Người J’rai có tiền là làm lễ báo hiếu cha mẹ

GD&TĐ - Với người J’Rai ở đại ngàn Tây Nguyên, việc báo hiếu cha mẹ rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện qua cách cư xử với cha mẹ hàng ngày, mà những hành động báo hiếu còn được thể hiện bằng một nghi lễ lớn và trang trọng, đó là lễ báo hiếu.

Người J’rai có tiền là làm lễ báo hiếu cha mẹ

Vợ chồng anh Rơ Lan H’Lôi ở làng Plei Ốp (TP Pleiku, Gia Lai) cưới nhau đã được 5 năm và có 2 đứa con. Đã qua 5 mùa rẫy trải qua cuộc sống vợ chồng, Rơ Lan H’Lôi và vợ vẫn phụng dưỡng bố mẹ 2 bên trọn đạo làm con. Điều 2 vợ chồng anh còn canh cánh trong lòng là bố mẹ 2 bên cũng đã có tuổi mà chưa được tổ chức lễ báo hiếu theo phong tục của dân tộc mình.

Rơ Lan H’Lôi năm nào cũng tự đặt cho mình 1 mục tiêu, năm thì góp được 1 con lợn bán để dành, năm thì tich góp con bê,…Sau 5 năm tích góp, hôm nay anh chính thức báo với bố mẹ 2 bên sẽ tổ chức lễ báo hiếu cho cha mẹ vợ.

Anh “Rơ Lan H’Lôi lý giải, “Người J’rai theo chế độ mẫu hệ, vợ được xem là trụ cột gia đình, do đó tổ chức báo hiếu cho nhà vợ trước. Khi nào có điều kiện tiếp, mình sẽ tổ chức cho bố mẹ ruột”.

Như bao nghi lễ khác, Rơ Lan H’Lôi đến xin phép già làng tổ chức lễ báo hiếu cho cha mẹ vợ. Theo phong tục, Rơ Lan H’Lôi chuẩn bị nghi lễ để già làng cúng Yàng (thần linh). Xong các thủ tục ban đầu, gia đình bước vào công tác tổ chức.

Để chuẩn bị cho lễ báo hiếu, Rơ Lan H’Lôi cùng thanh niên trong làng đã làm thịt 1 con bò, 5 con lợn, hàng chục con gà, rượu cần lên đến hàng trăm ghè. Còn dân làng từ trên xuống dưới, tập trung về nhà Rơ Lan H’Lôi chung vui.

So với các lễ khác, thì nghi lễ báo hiếu ít thủ tục hơn. Nghi lễ bắt đầu, bà mối (người mai mối cho vợ chồng) có một đoạn văn cảm động nói về công lao trời bể của cha mẹ trước sự chứng kiến của dân làng. Sau đó, người con sẽ có những món quà và ly rượu dâng lên đấng sinh thành.

Kết thúc nghi lễ, mọi người cùng vào hội. Tất cả cùng say sưa trong hơi men rượu cần và những điệu cồng chiêng vui vẻ cho hết 2 ngày. Để buổi lễ thực sự tưng bừng thì bà mối là người trực tiếp dẫn dắt cuộc vui.

Theo già làng Sir (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai), mỗi người con sinh ra và lớn lên đều được cha mẹ nuôi dưỡng, chia tài sản công bằng cho cả trai và gái.

Khi con cái tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ, chứng tỏ là chúng nó đã trưởng thành, đã có tài sản. Nên cha mẹ sẽ thấy buồn khi con mình chưa tổ chức được lễ báo hiếu vì con mình nó vẫn còn nghèo, chưa biết làm ăn. Và đứa con đó sẽ rất xấu hổ với mọi người vì làm con mà chưa làm được cho cha mẹ.

Người J’rai có tiền là làm lễ báo hiếu cha mẹ ảnh 1Người J’rai có tiền là làm lễ báo hiếu cha mẹ ảnh 2Người J’rai có tiền là làm lễ báo hiếu cha mẹ ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ