'Kiềng 3 chân' của nhạc sĩ mang quân hàm xanh

GD&TĐ - Với NSƯT Nguyễn Hải Nam, việc giảng dạy là công việc vô cùng thú vị, hấp dẫn để nhạc sĩ mang quân hàm xanh này lấy lại sự cân bằng trong nghệ thuật.

NSƯT Hải Nam say sưa trên phím đàn. Ảnh: NVCC
NSƯT Hải Nam say sưa trên phím đàn. Ảnh: NVCC

Gần 30 năm gắn bó với Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, Trung tá, NSƯT Nguyễn Hải Nam đã thành công trong cả 3 lĩnh vực: Biểu diễn trống, sáng tác nhạc và giảng dạy. Trong đó, với anh việc giảng dạy là công việc vô cùng thú vị, hấp dẫn để nhạc sĩ mang quân hàm xanh này lấy lại sự cân bằng trong nghệ thuật.

Gia đình là “bệ đỡ”

NSƯT Hải Nam (phải) và anh trai của mình - NSND Xuân Bắc trong ngày được Nhà nước phong tặng danh hiệu. Ảnh: NVCC.

NSƯT Hải Nam (phải) và anh trai của mình - NSND Xuân Bắc trong ngày được Nhà nước phong tặng danh hiệu. Ảnh: NVCC.

So với nhiều người, Đội trưởng Đội nhạc Nguyễn Hải Nam có nhiều lợi thế khi đến với âm nhạc. Anh có cha công tác ở Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An) và anh trai là Đại tá, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Nhưng đó chỉ là “điều kiện cần” còn “điều kiện đủ” là sự nỗ lực không ngừng của bản thân NSƯT Hải Nam. Anh đã giành được một số huy chương với bộ môn trống, như: Huy chương Vàng Liên hoan độc tấu, hòa tấu Nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017 với độc tấu bộ gõ “Nhịp sống biên cương”;

Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, với độc tấu bộ gõ “Biên cương hội tụ”; Huy chương Vàng Liên hoan độc tấu, hòa tấu Nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2014, với tốp tấu “Hướng về biển”; Huy chương Bạc cùng đội nhạc tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2018, với tiết mục hòa tấu “Sức sống biên cương”…

Lớn lên trong không gian khu tập thể Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An nên NSƯT Hải Nam yêu tiếng trống từ thuở ấu thơ. Anh trai Nguyễn Xuân Bắc luôn là tấm gương lớn để anh học tập, cố gắng và nỗ lực không ngừng.

Một sự tình cờ và ngẫu nhiên là năm 2019, khi Hải Nam nhận danh hiệu NSƯT thì anh trai anh cũng nhận danh hiệu NSND. “Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trên miền Trung nắng lửa đã mang đến cho con người tôi sự dày dặn, sự vượt khó vươn lên.

Cùng với đó, tôi được là người chiến sĩ mang quân hàm xanh - lực lượng Bộ đội Biên phòng ở nơi biên cương, hải đảo xa xôi, đầu sóng ngọn gió”, NSƯT Hải Nam bày tỏ.

Say mê với sáng tác âm nhạc

NSƯT Hải Nam (thứ 2 từ phải sang) và các nhạc sĩ quân đội trong Hội nghị ra mắt chi hội nhạc sĩ quân đội, khu vực Hà Nội. Ảnh: NVCC.

NSƯT Hải Nam (thứ 2 từ phải sang) và các nhạc sĩ quân đội trong Hội nghị ra mắt chi hội nhạc sĩ quân đội, khu vực Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Là nghệ sĩ trống nhưng NSƯT Hải Nam còn yêu thích việc mày mò, sáng tác những bản nhạc, ca khúc mới. Bởi với anh, khi đó bản thân được thỏa sức sáng tạo mà không bị phụ thuộc vào bất cứ điều gì.

Trong bài hát “Lá chắn thép nơi biên cương”, anh mong muốn thể hiện tình cảm dành cho đồng đội đang vững vàng bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc, nhất là trong thời điểm họ phải “căng mình” chống dịch Covid-19. Đây cũng là ca khúc giành giải C - Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021.

Hay bài hát “Về xứ Nghệ yêu thương” giành giải Khuyến khích - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2022 cũng chất chứa biết bao điều của người con xa quê với mảnh đất quê hương đầy thân thương và yêu mến của mình. Ở ca khúc này, anh đã vận dụng sáng tạo dân ca ví, giặm để mỗi người con xứ Nghệ xa quê khi nghe giai điệu vang lên lại thổn thức, nhung nhớ về “quê cha đất tổ”.

Ngoài ra, anh còn có nhiều sáng tác về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và hình tượng người lính, như: “Nâng bước em đến trường”, “Mệnh lệnh trong tim”, “Bài ca lên đường”, “Tổ quốc và em”, “Nợ mẹ”…

Thực ra, việc NSƯT Hải Nam biết đến và có được thành công trong sáng tác được bắt đầu từ sự giúp đỡ, khuyến khích, động viên của người thủ trưởng - Đại tá, NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng.

Bản thân là nhạc công và từng được nhạc sĩ Doãn Nho khuyến khích sáng tạo nên Đại tá Nguyễn Tuấn Anh thấu hiểu để luôn động viên NSƯT Hải Nam quan tâm và thăng hoa trong sáng tác. Từ những kỹ năng học trong nhà trường cùng với cảm xúc, sự mày mò trong các đề tài, anh đã viết nhiều ca khúc đi vào lòng người.

Không chỉ vậy, NSƯT Hải Nam còn sáng tác những tác phẩm khí nhạc dành cho bộ môn trống. Tại Lễ kỷ niệm 75 năm “Công an Nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” khán giả được thưởng thức màn trống hội “Vang mãi ngàn năm” do 700 thành viên Đoàn Nghệ thuật Trống hội (Học viện Cảnh sát nhân dân) biểu diễn mà người sáng tác, chỉ huy và dàn dựng chính là Nguyễn Hải Nam.

Thực ra, anh đã là “người quen” của Đoàn Nghệ thuật Trống hội từ khi Đoàn mới được thành lập năm 2020. Được Đoàn “đặt hàng” nhân các ngày lễ kỷ niệm, anh đã sáng tác, dàn dựng, chỉ huy nhiều tác phẩm như “Linh thiêng hội tụ” (cùng với NSƯT Thành Nam), “Hào khí non sông” (cùng NSƯT Thành Nam, NSƯT Huỳnh Tú).

Riêng trong năm 2023, NSƯT Hải Nam tham gia sáng tác, dàn dựng, chỉ huy độc lập màn trống hội “Vang mãi ngàn năm” - đây được coi là chương trình nghệ thuật trọng điểm của Bộ Công an trong những ngày lễ lớn vừa qua.

Chia sẻ ý nghĩa của màn trống hội này, NSƯT Hải Nam cho biết: “Với truyền thống vẻ vang của cha anh đi trước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hôm nay tiếp tục giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp đó, xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ.

Những phẩm chất tốt đẹp của người Công an nhân dân đã, đang và sẽ mãi được Tổ quốc, nhân dân khắc ghi, lưu truyền. Đó chính là mạch nguồn cảm hứng, ý đồ nghệ thuật của tôi trong màn trống hội đặc biệt này”.

Lấy lại sự cân bằng trong nghệ thuật

'Kiềng 3 chân' của nhạc sĩ mang quân hàm xanh ảnh 3

NSƯT Hải Nam biểu diễn trống. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh công việc sáng tác, biểu diễn, NSƯT Hải Nam còn tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Anh coi đó là công việc vô cùng thú vị, hấp dẫn để lấy lại sự cân bằng trong nghệ thuật.

“Biểu diễn, sáng tác là những công việc của hoạt động nghệ thuật nhưng sẽ là thiếu sót nếu không có giảng dạy. Tôi nghĩ, đó là “kiềng 3 chân” giúp nghệ sĩ có cảm xúc mới mẻ phục vụ công việc chuyên môn của mình tại Đoàn.

Và, dạy học cho tôi được tiếp xúc với lứa học trò trẻ trung, năng động và sáng tạo theo cách của thế hệ trẻ mà thế hệ 8X như chúng tôi không có được”, NSƯT Hải Nam chia sẻ.

Cùng với đó, anh còn cho rằng, dạy học không chỉ là “cho đi” kiến thức, mà còn “nhận lại” điều hay từ học trò. Cũng bởi, kiến thức trong nghệ thuật là vô biên, mỗi người, cả thầy và trò cần phải không ngừng học tập, đào sâu nghiên cứu. Thời đại công nghệ, học trò có nhiều cách sáng tạo trong tiếp cận kiến thức mà nhiều khi chính anh cũng phải học các em.

Là người bạn, đồng nghiệp, đồng chí của NSƯT Hải Nam, Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho biết: “Ngoài những đóng góp cho nghệ thuật trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, nghệ sĩ Nguyễn Hải Nam còn là giảng viên thỉnh giảng đầy trách nhiệm, đam mê và đã truyền dạy nghệ thuật cho nhiều thế hệ học viên, góp phần lưu giữ bản sắc âm nhạc dân tộc.

Có thể kể đến một số sinh viên xuất sắc qua bàn tay dìu dắt, chỉ bảo tận tình, tâm huyết của anh đang phát huy được năng lực, sở trường tại các đoàn nghệ thuật, như: Nguyễn Minh Huyền, Lương Thị Huyền, Thái Duy Thiên...

Là người công tác tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, nghệ sĩ Hải Nam có những sự trải nghiệm quý báu với nghệ thuật và theo tôi đó chính là thế mạnh của anh. Kiến thức nghệ thuật phải nói rất rộng lớn, bao la nhưng nếu chỉ giảng dạy lý thuyết thì các em sinh viên khó lòng tiếp thu, lĩnh hội được”.

Dù “đóng vai” người “3 trong 1” (biểu diễn, sáng tác, giảng dạy) nhưng NSƯT Hải Nam luôn cho rằng, mình có được ngày hôm nay xuất phát từ bộ môn trống và trách nhiệm bản thân là phải đưa thanh âm truyền thống này đến với đông đảo công chúng.

Hiện nay, có lẽ chưa có nghệ sĩ nào ở Việt Nam được nhận danh hiệu NSND trong bộ môn này còn người được phong danh hiệu NSƯT cũng rất ít. Điều đó làm NSƯT Hải Nam trăn trở, suy nghĩ rất nhiều: “Dù là một loại khí nhạc truyền thống nhưng trống vẫn là bộ môn mới với nhiều người, nó mang tính trừu tượng và khó cảm nhận hơn so với loại hình nghệ thuật khác.

Để nghe và hiểu về khí nhạc cần rất nhiều thời gian và công sức, như từ vấn đề văn hóa, lịch sử, diễn giải, trình độ biểu diễn và truyền tải của người nghệ sĩ, cảm thụ, cảm nhận và tư duy của người nghe…”.

Tất nhiên, mọi thứ đều không dễ dàng nhưng điều quan trọng là NSƯT Hải Nam đang đi trên hành trình sáng tạo với tâm thế, tinh thần hết sức tự tin cùng niềm đam mê bất tận, tình yêu nồng cháy. Tin rằng, anh sẽ tạo nên những “cú hích” trong nghệ thuật, để góp phần đưa bộ môn trống thực sự đi vào đời sống tinh thần cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ