Cảm thụ văn học:

Người làm vườn tỉ mẩn trong vườn ươm cây đời

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”.

Hình ảnh bố động viên con gái tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh minh họa: INT
Hình ảnh bố động viên con gái tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh minh họa: INT

Mùa thu ở đây là người đọc, là người tiếp nhận thơ. Mỗi người đọc thơ bằng xúc cảm riêng, trải nghiệm riêng nên sẽ mang đến cho bài thơ một đời sống riêng, tầm ý nghĩa riêng. Thế nhưng nhà thơ Trần Nhuận Minh dường như nói hết những tâm sự tự đáy lòng mình với con yêu của ông trong bài thơ Dặn con.

* * *

Nhan đề bài thơ nghe nhẹ nhàng như gió nhưng thấm thía như lời cố nhân:

Chẳng ai muốn làm hành khất

Tội trời đày ở nhân gian

Con không được cười giễu họ

Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao

Con không bao giờ được hỏi

Quê hương họ ở nơi nào

Con chó nhà mình rất hư

Cứ thấy ăn mày là cắn

Con phải răn dạy nó đi

Nếu không thì con đem bán

Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này...

Dặn con là bài thơ nói về chủ đề sự giáo dục trong gia đình và chủ đề tình phụ tử. Điều khó khăn của đấng sinh thành là trao đổi với con thơ về chủ đề này thường khô khan và khó khăn. Cha ngại nói, con ngại nghe. Nếu có thì trao đổi mang tính hình thức, vậy mà Trần Nhuận Minh làm được công việc khó khăn ấy một cách rất nhẹ nhàng bằng bài thơ Dặn con.

Lời thơ dịu dàng, nhẹ nhàng như nụ cười hồn nhiên của con thơ, như ánh mắt bình thản của người cha đã trải đời, đúc kết lại thành chân ngôn – ngôn ngữ chân thật, chân thành, giản dị như lời vàng cha yêu dành cho con thơ với tất cả tấm lòng tựa núi cao, tựa biển sâu, tựa gió lồng, tựa trăng Rằm.

Khổ thơ thứ nhất của bài thơ Dặn con nhà thơ đã gọi người ăn mày là “hành khất” cách dùng từ Hán Việt tạo tính trang trọng, trang nhã cho lời dặn dò của cha. Người cha thể hiện mình luôn tôn trọng người yếu thế hơn mình. Đó cũng là bài học đầu tiên cha muốn dạy bảo con về cách hành xử với người ăn mày. Người kém may mắn trong đời sống về mọi phương diện.

Chủ đề giáo dục con thơ không chỉ được thể hiện ở từ ngữ cha dùng là từ Hán Việt, mà còn ở cụm từ “tội trời đày”: Cha coi người ăn mày kém may mắn kia là nạn nhân của định mệnh, do “trời đày”. Đây là cách nhìn cảm thông, yêu thương, bao dung.

Nếu người đời coi người ăn mày là kém cỏi về năng lực, gia thế thấp kém đáng khinh và tỏ thái độ khinh khi, khinh miệt, thậm chí vô cảm và nhẫn tâm chà đạp họ thì Trần Nhuận Minh bằng cái nhìn của tâm Bát Nhã, đầy yêu thương để ủi an người kém hơn mình. Đó là tấm gương sáng để con noi theo. Cha biết cảm thông cho tha nhân thì con cũng biết ứng xử đúng mực và nhân văn hướng thượng.

Chủ đề giáo dục con không chỉ thể hiện trong cách dùng từ mà còn trong đề tài: Dặn con. Dặn con hiểu rộng ra là dặn dò, chỉ bảo, nhắn nhủ, giáo dục một cách nhẹ nhàng và thiêng liêng, quan trọng và bền vững. Từ “dặn” rất hay vì nếu “dạy” mang tính trách nhiệm, nhiệm vụ, giáo điều, cứng nhắc, đôi khi áp đặt một chiều thì từ “dặn” mang nghĩa ân cần, tỉ mỉ, chu đáo và dặn dò trong tôn trọng và hết mực yêu thương, nâng niu và định hướng. Dặn con – như cái ngồi xuống của cha, bên con nhỏ nhẹ: Bé con, cha có điều này muốn trao đổi cùng con yêu đây!

Nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ảnh: INT

Nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ảnh: INT

Nếu ở khổ thơ thứ nhất chủ đề dặn con được nêu lên thì nó được phát triển ở khổ thơ thứ hai, thứ ba và thứ tư của bài thơ. Đó là cha dặn con không nên “cười giễu”, không nên “hỏi quê hương họ ở nơi nào”, không được để “con chó” hư của nhà mình “cắn” người ăn mày.

Vì sao cha dặn con những điều đó? Phải chăng người cha muốn khơi tính tò mò tự tìm hiểu ở con thơ: Cha ơi, vì sao mình không được hỏi quê hương người hành khất? Sau khi suy nghĩ người con sẽ có một số đáp án. Ví như, vì họ không có quê hương, vì họ bị bỏ rơi từ nhỏ, vì họ vô gia cư thậm chí tên mình cũng chẳng biết.

Rồi cha sẽ chỉ bảo thêm cho con vài lí do khác như ta không nên hỏi người hành khất còn vì nguyên tắc xã giao: Trong giao tế ta chỉ nên hỏi những thông tin khiến người đối diện vui vẻ có những câu hỏi làm họ buồn thì thôi, tránh hỏi. Đó là sự tinh tế trong giao tiếp. Hiểu được tấm lòng và cách giáo dục của người cha như thế ta cảm nhận được ân tình của người cha trong bài thơ. Đó là người cha chu đáo, sâu sắc và tâm lý.

May mắn thay khi ai đó được diễm phúc làm con của người. Bên cạnh đó cha còn dặn dò con thơ cách “giáo dục” con chó chưa ngoan của mình. Đó là một ẩn dụ. Mời bạn đọc cùng suy ngẫm thêm về ẩn dụ ấy. Tôi tin bạn đọc thông minh hơn người viết bài cảm thơ tài mọn này!

Ở khổ cuối, cha dặn con lẽ đời là vô thường. Hiện tại mình no đủ thì nên biết sớt chia với người khó khốn hơn mình. Biết đâu về sau, lỡ không may cha rơi vào hoàn cảnh khốn khó có người nâng đỡ… Bài học về nhân duyên – nghiệp quả được cha chốt lại một cách nhẹ nhàng và tinh tế:

“Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này”

Do hiểu lẽ vô thường nên trong lời cha dạy con dường như chủ động chuẩn bị phương án B cho tương lai, dự đoán cả bét bại nhất với tâm thế bình ổn nhất. Kiểu thắng không kiêu, bại không nản. Bài học triết lý đời sống từ mơ hồ thành cụ thể, từ khô khan thành hình ảnh, từ nặng nề thành nhẹ nhàng.

Hai câu kết “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này” có nhiều cách cảm. Cảm lý tính thì hời hợt – giúp người không vì người mà vị kỉ. Nên chăng, cảm ý thơ gắn với ngữ cảnh toàn bài để đồng điệu với thông điệp của người cha thấm đời, thấu đạo: Thương tha nhân là thương được con người.

Bởi, thương người cùng dòng máu thì dễ, khó là thương người dưng nước lã. Thương người giống mình, kính người hơn mình thì dễ. Khó là phải phép, phải đạo với tha nhân. Hiểu khổ cuối trong mạch ngầm xúc cảm bài thơ, người đọc gặp một Trần Nhuận Minh viết thơ tựa thiền sư giữa thiền đường chạm tâm Bồ Đề, trí Bát Nhã. Ngộ Đạo thông Đời.

Trong tư cách người cha, thi sĩ như giác ngộ nhân cách của con là đạo của cha. Trưởng thành biết bao dung của con là công trình của cha. Nên nhà thơ có những câu thơ nhẹ nhàng giản dị mà sâu sắc như khổ thơ cuối này.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Bên cạnh chủ đề giáo dục gia đình, bài thơ Dặn con còn có chủ đề tình phụ tử - tình cha con. Nếu tình cảm mẫu tử đã trở thành lối mòn trong thơ ca nghệ thuật thì tình phụ tử vẫn là con đường ít dấu chân qua. Robert Frost, nhà thơ Mỹ 4 lần đạt giải Pulitzer từng lập ngôn bằng thơ và sống được như tuyên ngôn, đại ý: Trong rừng có nhiều lối đi. Tôi chọn lối đi chưa có dấu chân người.

Chọn đề tài tình cha con cũng là mới mẻ trong thơ. Mới mẻ vì khi nói về gia đình, người ta thường viết về tình mẫu tử. Và vì lẽ thường đàn ông dương tính, tình cảm của họ thiên về ẩn hoặc thể hiện qua hành động. Trần Nhuận Minh thì khác, được mệnh danh là “nhà thơ hoa cỏ” nên thi nhân đã nói được chủ đề “khó nói” này một cách rất tự nhiên.

Trong tâm lý học, người đàn ông thường kín. Họ trầm. Họ lặng. Họ thường thể hiện tình yêu thương trong âm thầm. Trần Nhuận Minh làm được điều khó khăn, yêu con bằng cả ngôn ngữ bên cạnh hành động, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cả trầm tích lẫn lộ thiên, cả ý thức lẫn vô thức. Yêu đến độ thăng hoa thành thơ, thành nghệ thuật.

Tình thương con của cha yêu được thể hiện trong bài thơ ở đề tài, ở lời thơ đầy thông điệp ý nghĩa và ở giọng điệu bài thơ. Tố Hữu từng nói “Thơ chỉ tràn khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”, Dặn con có lẽ là một đóa hoa thơ đã đủ đầy nắng gió như thế, xứng đáng là một đóa hoa thơ.

Về mặt nghệ thuật, bài thơ hay ở xúc cảm chân thành mà tha thiết của người cha, ở ngôn ngữ ngôn từ nhẹ nhàng, tinh tế, lời thơ dung dị nhưng đọng dư ba. Giọng thơ trầm buồn như những nốt lặng trong tâm hồn. Thể thơ 6 chữ đều đặn, nhịp nhàng, hài hòa cân bằng tình cảm cha dành cho con.

Bài thơ có 4 khổ, mỗi khổ như một lời chân tình tự đáy lòng người cha. Các phép tu từ đặc biệt là cấu trúc dặn dò “Con không… con không…” như chiếc mỏ neo nhỏ nhưng có võ, đã mạnh mẽ neo thông điệp cha dặn dò cách làm người, cách suy nghĩ hành xử như một người lễ độ và văn minh.

Con cái công trình lớn nhất của đấng sinh thành. Người cha như người làm vườn tỉ mẩn chăm từng giọt nước cho cây con của mình. Nếu gia đình là vườn ươm thì có lẽ, Trần Nhuận Minh là chủ vườn có những mầm xanh hy vọng.

Tóm lại, sức sống của bài thơ là tấm chân tình giản dị và nhân văn sâu sắc của nhà thơ hoa cỏ. Chủ đề giáo dục gia đình và tình phụ tử thiêng liêng được tự nhiên hóa, gần gũi hóa đáng để chúng ta suy ngẫm. Là người con ta có hiểu được nỗi lòng của cha mẹ mình chưa? Hiểu được thì chúng ta có lời nói, hành động như thế nào để đẹp lòng người? Bằng những lời động viên, hành động nhỏ ta có thể làm ông bà, mẹ cha vui vẻ, sống đời bình an.

Người cha nào cũng yêu con nhưng chỉ có người cha thi sĩ mới chỉ bảo con bằng thơ. Trần Nhuận Minh đã yêu con hơn cả yêu! Có những bài thơ kết thúc để mở ra, “Dặn con” của Trần Nhuận Minh là một trong những trang thơ mở ra như thế. Còn bao người cha, người mẹ.

Còn bao lời Dặn con chưa được nói ra, bậc làm con có hiểu lòng biển trời của đấng sinh thành? Cảm ơn Trần Nhuận Minh nói hộ! Lời thơ là tiếng lòng của thi nhân, cũng là nỗi niềm của mọi ông bố trên khắp hành tinh này, ở mọi phương trời. Xin dùng lời hoa mỹ để cảm ơn tác giả bài thơ “Dặn con”: Trần Nhuận Minh – người làm vườn tỉ mẩn trong vườn ươm cây đời!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.