Thầy giáo trẻ gắn bó với học sinh yếu kém

GD&TĐ - “Hầu hết các thầy cô đều tập trung giảng dạy các em HS đứng đầu. Nhưng tôi lại có niềm tin mãnh liệt vào các em HS yếu kém. Các em cũng cần được sự giảng dạy nhiệt tình của thầy cô” - thầy giáo trẻ Lương Ngọc Lãm (29 tuổi, trú tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ.

Thầy giáo trẻ gắn bó với học sinh yếu kém

“Thầy cũng từng là một HS… mất gốc”

Những ngày còn là HS, bản thân anh Lãm cũng từng là một HS yếu kém, mất những kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, với sự cố gắng của mình, anh đã đỗ đại học và trở thành SV của Trường CĐ Sư phạm Hà Tây.

Sau tốt nghiệp, Lãm thi đỗ vào làm giảng viên Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải (Hà Nam). Ở ngôi trường này, anh giảng dạy Tin học cho người khuyết tật và người lao động nông thôn.

Đối tượng học khá đặc biệt gây không ít khó khăn cho người thầy trẻ vừa ra trường. Nhưng cũng chính công việc này khiến anh nhận ra rằng, ngoài truyền đạt kiến thức, người thầy còn có sứ mệnh tạo động lực cho HS của mình.

Sau khi giảng dạy ở Trường Trung cấp nghề Giao thông Vận tải được hai năm, anh Lãm chuyển về dạy Toán ở Trường THCS Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Chính tại đây, anh nhận ra sự khác biệt của những em HS giỏi và những em HS yếu.

Hầu hết các thầy cô đều tập trung bồi dưỡng cho HS giỏi mà khó dạy được những em HS cuối lớp. Do vậy, anh Lãm muốn tập trung truyền cảm hứng học tập cho những em HS đặc biệt này.

Vốn là một HS “mất gốc”, anh Lãm hiểu được tâm lý cũng như cá tính của những em học yếu kém trong lớp. Vì vậy, anh luôn dùng chính những trải nghiệm của cuộc đời mình để chia sẻ với các em HS, giúp các em tìm lại được động lực học tập và phương pháp học tập tiến bộ hơn. HS từng học với thầy Lãm vẫn ấn tượng với những lời mở đầu môn học của anh: “Thầy cũng từng là một HS… mất gốc”.

Mở lớp học truyền cảm hứng đặc biệt

Sau khi quyết tâm gắn bó với các em HS “đặc biệt”, anh Lãm xin nghỉ công tác tại trường và thuê địa điểm mở lớp học riêng. Cách dạy và truyền cảm hứng của anh Lãm đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh và HS xung quanh thị trấn Vân Đình.

Tới nay, người thầy đặc biệt này đã gắn bó với các em HS yếu kém hơn 5 năm. Hơn 300 em HS đã được thầy Lãm giảng dạy, không chỉ truyền đạt kiến thức môn Toán mà còn mang tới nhiều bài học thú vị trong cuộc sống.

Chia sẻ về phương pháp đặc biệt của mình, anh Lãm cho biết: “Những buổi học đầu tiên, hầu như tôi chưa dạy về Toán. Trước mắt, tôi kể cho các em HS nghe câu chuyện về cuộc sống và tạo động lực học tập. Khi các em nhận ra ý nghĩa của việc học, các em sẽ học tập bằng nhiệt huyết thật sự. Các em HS yếu thường không phải những em học dốt, chỉ vì các em lười và thiếu động cơ học tập”.

Tháng 6 vừa qua, anh Lãm đã bỏ ra khoảng 100 triệu để tu sửa lại phòng học. Tuy chỉ là lớp học riêng và dành cho HS yếu kém, nhưng anh Lãm vẫn muốn mang đến cho HS của mình cơ sở vật chất tốt nhất. Điều kiện học tập tốt sẽ phần nào khơi nguồn cảm hứng học tập cho các em. Đặc biệt, nếu HS yếu kém có hoàn cảnh khó khăn, anh Lãm sẽ dạy miễn phí.

Hiện nay, ngoài việc mở lớp dạy Toán, anh Lãm luôn tìm đến những tổ chức truyền đạt kỹ năng mềm miễn phí. Mỗi lần có tổ chức kỹ năng mềm đến địa phương, anh Lãm đều kêu gọi HS tham gia. Số lượng HS tìm đến nghe kỹ năng mềm đạt tới hơn 200 người, bao gồm cả phụ huynh HS và các thầy cô ở những trường xung quanh.

Anh chia sẻ: “Tôi muốn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em HS đặc biệt của mình. Ngoài việc học tốt hơn môn Toán, các em ấy rất cần tìm hiểu về những kỹ năng mềm để có hành trang tốt nhất cho tương lai”.

Em Nguyễn Thị Hồng Thúy (lớp 9a2, Trường THCS Phùng Xá) cho biết: “Năm lớp 8, em là một HS rất yếu môn Toán. Hè vừa rồi, được bạn bè giới thiệu, em tìm tới lớp của thầy Lãm và học khá hơn từ đó. Ngoài kiến thức Toán, thầy Lãm thường kể cho chúng em nghe những câu chuyện chứa đựng bài học cuộc sống nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ