Mới đây, vở nhạc kịch “Huyền diệu biển” của ông đã được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng và công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
“Ở ẩn” mà không “ẩn”
Các ca khúc của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính hằng ngày vẫn vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó nổi bật nhất là “Trên công trường rộn tiếng ca”.
Thế nhưng, về tác giả thì nhiều người không biết ông đang ở đâu và làm gì. Có người nói, ông vẫn sống ở Hà Nội, có người thì bảo ông về quê Hà Nam sinh sống.
Nhưng sự thực thì không phải vậy! Mấy năm trước, tôi đã cất công “đi tìm” nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và đã được đến thăm tư gia của ông ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Ngôi nhà của ông nằm trong khuôn viên rộng rãi, rợp bóng cây xanh mát, nằm dưới chân núi Phật Tích - nơi có ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất xứ Kinh Bắc.
Qua cảm nhận của tôi thì dường như ông sống như một “ẩn sĩ” khi “đoạn tuyệt” với thế giới mạng, như Facebook, Zalo - công cụ mà trước đó trên cương vị Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã thường xuyên sử dụng để kết nối với các hội viên - để sống hòa vào thiên nhiên.
Ông bảo, bao năm lăn lộn ở thành phố với ồn ào, khói bụi thì giờ là thời điểm về quê để hưởng sự tĩnh lặng, hà hít không khí trong lành. Dù quê ở vùng chiêm trũng Hà Nam nhưng khi về hưu, ông lại chọn Bắc Ninh là nơi sinh sống, an dưỡng tuổi già.
Ông yêu vùng quê Kinh Bắc với những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm; với những mái đình nghiêng nghiêng, cổ kính; với tình nghĩa con người, sống với nhau trước sau như một: “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”…
Nói là “ở ẩn” nhưng sự thực thì nhạc sĩ Ngô Quốc Tính không “ẩn”. Ông vẫn âm thầm, lặng lẽ dâng cho đời những lời ca đẹp nhất, trữ tình nhất. Trong những năm về Bắc Ninh sinh sống, ông bảo mình có thêm nhiều sáng tác hơn, chất lượng hơn và đã được trao nhiều giải thưởng cao quý.
Đó là hợp xướng không dàn nhạc đệm “Dòng trăng lúng liếng” (Giải Nhất ca khúc nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009), hợp xướng “Phật Tích” (Giải Nhì thể loại thanh xướng kịch - hợp xướng, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010), vở nhạc kịch “Huyền diệu biển” (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2016);
Thanh xướng kịch “Nàng nhũ hương” (Giải B, không có giải A, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017), hợp xướng “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” (Giải B - Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018), vở nhạc kịch “Hoa lửa” (Giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác âm nhạc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của Hội Âm nhạc Hà Nội)…
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính bên phím đàn. Ảnh: Ngô Khiêm. |
Có thể thấy, trong những năm gần đây, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính ít viết ca khúc mà chuyên tâm vào viết tác phẩm lớn. Đây là thể loại khó, đòi hỏi người viết phải có kỹ thuật cao, kiến thức sâu về âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc phương Tây để hòa quyện tạo nên tác phẩm rất… Việt Nam.
Ông đi sâu vào những điển tích, điển cố, những sự kiện lịch sử để khai thác, vận dụng trong tác phẩm của mình. Ví dụ trong vở “Nàng Nhũ Hương”, ông viết về Thủy tổ quan họ (hiện đền thờ Vua Bà tại làng Diềm, thành phố Bắc Ninh).
Hay trong vở “Hoa lửa”, ông dựa vào vở kịch “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói về một thời bi hùng mà bộ đội, nhân dân Thủ đô chống quân xâm lược (tháng 12/1946). Rồi hợp xướng “Phật Tích”, ông đã “vẽ” quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất của đất Kinh Bắc, với tình cảm cá nhân đầy thương mến.
Âm nhạc cất lên từ cuộc sống
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TT&DL. |
Dù được viết từ mấy chục năm trước, khi cả nước đang thi đua lao động, sản xuất nhưng hôm nay nhiều người vẫn thích nghe ca khúc “Trên công trường rộn tiếng ca” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính.
Ca khúc có ca từ giản dị, mộc mạc, gần gũi, đặc tả sự vui tươi, lạc quan, yêu đời của những chàng trai, cô gái lao động trên công trường: “Đôi bồ câu đang bay về hướng/Anh cùng em đi ra công trường/Gió lộng trời xanh chim hót hoa đưa hương/Với cả tình ta nâng bước ta lên đường/Như ngày qua em ở hậu phương/Như ngày qua anh nơi chiến trường/Đã hẹn cùng nhau thề giữ lấy quê hương/Cho ngày hôm nay vai sánh vai trên công trường…”.
Có thể nói, thời điểm đó, ca khúc này đã mang sức mạnh tinh thần to lớn để cổ vũ, động viên công nhân hăng say lao động, sản xuất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mỗi khi nghe ca khúc này, tôi có cảm tưởng dường như đó cũng là nỗi lòng của chính nhạc sĩ khi phải sống bươn chải, vất vả mưu sinh thuở thiếu thời. Từ vùng quê nghèo, chàng trai trẻ Ngô Quốc Tính đã phải làm đủ mọi nghề nặng nhọc như kéo xe bò, đạp xích lô... để kiếm sống.
Sau đó năng khiếu bộc phát, ông trở thành họa sĩ. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ông đã theo học và tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Thế nhưng, hội họa đã không chọn Ngô Quốc Tính, khi ra trường, ông chỉ làm hội họa trong một thời gian rất ngắn, rồi chuyển sang làm âm nhạc.
Mày mò vừa học, vừa làm, ông đã làm chỉ huy dàn nhạc ở Đoàn Chèo Ninh Bình rồi Đoàn Ca Múa Kịch Ninh Bình, sau đó học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ra trường, ông gắn bó với công việc tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam mấy chục năm.
Năm 2012, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho 7 tác phẩm, trong đó cho 5 ca khúc: “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Mai em mười bảy”, “Hương hồi xứ Lạng”, “Biên giới tình ta”, “Dòng trăng lúng liếng” và 2 tác phẩm giao hưởng: “Ba Đình mùa thu ấy”, “Huyền tích Trường Sơn”.
Ông quan niệm, âm nhạc phải bắt nguồn từ đời sống của người lao động và phải viết bằng sự chắt lọc tinh tế của người viết. Một tác phẩm “sống” được trong lòng công chúng là một tác phẩm đã nói đúng, nói trúng tâm trạng, nỗi lòng của đại đa số người nghe. Để thuyết phục được người nghe, đòi hỏi nhạc sĩ phải bám chặt vào dân ca, phát triển dân ca để gần gũi với đời sống hôm nay.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính (trái) và nhà văn Nguyễn Huy Thắng bên phần mộ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. |
Dồn hết tâm sức, trí tuệ
Mới đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phối hợp với gia đình nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và NSND Lê Tiến Thọ (tổng đạo diễn) cho ra mắt vở nhạc kịch mang tên “Huyền diệu biển” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Huyền diệu biển” chính là sự “tái xuất” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính sau nhiều năm lặng thầm sáng tác.
Ông đã viết tác phẩm này trong khoảng 10 năm với biết bao tâm sức, trí tuệ và lòng biết ơn. Trong “Huyền diệu biển”, nhân vật chính được đề cập đến là Lang Liêu, vị vua Hùng với truyền thuyết bánh chưng, bánh dày và tình yêu đẹp với tiên nữ Bạch Hạc.
Nhưng cả hai đã chấp nhận hy sinh tình yêu đôi lứa để dâng tặng cho đất nước Văn Lang sự bình yên và hưng thịnh. Vở nhạc kịch gồm 4 màn: “Thi tài”, “Cùng Bạch Hạc đánh giặc ngoại xâm”, “Mưu thuồng luồng” và “Bình yên trở lại”. Vở diễn được sáng tác với phần âm nhạc mang âm hưởng dân gian rất lớn cho dù viết cho nhạc kịch; ngôn từ trong vở diễn cũng đậm chất thi ca.
Trò chuyện về vở diễn, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính vui mừng, phấn khởi khôn xiết và ông hy vọng vở nhạc kịch sẽ là một sản phẩm nghệ thuật hoành tráng đúng với tinh thần, tầm vóc của một tác phẩm lớn ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính say sưa hát một ca khúc của mình. Ảnh: Ngô Khiêm. |
Vậy là bao năm chờ đợi, cuối cùng vở “Huyền diệu biển” đã vang lên, chứ không phải mãi là văn bản cất trong ngăn tủ. Đây chính là vở nhạc kịch đầu tiên của ông được dàn dựng và ông mong muốn “Lũy hoa” và “Nàng Nhũ Hương” cũng có số phận tương tự.
Có thể thấy, việc sáng tác vở nhạc kịch đã mất rất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian thì việc có được kinh phí dàn dựng cũng là câu chuyện rất khó khăn. Để dựng vở “Huyền diệu biển” theo tiết lộ riêng của ông thì mất khoảng hơn 2 tỷ đồng. Số tiền đó là không nhỏ với mức lương của một công chức về hưu, nếu không được Nhà nước hỗ trợ thì nó mãi mãi nằm lại trên những trang giấy mà thôi.
Bước vào tuổi 80, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính không dám hứa trước là có sáng tác thêm được tác phẩm nào hay không nhưng có một điều chắc chắn là tình yêu và sự đam mê với âm nhạc trong ông sẽ không khi nào dừng lại.
Chừng nào còn sức khỏe, còn hơi thở là ông còn mơ tưởng về những nốt nhạc, lời ca để làm đẹp thêm cho quê hương, đất nước, là nguồn động lực tinh thần để các thế hệ vươn lên cống hiến cho Tổ quốc thân yêu.