Thầy giáo trẻ quên mình, giúp người vượt hiểm nguy

GD&TĐ - Không chỉ sở hữu số lần hiến máu và tiểu cầu “khủng”, thầy Văn Công Thư cũng có không ít sáng tạo trong giảng dạy, hăng hái tham gia hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng và được nhiều người quý mến.

Thầy Văn Công Thư đã 41 lần hiến máu và tiểu cầu để góp phần cứu người.
Thầy Văn Công Thư đã 41 lần hiến máu và tiểu cầu để góp phần cứu người.

Hiến máu cứu người

Thầy Văn Công Thư, 30 tuổi - giáo viên Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) vừa được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2021. Tính đến nay, thầy giáo “9X” đã có 29 lần hiến tiểu cầu và 12 lần hiến máu. Thời điểm gần nhất, thầy Thư đi hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ngày 18/10/2021. Thông qua nhiều kênh khác nhau, thầy giáo trẻ còn vận động được nhiều người thân, đồng nghiệp và bạn bè cùng tham gia hiến máu, nhất là các đợt ngân hàng máu bị cạn kiệt.

Thầy Thư bày tỏ niềm vui và bất ngờ khi được thành phố vinh danh “Người tốt việc tốt”. Thầy cho biết: “Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Thể dục Thể thao - năm 2011, với vai trò bí thư chi đoàn của lớp, tôi đã đăng ký đi hiến máu tình nguyện”. Cầm trên tay tờ giấy chứng nhận hiến 250ml máu đầu tiên của đời sinh viên, chàng sinh viên “9X” bắt đầu ý thức được sự quý giá của từng giọt máu có thể góp phần cứu sống bệnh nhân không may mắn. Suốt các năm tiếp theo khi còn học đại học, Thư đã hăng hái đi hiến máu và còn vận động các bạn của mình cùng tham gia.

“Nếu hiến máu, thời gian giữa hai lần hiến phải phải cách nhau ít nhất 12 tuần, tương đương 3 tháng. Tuy nhiên, khi hiến tiểu cầu mỗi lần sẽ mất khoảng 2 tiếng để hệ thống máy lấy máu, gạn tách tiểu cầu rồi truyền các thành phần máu còn lại về cơ thể mình. Điều kiện quan trọng để quá trình gạn tách lấy tiểu cầu thành công là trước khi tham gia, người hiến phải tránh các loại đồ ăn có chất béo. Tùy theo điều kiện sức khỏe của bản thân mà mỗi năm tôi hiến máu từ 2 – 3 lần. Khi mình được thoải mái tinh thần, không bị quá nhiều áp lực cộng với chế độ sinh hoạt, vận động lành mạnh mới đi hiến máu”, thầy Văn Công Thư tâm sự.

Cũng theo thầy giáo trẻ, dù số lần hiến máu của mình so với những người hay hiến máu chỉ ở mức trung bình, nhưng thầy cảm thấy rất vui vì lượng máu và tiểu cầu của mình đã góp phần giúp đỡ được nhiều người vượt qua lằn ranh của hiểm nguy. Thầy tâm niệm, được tham gia công tác xã hội vì cộng đồng như hiến máu là việc làm vô cùng ý nghĩa.

Điều này đem lại niềm vui không chỉ cho các bệnh nhân không may mắc bệnh hoặc bị nạn, mà cũng thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc. Do đó, ngoài việc tham gia hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, thầy Thư cũng chủ động tham gia các hội/nhóm về hiến máu trên diễn đàn mạng xã hội để có thể hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp cần máu gấp như sản phụ sau khi sinh, hay người gặp tai nạn giao thông bị mất máu.

Với những video bài giảng môn Giáo dục thể chất trực quan sinh động của thầy Thư, học sinh tỏ ra thích thú.
Với những video bài giảng môn Giáo dục thể chất trực quan sinh động của thầy Thư, học sinh tỏ ra thích thú.  

Sáng tạo trong giảng dạy

Đánh giá về đồng nghiệp trẻ của mình, cô Nguyễn Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Đông La - cho hay: Thầy Văn Công Thư là cán bộ Đoàn, Đội và giáo viên dạy bộ môn Giáo dục thể chất tại trường. Thầy có năng lực, được nhiều người quý mến.

Thầy tham gia bồi dưỡng đội tuyển của trường tham gia thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp thành phố. Thầy là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá đạt giải Nhất cấp huyện năm 2017, giải Ba cấp huyện năm 2019; có nhiều học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp huyện các môn thể thao; xếp thứ 3 toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện năm học 2020 – 2021…

“Không chỉ vậy, với môn Giáo dục thể chất, thầy Thư cũng chủ động xây dựng bài giảng E-Learning nhằm tăng tính hiệu quả khi dạy học trực tuyến cho các em. Nhờ những đoạn video bài giảng về kỹ năng thực hiện các động tác thể dục một cách trực quan, học sinh cảm thấy thích thú và tiếp thu nhanh hơn.

Thầy đã được Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD&ĐT cấp giấy chứng nhận có sản phẩm tham gia thiết kế bài giảng điện tử năm 2021. Trong những năm gần đây, thầy đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa trực tuyến cho học sinh với các hình thức Webinar và Live event trong Microsoft Teams, thầy Thư phụ trách kỹ thuật và tận tình hỗ trợ đồng nghiệp, học trò”, cô Kim Dung nhấn mạnh.

Không chỉ là giáo viên trẻ mê sáng tạo và xung kích, thầy Văn Công Thư còn rất năng nổ, nhiệt tình tham gia vào công tác thiện nguyện vì cộng đồng. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Kim Dung cho biết: Trong những lần nhà trường cùng một số đơn vị kết nghĩa tổ chức các chuyến đi từ thiện vào miền Trung, thầy Thư luôn là thành viên đăng ký tham gia sớm nhất.

Với sức trẻ và tinh thần xung kích, thầy xông xáo cùng các thành viên khác vận chuyển hàng hóa, đồ dùng để ủng hộ bà con vùng khó khăn, tặng quà cho học sinh nghèo. Thầy Thư đã cùng với nhà trường đi từ thiện tại 7 trường học ở các huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị trong năm 2020. 

“Với 41 lần tình nguyện cho đi những giọt máu/tiểu cầu của bản thân, thầy Thư mong muốn chia sẻ khó khăn và giúp đỡ các số phận không may mắn, cần truyền máu để duy trì sự sống. Những việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của thầy đã góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của mọi người với xã hội. Vừa là người trực tiếp hiến máu, vừa tích cực cổ vũ, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hưởng ứng, thầy Văn Công Thư là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện” – cô Kim Dung nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ