Người mẹ hiền của các em học sinh dân tộc

GD&TĐ - 21 năm gắn bó với nghề dạy học là 21 năm cô gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số. “Dẫu gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tôi, được các em học sinh tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ tuổi chập chững vào đời đó là phần thưởng quý giá và ý nghĩa nhất mà cô trân trọng nhất trong hành trình gieo chữ của mình” - Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích, giáo viên Địa lý, Trường Hữu Nghị T78 tâm sự.

 Người mẹ hiền của các em học sinh dân tộc

Yêu thích hoạt động trải nghiệm

Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ gắn bó với nghề dạy học ngay từ nhỏ, cô Bích đã yêu thích và mơ ước theo nghề dạy học. Mặc dù ở giai đoạn kinh tế bao cấp, người ta thường nói ví von rằng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Nhưng những khi thấy mọi người chào bố, mẹ bằng “ông giáo, bà giáo” và đặc biệt là sự quý trọng và tình cảm của các thế hệ học trò dành cho bố, mẹ mình, cô quyết tâm thi vào trường sư phạm.

Là người ưa thích sự trải nghiệm, khi vào đại học, cô Bích đăng kí vào khoa Địa lý, Trường ĐHSP Hà Nội. Thời điểm đó, đây là một trong số ít những bộ môn có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, tính ứng dụng, vận dụng thực tế cao hơn. Năm 1996, tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội, cô Bích về công tác tại trường Hữu Nghị T78.

Cô Bích cho biết, đặc thù của học sinh Trường Hữu nghị T78 là các em sống nội trú, gần như thiếu vắng hoàn toàn sự chỉ bảo chăm sóc trực tiếp của gia đình. 3 năm sống, học tập, gắn bó trường học như là ngôi nhà thứ hai của các em và ở đó các thầy cô là những người cha, mẹ và bạn bè trong trường, trong lớp như là những người anh em trong cùng gia đình.

Trường có 2 đối tượng Lào và Việt, nhưng 21 năm dạy học là 21 năm cô gắn bó với HS dân tộc thiểu số Việt Nam. Hơn 10 năm làm công tác chủ nhiệm cô nhận ra rằng, đa số các em có ý chí rèn luyện, chịu khó, cần cù trong học tập, tinh thần đoàn kết cao; phần lớn các em đều yêu thích yêu thích các hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên trong quá trình giáo dục, ở các em có một số khó khăn như: thói quen trong sinh hoạt, trong nếp nghĩ, nhiều phong tục mang đến từ các vùng miền khác nhau. Học sinh rất dễ bị tổn thương về tâm lý, nhất là học sinh nữ. Hằng ngày, sau mỗi giờ lên lớp, cô giáo lại tranh thủ đến khu nội trú xem cách ăn ở, học hành của các em; lắng nghe học sinh chia sẻ. Chính từ những việc làm nhỏ bé này đã giúp tình cảm cô, trò càng thêm gắn bó.

Cô giáo như mẹ hiền

Ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nghe hỏi về những kỷ niệm trong suốt 21 năm gắn bó với trường. Cô Bích kể lại câu chuyện về một em nữ sinh cá biệt lớp cô chủ nhiệm. Đó là em N. T. Q, một cô học trò thiếu sự quan tâm của bố mẹ.

Đến trường em có lối sống khác với các bạn, đôi khi bất cần và buông thả. Em luôn cảm thấy bơ vơ và bản thân em cũng không muốn chia sẻ với bất kỳ ai. Trong mắt nhiều thầy cô và các bạn, em là nữ sinh cá biệt.

“Năm tôi làm chủ nhiệm lớp em, tôi đã dành nhiều thời gian cho em, từ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, thường xuyên gần gũi em để tìm hiểu kỹ… sau nhiều lần gặp, cô trò tâm sự em đã có những thay đổi tích cực hơn, dù rất chậm…

Có lần em vi phạm khuyết điểm phải nhận hình thức kỷ luật, nhà trường yêu cầu em về nhà để gia đình giáo dục, lúc đó tôi đã viết thư cho em, động viên, nhắc nhở em cố gắng rèn luyện để sớm quay trở lại trường. Sau lần đó, em đã có sự thay đổi lớn.

Điều làm tôi xúc động và bất ngờ là trước khi rời ghế nhà trường, kết thúc 12 năm học, em Q đã để lại cho tôi những dòng lưu bút: “Chắc là cô chưa từng gặp đứa con gái nào như em, phải không cô. Trong mắt mọi người em là học sinh cá biệt. Vậy mà cô… cô ơi, em đã hiểu việc làm của cô. Em không phải là một người thông minh, em lúc nào cũng suy nghĩ một cách tầm thường nhất. Vậy mà lúc nào cô cũng động viên em, cô nói em là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn. Em biết cô muốn em tự tin hơn trong cuộc sống… Em cảm thấy không đơn độc, lẻ loi. Khi em về nhà, bác em hỏi là có muốn xuống đấy học nữa không, tất nhiên là em bảo là có, bởi vì em nhớ lớp, nhớ bạn học và nhất là… em nhớ cô”. Những dòng tâm sự của Q là động lực khiến tôi cảm thấy yêu và gắn bó với nghề dạy học.

Mạnh dạn đổi mới phương pháp

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, để mang lại những hấp dẫn mới lạ cho HS về các kiến thức xã hội không phải là dễ.

Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, trong dạy học, cô Bích luôn chú trọng đến việc đổi mới dạy học theo hướng tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh, phát huy được điều kiện học tập của một trường nội trú.

Bên cạnh đó, cô mạnh dạn sáng tạo trong đổi mới các hình thức tổ chức, phương pháp và kĩ thuật dạy học để phát triển toàn diện, phát huy mọi khả năng của học sinh, giúp các em được khám phá, được thể hiện tốt hơn khả năng, năng lực của bản thân.

Cô Bích chia sẻ: “Với HS, uy tín của người thầy vô cùng quan trọng. Muốn có trò giỏi, xuât sắc và tài năng, thì cần có những người thầy giỏi. Người thầy giỏi là người thầy phải “Biết mười dạy một” và đặc biệt biết “truyền lửa” cho HS, tạo cho HS động lực, thái độ, niềm say mê, yêu thích, hứng thú và phương pháp trong học tập. Bên cạnh đó, người thầy cần phải biết phát hiện ra tài năng, nếu phát hiện sớm, lựa chọn đúng, cộng với phương pháp ôn luyện thích hợp sẽ có kết quả tốt".

Năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, cô tham gia cuộc thi thiết kế giáo án dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, và cả 2 lần đều đạt giải (giải Ba và giải nhất cấp Quốc gia).

Với đặc thù của nhà trường, có cả học sinh quốc tế và HS Việt với hơn 20 dân tộc khác nhau, cô luôn đặc biệt chú ý đến giáo dục các em về tình đoàn kết dân tộc, đặc biệt là tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào cho các em.

Cô Bích chia sẻ, niềm vui lớn nhất vẫn là được nhìn thấy học sinh lớn lên từng ngày. Và các cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe hay những lần ghé thăm bất ngờ của các học trò cũ vẫn là “món quà nhận lại” mà cô trân trọng nhất trong suốt cuộc đời “gieo chữ” của mình.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục, năm 2012, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích được tặng thưởng Huân chương hữu nghị của nước CHDCND Lào và  Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; được tặng Giấy chứng nhận Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành GD giai đoạn 2010-2015; đạt giải Ba dạy học tích hợp nhiều môn học cấp Quốc gia năm 2016; giải Nhất cuộc thi Dạy học tích hợp nhiều môn cấp thành phố năm 2016; Giải Nhì cuộc thi giáo án tích hợp liên môn cấp Thành phố Hà Nội năm học 2016-2017 và nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp trường được đánh giá tốt. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.