Lớp học miễn phí ở Đập Góc

GD&TĐ - Đập Góc (Huế) được biết tên sau tháng 10-1985, một “điểm nóng” về mù chữ và sinh đẻ… “vô kế hoạch”. Đập Góc trước đó ít người biết, nó vốn là một cồn đất cao nhất trên bờ Tây phá Tam Giang, đoạn qua Đầm Sam và Đầm Chuồn, nơi cư dân vạn đò chài lưới lênh đênh trên sóng nước neo đậu thuyền bè. Chuyện khai sinh ra Đập Góc rất bất ngờ không ai đặt định…

Anh Trần Văn Hòa trong giờ lên lớp
Anh Trần Văn Hòa trong giờ lên lớp

Xóm nhỏ “5 không”

Nguyên do cơn bão Cecil đổ bộ vào TP Huế (đêm 15 rạng sáng 16/10/1985) với sức gió giật trên cấp 15. Hậu quả do cơn bão lớn nhất thế kỷ XX để lại là hàng trăm con đò, cả ngàn người sống lênh đênh trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rơi vào tâm bão.

Chỉ trong một đêm, vừa chết 702 người tìm thấy xác, vừa mất tích không biết bao nhiêu, thuyền đắm mang theo người. Kinh hãi quá, những người sống sót chọn Đập Góc lên bờ định cư. Dù sao đi kiếm con tôm, con cá, về còn có ngôi nhà nhỏ to tránh trú an toàn.

Ban đầu Đập Góc khoảng vài trăm nhân khẩu tụ hội. Sau đông đúc thành xóm, thành làng. Dân hai xã Phú Mỹ, Phú An lân cận “chơi chữ”, đặt tên cho cái xóm mùa mưa bị nước cô lập, là xóm “mồ côi”. Thấy nó vừa nghèo, vừa “mù chữ”, vừa “đông con”, chẳng xã nào muốn nhận “cục nợ” về mình.

Sau này, UBND huyện Phú Vang giao nó cho xã Phú Mỹ. Thầy cô trường Tiểu học Phú Mỹ ra đó dạy xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cả đêm lẫn ngày “trối chết”. Các cô giáo vừa xắn quần lội nước, vừa khóc. Những hôm trời mưa, phương tiện đi lại của giáo viên là thuyền. Học sinh thấy trời đổ mưa là trốn học.

Đặc điểm nổi bật nhất ở Đập Góc từ năm 1989 trở về trước là gần 95% trẻ em và thanh niên nam nữ từ 18-35 tuổi đều mù chữ. Nạn tảo hôn xảy ra thường xuyên, cưới không đăng ký kết hôn, trẻ sinh ra không khai sinh.

Trẻ gái không được đi học, trên 10 tuổi cho đi giúp việc nhà, 15 tuổi trở đi gả chồng. Cuộc sống càng chật vật vì gia đình nào cũng đông con (5-10 đứa). Sinh hoạt hàng ngày của xóm mồ côi tóm tắt là 5 không: không điện, không nước sạch, không đi học, không kế hoạch hóa gia đình, không khai sinh.

Học trò Đập Góc ngồi học trong “lớp ghép”

Học trò Đập Góc ngồi học trong “lớp ghép”

Học chữ để... hát

Nhu cầu học chữ của người Đập Góc nói gọn trong hai mục: để hát được karaoke hoặc viết được giấy vay nợ ngân hàng chính sách. Họ thích karaoke mà không “hát chữ” được, đi vay nợ phải lăn dấu tay.

Nắm bắt tâm tư bà con, anh bộ đội xuất ngũ Trần Văn Hòa, một cư dân trong vùng, 25 tuổi, trình độ lớp 8, mở một lớp miễn phí tại gia. Một đêm tháng 10/1993, tôi theo anh Trần Bang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang đến thăm lớp anh Hòa.

Cái lớp xập xệ chính là mái hiên nhà anh. Trông giống như chuồng bò, nền đất tôn cao, cột và vách bằng tre, mái lợp tôn thủng nhìn thấy trăng sao, bàn ghế liêu xiêu trong ánh đèn dầu hỏa. Anh Bang ứa nước mắt, lập tức “chi viện” một ít kinh phí, bàn ghế, bảng đen.

Vậy mà nay, 2017, tôi và anh Bang đã nghỉ hưu, lớp học ấy tồn tại được 24 năm, anh Hòa 53 tuổi vẫn khỏe như vâm để gõ đầu trẻ. Dù có bằng tốt nghiệp THPT (bổ túc) nhưng anh Hòa kể với tôi không muốn làm công nhân, ngày dạy trẻ, đêm làm nò sáo, nuôi hồ tôm cá cũng đủ sống.

Việc làm “thiện nguyện” của anh Trần Văn Hòa đến nay đã cho kết quả rất đáng quý. Hàng trăm em được tiếp tục học lên THCS và THPT. Trong số đó, năm 2007, em Trần Văn Muống thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Năm 2010, em Phạm Văn Thành và Trần Văn Mậu thi đỗ vào trường Đại học Nông Lâm Huế. Năm 2017, em Trần Xuân Phi, Trần Xuân Phú, Phạm Tranh thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Huế.

Những phụ huynh 35-50 tuổi cho biết, nhờ học chữ với thầy Hòa, giờ cũng biết đọc, biết viết. Chị Trần Thị Phượng kể: “Trước đây, tui làm gì biết chữ, nhờ thầy Hòa tui cũng biết đọc biết viết thư, ký giấy tờ không phải lăn tay”. Con trai chị là Nguyễn Văn Thi, kể với tôi: “Hàng năm trước Giáng sinh hoặc Tết, người trên thành phố, ngoài Hà Nội vào thăm lớp, cho nhiều áo quần mới, sách vở”.

Theo anh Hòa, lớp học theo chương trình “Lớp ghép Phổ cập tiểu học” của Bộ GD&ĐT. Các độ tuổi học chung lớp, khi các em lớp 3- 4 làm bài tập toán thì các em lớp 1-2 tập đọc, tập viết, và ngược lại. Có 2 cái bảng đen, treo trên tường đối diện nhau, học sinh ngồi hai hướng nhìn lên.

Trên bảng được chia làm nhiều phần tùy theo mỗi lớp. Sau khi học xong chương trình lớp 4, các em sẽ được trường Phổ thông kiểm tra, rồi hòa nhập vào trường tiểu học và tiếp tục học lên THCS.

Thầy Hòa cho biết: “Sách giáo khoa, chương trình, giáo án do trường Tiểu học Phú Mỹ 2 cấp. Nhưng khi lên lớp mình phải linh động theo thực tế. Có em nghỉ cả tuần theo cha mẹ đi bủa lưới mới trở lại lớp, thầy giáo phải “nhẫn nại” ôn tập”. Đầu học kỳ, sách, vở cho các em, thầy Hòa chạy vạy đi “xin” các nhà hảo tâm.

Từ năm 2006, để có thể hỗ trợ thường xuyên, lớp học được sáp nhập vào trường Tiểu học Phú Mỹ 2, anh Hòa cũng được Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang nhận làm giáo viên hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang ghi nhận: “Ban đầu, đó là một lớp học miễn phí do thầy Hòa mở ra với tâm huyết xóa mù chữ cho con em xóm Đập Góc. Lớp học rất hiệu quả, chúng tôi ghi nhận điều này, thầy Hòa được ký hợp đồng và hỗ trợ tiền đứng lớp/tháng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.