Vượt lên số phận
Chúng tôi gặp thầy Võ Trọng Quân (trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh) khi tiết dạy cuối cùng của trong ngày vừa kết thúc. Thay vì nán lại trường trò chuyện, thầy Quân mời chúng tôi về nhà bởi “còn bận về chăm vợ và nấu ăn cho con”.
Ngôi nhà của thầy nằm tại xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc) cách trường khoảng 7km. Vợ chồng thầy còn có 2 cô con gái sinh đôi 4 tuổi. Dẫu đã được nghe kể về hoàn cảnh, nhưng chúng tôi vẫn bối rối khi gặp vợ thầy - người phụ nữ gần 40 tuổi nhưng như một đứa trẻ thơ.
Tranh thủ thời gian nấu cơm, thầy Quân kể lại hoàn cảnh của mình bắt đầu bằng hành trình đưa vợ trở về từ cõi chết.
Đó là một ngày vào tháng 9/2019, trên đường đi làm về, chị Lê Thị Cảnh (vợ thầy Quân) bị tai nạn tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Chị được các bác sĩ chẩn đoán bị đa chấn thương: Gãy tay, gãy xương đòn gánh, gãy chỏm bả vai, thủng màng phổi, chấn thương tụ máu não, tổn thương đường dẫn truyền thần kinh dẫn đến hôn mê, mất ý thức…
Qua hơn 1 tháng cấp cứu và chữa trị ở nhiều bệnh viện,chị Cảnh đã qua cơn nguy hiểm nhưng vẫn hôn mê. Anh Quân xin chuyển vợ về bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để tiện theo dõi và chăm sóc.
“Đó là thời gian vô cùng khó khăn của gia đình tôi. Bởi khi vợ gặp nạn, 2 cô con gái sinh đôi cũng mới gần 2 tuổi. Tôi phải xin nhà trường nghỉ phép để chạy chữa cho vợ, con cái đành gửi bà ngoại chăm sóc. Bạn bè, đồng nghiệp thương tình đều kêu gọi các nguồn để hỗ trợ giúp đỡ. Cũng nhờ vậy mà vợ tôi có thể thoát khỏi cửa tử để trở về”, thầy Quân kể lại.
Phải gần 2 tháng điều trị chị Cảnh dần hồi phục trạng thái sau hôn mê. Tính mạng của chị tạm an toàn. Nhưng từ một người phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung, chị bỗng trở thành đứa trẻ lúc nào cũng cần người chăm sóc. Mới 30 tuổi, chị phải nằm liệt một nửa người, chân không đứng vững, ăn đến đâu nôn ra đến ấy.
Ngoài ra, mỗi lúc trái gió trở trời, những cơn đau cũng hành hạ chị liên tục. Kể từ ngày đó, sau mỗi buổi dạy, thầy Quân lại tất tả về chăm con, xoa bóp, tập đi cho vợ. Anh còn chịu khó nuôi thêm gà, trồng rau… tăng thêm thu nhập kinh tế ngoài đồng lương của nghề giáo.
“Vợ tôi cũng chỉ vừa mới đi lại được khoảng 4 tháng lại đây. Dù nhớ ra chồng và con nhưng chỉ ở mức độ nhận biết người thân chứ không có cảm xúc hay khả năng chăm sóc. Nhưng với tôi thế này là may mắn lắm rồi, bởi các con tôi vẫn còn có mẹ bên mình”, thầy giáo bộc bạch.
Người thầy truyền lửa
Mặc dù vợ ốm đau gần như suốt quãng thời gian hôn nhân, nhưng thầy Quân luôn chọn cách sống tích cực. Ngoài giảng dạy, thầy Quân còn tham gia bồi dưỡng đội tuyển Học sinh giỏi Tin cho lớp 10 và 11. Với thầy ngoài gia đình, niềm vui con chữ chính là động lực để nỗ lực mỗi ngày.
“Nghề nghiệp không cho phép tôi lấy tiền bạc làm mục tiêu nhưng tôi luôn cố gắng hết sức với mỗi tiết dạy của mình. Phần lớn học trò của mình là vùng nông thôn, nên bản thân các em cũng thiệt thòi hơn các bạn thành phố về thiết bị, máy móc. Chính vì vậy, trước mỗi giờ học, tôi luôn nghiên cứu và tìm tòi thêm nhiều cách dạy hấp dẫn để các em tiếp thu bài dễ hiểu hơn”, thầy Quân cho hay.
Mỗi buổi tối, sau khi gác lại công việc nhà, cũng là thời gian thầy dành cho những trang giáo án. Gần 20 năm gắn bó với nhà trường, ở cương vị công tác nào, thầy Quân cũng luôn có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong công việc. Ngoài giảng dạy, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, thầy còn phụ trách phần mềm quản lý tuyển sinh tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi.
“Thầy Quân là tấm gương để đội ngũ giáo viên nhà trường học tập về đạo đức và cả chuyên môn. Dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng trong công việc luôn là một giáo viên cần cù, chịu khó. Chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, còn là hạt nhân đào tạo, bồi dưỡng cho các thế hệ giáo viên trẻ trong nhà trường”, thầy Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ.