Người lớn phải làm gương để học sinh tránh xa thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân cha mẹ, thầy cô cần phải làm gương để các em học sinh thấy được tác hại của thuốc lá và tự giác tránh xa.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Tự giác làm tuyên truyền viên

Trao đổi về vấn đề này, cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc tuyên truyền để học sinh hiểu và ý thức được những tác hại mà thuốc lá gây ra, từ đó tự giác tránh xa thuốc lá là vô cùng quan trọng. Bản thân nhà trường vào tuần đầu tiên của mỗi năm học đều tiến hành phổ biến nội quy trường lớp cho học sinh, trong đó có điều khoản cấm học sinh sử dụng thuốc lá trong trường học.

"Việc này rất được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ, chia sẻ với nhà trường. Ngoài việc phổ biến nội quy đầu năm, chúng tôi cũng tổ chức chuyên đề về phòng chống các tệ nạn xã hội, trong đó có phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh vào tháng 12. Khi đó, nhà trường phối hợp cùng lực lượng Công an quận để tuyên truyền bằng nhiều hình ảnh trực quan, các số liệu thống kê cụ thể", cô Lập cho hay.

Ngoài ra, với gần 1.500 học sinh đang theo học, Trường THPT Hoàng Cầu cũng áp dụng nhiều giải pháp để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp học sinh (chủ yếu là nam) cố tình sử dụng thuốc lá điện tử. Dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử, tác hại đều như nhau và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của học sinh. Nhà trường đã quán triệt đội ngũ giáo viên, giám thị sẽ chủ động rà soát, tiếp cận các thông tin từ học sinh để biết được em nào có dấu hiệu đang sử dụng thuốc lá điện tử.

Cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).

Cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).

Thực tế cho thấy, vẫn có một vài học sinh nam do muốn thể hiện "đẳng cấp" nên đã lén lút sử dụng thuốc lá điện tử ở... nhà vệ sinh nam. Khi phát hiện các trường hợp này, nhà trường yêu cầu các em làm bản kiểm điểm. Đồng thời mời phụ huynh học sinh tới trường để trao đổi. Dù số lượng các em vi phạm rất ít nhưng cũng cần phải có biện pháp răn đe, giáo dục phù hợp để các em không tái phạm.

"Sau khi trao đổi, thống nhất với phụ huynh, đặc biệt là khi học sinh tự nhận ra lỗi lầm của mình, các em cho biết mình sẽ tự nguyện làm những tuyên truyền viên để nhắc nhở bạn bè trong trường mình cần tránh xa thuốc lá. Có em đã tự thiết kế những tấm bảng biển từ bìa carton, giấy vẽ và viết lên đó thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, học sinh cần nói không với khói thuốc... rồi đứng cầm ở mỗi góc hành lang trong giờ ra chơi nhiều ngày. Điều này cho thấy các em đã thực sự nhận thức được vấn đề" - cô Lưu Thị Lập nói.

Người lớn cần làm gương

Theo thống kê, trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học có thể gây hại cho cơ thể con người.

Theo thống kê, trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học có thể gây hại cho cơ thể con người.

Có con trai lớn đang học lớp 11 tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), anh Nguyễn Đình Cường thẳng thắn nhìn nhận, dù nhà trường hay gia đình có tuyên truyền ra sao thì chính người lớn phải thực sự làm gương, không hút thuốc lá thì các em mới học tập và noi theo.

"Từ trước đến nay, tôi cũng chưa bao giờ hút thuốc lá cho dù điều kiện công việc của mình cũng hay giao tiếp xã hội nhiều. Tôi nghĩ đơn giản là chính thuốc lá hay bia rượu, bài bạc là những thứ tàn phá sức khỏe, tinh thần và kinh tế gia đình rất nhanh chóng. Hơn nữa, ngoài con lớn học lớp 11, tôi còn hai cháu đang học lớp 8 và lớp 5. Nếu bố cứ hễ về nhà là cầm điếu thuốc hút sẽ gây tác hại thụ động cho các con. Chỉ khi mình làm gương thì các cháu mới tự động chấp hành", anh Cường tâm sự.

Chung nhận định trên, chị Hoàng Thị Hằng (SN 1985, trú quận Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, dù chồng làm nghề về bất động sản hay phải đi gặp khách hàng để giao dịch và có thói quen hút thuốc lá. Tuy nhiên, khi về đến nhà dù thèm thuốc tới đâu cũng không được phép hút trước mặt các con và nên đi ra ngoài. Muốn giáo dục con không hút thuốc thì bố mẹ phải là người đầu tiên chấp hành thì mới mong con học tập theo.

Theo thầy Phạm Văn Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu, Nam Định), thuốc lá đang dần xâm nhập vào trường học nên gây tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh, sinh viên. Hút thuốc lá trong trường là hình ảnh xấu, làm học sinh học theo thử hút thuốc lá và dẫn đến nghiện thuốc lá.

"Do đó, công tác tuyên truyền phòng chống các hiện tượng không tốt xâm nhập vào trường học, nhà trường luôn luôn phối hợp với các bên để chủ động ngăn chặn từ xa, từ sớm. Bản thân mỗi thầy cô giáo hay cán bộ, nhân viên của trường đều phải ký cam kết ngay từ đầu năm học về việc không sử dụng thuốc lá trong trường học dưới mọi hình thức. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định" - thầy Trang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ