Người nghệ sĩ là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống

GD&TĐ - Văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ của con người. Trong đó, người nghệ sĩ (diễn viên) là chiếc cầu nối mang tinh thần, nội dung, tư tưởng của tác phẩm đến với công chúng. 

NSND Lan Hương
NSND Lan Hương

Thông qua hoàn cảnh, số phận các nhân vật  trong tác phẩm, người nghệ sĩ chuyển tải lý tưởng, mục đích sống, nguyên tắc đạo đức, văn hóa… tới mọi đối tượng một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Dưới đây là những chia sẻ của NSND Lan Hương về vai trò của người nghệ sĩ, diễn viên trong công cuộc xây dựng hình tượng con người Việt Nam. 

Tấm gương phản chiếu

Nói về sự hóa thân của các nghệ sỹ, diễn viên, NSND Lan Hương cho biết: "Các nghệ sĩ, diễn viên là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống hàng ngày. Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, người nghệ sĩ đã lột tả những tính cách, số phận, hoàn cảnh của con người một cách chân thực, sinh động, cụ thể và khái quát cao đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh con người. Thông qua các nhân vật, họ còn chuyển tải lý tưởng, nguyên tắc đạo đức sống tới mọi đối tượng. Trong đó có những hình tượng nhân vật điển hình trong lao động, sản xuất và chiến đấu... được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật sẽ góp phần tạo nên những mỹ cảm mới mẻ ở người xem, nâng giá trị chân thiện mỹ cho con người".

Bằng nhiều hình thức chuyển tải: Sân khấu biểu diễn, phim ảnh, các phương tiện truyền thanh, truyền hình… người xem có thể thưởng thức các tác phẩm ở nhiều thể loại như: Tuồng, chèo, cải lương, kịch, dân ca, múa rối, xiếc, phim truyền hình, phim tài liệu… qua đó, những vấn đề trung, hiếu, tiết, nghĩa luôn được đề cao. Từ những câu chuyện, những hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm cho người xem cảm nhận về lòng yêu nước, nghĩa vua tôi, sự thủy chung… từ đó biết trân trọng những giá trị đạo đức xã hội truyền thống và hướng con người theo những giá trị tốt đẹp ấy.

NSND Lan Hương đưa ra dẫn chứng như: "Nghệ thuật tuồng tập trung khai thác đề tài quân quốc rất đậm nét. Những tấm gương trung thân mẫu mực, luôn luôn được đề cao. Trung, hiếu, tiết, nghĩa được đặt ra trong cấu trúc kịch bản với những xung đột, bạo liệt như “Vua băng Nịnh tiếm”, để thử thách tôi trung, lựa chọn con đường: Làm tôi không thờ 2 chúa, nếu có chết vì chúa thì danh sẽ tạc ngàn thu...

Hay nghệ thuật chèo truyền thống cho thấy, câu chuyện thường xảy ra ở nơi thôn dã, để nói mối quan hệ tốt xấu về mẹ chồng, nàng dâu, dì ghẻ, con chồng, anh em, thầy tớ… đều nhằm hướng tới những chuẩn mực của đạo đức xã hội (thiện thắng ác, ở hiền gặp lành). Các tích chèo cổ thường là những câu chuyện kể về một cuộc đời hoặc một quãng đời có tác dụng quyết định số phận nhân vật, lấy nhân, lễ, nghĩa, chí, tín làm cơ sở hành động trong quan hệ ứng xử của các nhân vật. Một số vở chèo: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Quan âm Thị Kính”, “Xúy Vân giả dại”… với những bài học làm người đã đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng, đề cao cái thiện, cái đẹp, cái cao thượng, thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn dân tộc, mang những vẻ đẹp của thuần phong mỹ tục dân tộc, những mẫu mực về đạo đức truyền thống.

Chẳng hạn: Hình tượng Thị Mầu, Thị Kính trên sân khấu chèo đã đi vào cuộc sống xã hội như một lẽ tự nhiên, gần gũi trong cuộc sống. Nói sự lẳng lơ được gắn với cái tên Thị Mầu, nói về oan khiên nhắc đến Thị Kính… như vậy đã hình thành một giá trị đạo đức, một lối sống đã thấm sâu vào đời sống con người trong xã hội. Từ sự cảm nhận về cái xấu, cái tốt mà người xem có những ứng xử phù hợp hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp".

Có thể nói đề tài sân khấu truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của khán giả, đồng thời cũng tác động tích cực đến nhận thức, hình thành nhân cách con người trong quá trình phát triển.

Ca ngợi cái đẹp, phê phán cái xấu

Bên cạnh những mảng sáng, bức tranh nghệ thuật cũng đề cập đến những chuyện ham sống sợ chết, phản bội… Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái mới và cái cũ, cái cao thượng và sự thấp hèn… được phản ánh đầy đủ, chân thực sáng tạo và hấp dẫn. Điều này đã tác động to lớn đến việc hình thành nhân cách con người Việt Nam với niềm tin vào lý tưởng cách mạng, không sợ gian khổ hy sinh, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã hóa thân vào các nhân vật để lên tiếng phê phán lối sống hám lợi, thực dụng của một bộ phận người, bên cạnh đó ngợi ca những người chịu đựng gian khổ, hy sinh vượt qua bóng tối, giữ vững phẩm giá, nhân cách con người.

NSND Lan Hương cho biết: "Những vở diễn phản ánh sự xuống cấp của đời sống xã hội là tâm điểm mới của sân khấu cải lương cả hai miền Nam Bắc. Nhiều vở diễn được công chúng yêu thích như “Dốc mù sương” của Lê Duy Hạnh, “Hai dòng nước” của Ngô Hồng Khanh, “Trái tim trên lửa hung tàn” của Tất Đạt, “Người trong cõi nhớ” của Lưu Quang Vũ, “Câu thơ Yên ngựa” của Hoàng Yến, “Tình mẫu tử” của Viễn Châu… Nhiều vở diễn phê phán lớp người đổi mới cho thấy sự phát triển của sân khấu đã theo sát hiện thực cuộc sống, phản ánh kịp thời những bức xúc xã hội, được công chúng đón nhận và soi rọi bức tranh đạo lý xã hội.

Nhiều vở kịch hát dân ca cũng đã chú trọng đề tài xây dựng hình tượng con người mới, con người của xã hội hiện đại. Nhân vật trung tâm với những câu chuyện mang nội dung đậm tính nhân văn, đề cao cái thiện, lên án cái ác, cái xấu.

Với điểm mạnh là phản ánh trực tiếp đời sống, tâm tư của con người trong xã hội đương đại, nhiều vở diễn sân khấu kịch đã xoáy vào những vấn đề nhân tình thế thái của xã hội như: “Nguồn sáng trong đời”, “Vụ án 2.000 ngày” của Lưu Quang Vũ; “Nhân chứng và lịch sử” của Hoài Giao; “Đỉnh cao mơ ước” của Tất Đạt, “Nhân danh công lý” của Võ Khắc Nghiêm; “Bước qua lời nguyền”, “Cuộc chia tay lần cuối” của Ngọc Thu, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, “Người không thể chết” của Thanh Đàm… đã tích cực phê phán cái xấu, lên án những hành vi thủ đoạn, mánh lới do sự thù hằn, lối sống thủ đoạn, vụ lợi đang lấn lướt, đồng thời vừa ngợi ca những gương người tốt việc tốt, đáp ứng nhu cầu giáo dục, chuyển tải những vấn đề xã hội, con người một cách bao quát và sâu sắc.

Hay giáo dục truyền tải những vấn đề xã hội, con người một cách sâu sắc: “Cả một đời ân oán” của đạo diễn NSƯT Trọng Trinh và NSƯT Vũ Trường Khoa; “Sống chung với mẹ chồng” của Vũ Trường Khoa; “Bản di chúc bí ẩn” của Trịnh Lê Phong; “Lặng yên dưới vực sâu” của Đào Duy Phúc".

Đáp ứng nhu cầu của thời đại trong việc xây dựng hình con người mới là nhiệm vụ đặt ra cho các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ phải làm sao thể hiện, phản ánh, khắc họa một cách chân thực cuộc sống. Mạnh dạn phê phán cái xấu, cái biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống; góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực của đời sống xã hội. Nhân vật trung tâm của sân khấu hiện nay phải là con người sáng tạo trong sự nghiệp – xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp hiện đại hóa – đưa đất nước hòa nhập vào thế giới hiện đại và phát triển của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ