, âm hình tiết tấu, kiến thức hòa âm cũng như những chất liệu âm nhạc khác nhau để hòa trong bài nhạc truyền thống thêm phong phú, đa dạng mang sức sống mới và cuốn hút hơn”, anh nhấn mạnh.

Gần đây, nhạc sĩ Quang Hưng còn tìm hiểu và thử sức cả ở sân khấu chèo vì anh thấy đây là loại hình sân khấu mà chưa nhiều nhạc sĩ khai thác, vận dụng. “Tôi nghĩ, để vận dụng được chèo trong các sáng tác âm nhạc đòi hỏi phải biết nhiều làn điệu cũng như phải thành thạo kiến thức hòa âm, kiến thức chung âm nhạc để dàn dựng cũng như viết cho các cây đàn dân tộc chơi phong cách này. Người thực hiện cũng cần biết chơi nhạc cụ dân tộc hay hát được để quá trình làm việc sẽ thuận lợi hơn. Được các thầy dìu dắt, chỉ bảo tận tình, tôi hy vọng một ngày không xa có thể đóng góp được ít nhiều cho sân khấu chèo”, anh chia sẻ.

Vào trang Facebook cá nhân của Quang Hưng sẽ thấy được những hoạt động nghệ thuật đa dạng của người nhạc sĩ 8X này. Ngoài những “đơn đặt hàng” của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, anh vẫn thường xuyên nhận lời phối khí, sáng tác mang tính cá nhân.

Mới đây, tôi đặc biệt ấn tượng với 2 ca khúc mà anh phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ. Nếu như bài hát “Chiều biên giới”, anh sáng tác theo hướng trẻ trung, hào sảng với nhịp điệu Rock thì bài hát “Hát về người chiến sĩ Công an nhân dân” lại mang đến sự tươi mới, dễ nghe và dễ cảm nhận.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng như con ong chăm chỉ cống hiến cho âm nhạc bằng tình yêu cháy bỏng, bằng sự đam mê, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Anh đã và đang trên hành trình đi tìm bản sắc của riêng mình.

Điều này cũng đã được cô giáo của anh - NSND Thanh Tâm ghi nhận và hết lời ngợi khen. Với sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, tin rằng, anh sẽ còn có bước tiến lớn trong hoạt động nghệ thuật, dù biết đó là con đường chưa khi nào là dễ dàng, giản đơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ