Người nghệ sĩ và niềm hối thúc tự bên trong

GD&TĐ - Trong hoạt động dạy học theo sách giáo khoa hiện hành cũng như hướng đến Chương trình, sách giáo khoa mới trong thời gian sắp tới, muốn phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh, giáo viên cần cung cấp cho các em một tri thức nền tảng để nhận thấy được sự xuất hiện của con người trong văn chương luôn là kết quả của sự gặp gỡ giữa hiện thực và ý thức của người viết.

Nỗi cảm thương của Nguyễn Du đối với Thúy Kiều cũng chính là những dằn vặt, xót xa của tác giả về cảnh ngộ của đời mình.
Nỗi cảm thương của Nguyễn Du đối với Thúy Kiều cũng chính là những dằn vặt, xót xa của tác giả về cảnh ngộ của đời mình.

Trong đó, yếu tố quyết định vẫn luôn là niềm hối thúc tự bên trong của người nghệ sĩ. Thực hiện hoạt động viết là để dựng nên một thế giới thứ hai, vừa soi rõ hiện thực, lại vừa in bóng hình cảm quan của những cá thể sáng tạo.

Văn học thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX làm nên những thành tựu rực rỡ cho nền văn học Trung đại Việt Nam cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đó là giai đoạn văn học đã phác họa được bức chân dung của con người cả thời đại, đưa người đọc thực hiện một cuộc hành trình khám phá thế giới tinh thần của dân tộc trong một thời kỳ bất thường của lịch sử. Dạy học văn chương giai đoạn này không thể bỏ qua ba tác phẩm đỉnh cao: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm) và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Để có tri thức đọc hiểu các tác phẩm một cách sâu sắc, giáo viên và học sinh cần nhận thấy mối quan hệ giữa hiện thực và sáng tạo, tránh cái nhìn xã hội học dung tục nhưng cũng không cắt đứt tác phẩm với cội nguồn sáng tạo của nó.

1.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, người Việt Nam sống trong một thế cuộc đảo điên, thất thường: Nội chiến liên miên giữa các tập đoàn phong kiến trong nước, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổi lên, ngoại bang xâm lược... Trước tình trạng bi đát ấy, con người “mang nỗi thất vọng về hiện thực và mặc cảm thân phận sâu sắc”. Số phận con người chưa bao giờ chông chênh đến thế. Nếu như con người tinh thần xuất hiện trong văn học mấy thế kỷ trước chỉ biết đến chữ phận gắn liền với chữ danh, thì con người thế kỷ XVIII lại là con người của thân phận. Một thời đại chữ thân ra đời trong văn học là hệ quả tất yếu của sự gắn bó không thể nào chia cắt giữa văn học và hiện thực đương thời. Xuất phát từ những trăn trở, day dứt đối với thân phận, ý thức sâu sắc về sự nhỏ bé, vô nghĩa của con người, các tác giả thời kỳ này lựa chọn đề tài/nhân vật chính của mình là những người phụ nữ. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học Trung đại, đề tài viết về người phụ nữ lại tạo nên nhiều điều nhức nhối đến như vậy.

Khi lựa chọn viết về người phụ nữ, nghĩa là các tác giả đã viết về những thân phận bên lề xã hội phong kiến, sự viết được tiến hành như một sự chia sẻ, đồng cảm hay tự biểu hiện tính chất bên lề của thân phận người viết. Trước hết, đấy là tính chất bên lề nhìn từ loại hình nhà Nho. Chúng ta biết, cả Đặng Trần Côn (và Phan Huy Ích hay Đoàn Thị Điểm), Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Du (cùng với nhiều thi sĩ trong thời đại của họ) dường như đều mang một nỗi tủi hờn về thân phận bên lề. Không thể phủ nhận rằng, kiểu nhà Nho tài tử là biểu hiện của một giá trị sống. Nhưng chính kiểu nhà Nho tài tử lại cũng là biểu hiện sinh động của một kiểu thân phận dễ phải chịu sự ghẻ lạnh, sự kỳ thị hay ít ra là một cái nhìn khác trong xã hội cái bổn phận nghiêm chỉnh đang được đặt ở trung tâm dẫu ít nhiều đã bị hoài nghi. Tính chất nổi loạn chính là điểm cần nhấn mạnh trong kiểu nhà Nho này. Không phải ngẫu nhiên mà hậu thế có thể thấy, bên cạnh tài năng là cá tính và khát vọng giải phóng cái tôi cùng với sự cảm nhận sâu sắc các bi kịch cá nhân luôn thường trực trong sáng tác của họ. 

Bìa ba tác phẩm
Bìa ba tác phẩm

2.

Đặng Trần Côn, nguyên là con cháu họ Trần, thuộc dòng dõi Trần Nguyên Đán, có viễn tổ là Trần Cẩn, Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, hiệu Quang Thuận thứ 10 từng phục mệnh đi sứ Trung Quốc. Sau (1511), con cháu của Trần Cẩn là Trần Tuân làm loạn, bị Trịnh Duy Sản giết, con cháu phải  biệt tích, chuyển đến nơi khác, đổi sang họ Đặng. Có thể thấy trong con người Đặng Trần Côn sự chồng lớp mặc cảm ngoại biên: Mặc cảm của một dòng tộc mất nước và mặc cảm của một dòng phải cải họ để tồn tại. Thêm nữa, việc thi cử lận đận và chỉ làm một chức quan nhỏ rồi sau đó cáo quan về ngồi dạy học tại tư gia của một người khác cũng có thể tạo nên mặc cảm bên lề của tác giả này. Chinh phụ ngâm ra đời từ sự mẫn cảm của Đặng Trần Côn trước một hiện thực đầy nghịch cảnh, người thiếu phụ đáng thương khắc khoải chờ chồng với những ước mong thầm kín về hạnh phúc và tình yêu trong vô vọng, khổ đau. Chạm vào tâm tư ấy, khúc ngâm vang lên và tinh thần người nghệ sĩ cũng trút cả vào đây như một cách để đối thoại với cả thời đại về những nhu cầu cá nhân đáng được thụ hưởng giữa cuộc đời.

Nguyễn Du là một trường hợp đặc biệt: Sinh ra trong một gia đình thế phiệt ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhưng gốc gác lại ở Canh Hoạch, Thanh Oai, Sơn Nam; mẹ là vợ lẽ (thứ ba). Dòng tộc Nguyễn Du trở thành danh gia khi triều Lê đã mạt, sau đó chìm trong li loạn, chính thức bị gián đoạn từ khi Tây Sơn nổi lên, và Nguyễn Du chỉ có thể trở lại làm quan khi Tây Sơn bị diệt. Bản thân Nguyễn Du lấy vợ người Thái Bình, từng chống lại Tây Sơn rồi bị giam cầm, từng trải mười năm gió bụi. Có thể thấy, Nguyễn Du tiêu biểu cho kiểu thân phận bị hắt hủi. Không phải ngẫu nhiên mà người phụ nữ nhiều khi trở thành hình tượng trung tâm trong sáng tác của ông, cũng luôn chịu tình cảnh bị hắt hủi. Ngay nhân vật mà người ta thấy có khả năng làm chủ số phận của mình nhất – Từ Hải – thực ra cũng là một thân phận bên lề. Với “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, Nguyễn Du đã cất lên “tiếng kêu đứt ruột mới” trong Truyện Kiều để giải phóng bao nhiêu tâm sự của một tấm lòng giàu trắc ẩn đối với thân phận con người, để mong hậu thế ba trăm năm sau có người sẽ hiểu để khóc cùng với mình, và khóc cho chính mình. Hình tượng Thúy Kiều, người con gái tài sắc bạc mệnh, cô độc, lênh đênh giữa chốn dâu bể cuộc đời phải chăng là hình bóng của Nguyễn Du, một kẻ cô độc, phiêu bạt trong những tháng năm gió bụi, tư tưởng cùng quẫn, không biết đi đâu, về đâu. Nguyễn Du đã từng sống trong những tháng ngày hoang mang với hiện tại và hoài thương quá khứ trước những lựa chọn bất đắc dĩ về một minh chủ giữa thời loạn. Tâm trạng ấy hẳn đồng điệu với Kiều. Nỗi cảm thương của Nguyễn Du đối với người con gái ấy cũng chính là những dằn vặt, xót xa của tác giả về cảnh ngộ của đời mình.

Nguyễn Gia Thiều là người thuộc tầng lớp quý tộc, thuở nhỏ sống trong phủ chúa đã tận hưởng bao nhiêu vinh hoa phú quý trên đời. Sau khi bị thất sủng, ông buồn đau tìm đến đạo Phật như một cứu cánh tinh thần. Viết Cung oán ngâm khúc là cách thi nhân muốn gửi mình vào hình tượng người cung nữ để tâm sự với cuộc đời, để đối thoại với “cái bóng của chính ông, của bản thể người” trong ý thức thân phận sâu sắc.

Bìa ba tác phẩm
Bìa ba tác phẩm

3.

Cả ba tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều đều cất lên những mối thương cảm riêng đối với người phụ nữ. Những người phụ nữ trong các tác phẩm đều được đặt vào tình cảnh éo le, vừa cá biệt, vừa phổ quát nên vừa đem đến cho người đọc những cảm động trước số phận riêng lại thức dậy được những nỗi niềm sâu kín của con người mọi thời đại. Họ là người có chồng ra chiến trận, phải sống trong cảnh mòn mỏi, vò võ đợi chờ, người gặp phải cơn gia biến, lưu lạc suốt mười lăm năm, nếm trải bao mùi vị đắng cay trong một xã hội đầy mưu toan sâu hiểm, kẻ bị nhấn chìm trong thân phận cung nữ bị bỏ rơi nơi cung vàng điện ngọc. Tất cả đều sống trong tình trạng của những kẻ “ngoại biên”, bị xã hội đẩy vào sâu thẳm của thế giới cô đơn.

Đằng sau nỗi đau của nhân vật, người viết thể hiện nỗi đau đời, thương đời vô hạn. Nhưng không chỉ có thế, mỗi ngòi bút đều trải lòng thấu tận tâm can, nên nỗi đau đời ấy còn phản ánh nỗi đau thân phận riêng của người sáng tạo, kẻ tự cho mình là người trong cuộc, cùng hội cùng thuyền với những nhân vật ngoài lề kia.

Như vậy, thi nhân từ xưa đến nay, từ những phận người phổ quát, từ niềm cảm thương trước thời đại mà phóng bút nên những sáng tạo nghệ thuật. Nếu cái phận người phổ quát ấy in bóng kẻ sáng tạo thì càng tạo nên những sự cộng hưởng nghệ thuật vang động đến muôn đời. Cuộc gặp gỡ giữa hiện thực và sáng tạo luôn cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - đầu XIX chạm đến cái muôn thuở của đời sống phải chăng vì nó luôn xuất phát từ nỗi lòng day dứt, trăn trở riêng chung của các nghệ sĩ trong tình thế chông chênh hiện thời. Nỗi lòng ấy chắc hẳn sẽ chạm đến trái tim của người học, để hoạt động đọc hiểu tác phẩm văn học không còn là hoạt động miễn cưỡng đối với học sinh, nó phải là hành trình kiếm tìm lịch sử tâm hồn dân tộc và nhân loại hòa điệu trong tâm hồn con người thời đại, từ đó làm rung lên những thấu cảm sâu sắc. Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều luôn là những tác phẩm kinh điển để bao thế hệ người Việt trân trọng và tự hào.

Thực hiện hoạt động viết là để dựng nên một thế giới thứ hai, vừa soi rõ hiện thực, lại vừa in bóng hình cảm quan của những cá thể sáng tạo. Nắm được đặc điểm trên, học sinh vừa có thể lý giải được những điểm tương đồng và khác biệt của những sáng tác văn học cùng thời, tìm ra dấu ấn phong cách thời đại và phong cách tác giả, vừa biết cách giải mã các tác phẩm khác ngoài sách giáo khoa để mở rộng tầm tiếp nhận và rèn luyện năng lực tự học một cách có hiệu quả. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.