Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu về Tính cách (The Journal of Research in Personality), do Đại học Washington thực hiện cho thấy những người nghiện chụp tự sướng ít được thiện cảm từ người khác.
Cô đơn, thất bại, kém tự trọng
Ngoài ra, họ cũng cô đơn, thậm chí trong một vài trường hợp còn có lòng tự trọng thấp hơn so với những người không nghiện selfie. Trong khi đó, những người đăng tải nhiều ảnh về người khác (hoặc những bức ảnh do người khác chụp) được coi là thành công, đáng yêu, đáng tin cậy và quan trọng họ nhiều khả năng là người bạn tốt.
“Mặc dù lượng dữ liệu phân tích của nghiên cứu này không phải mới nhất, tôi nghĩ nó vẫn phản ánh khá chân thật thực tế khách quan”, Giáo sư tâm lý học Chris Barry, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Khi phân tích hồ sơ tâm lý 30 sinh viên đại học sử dụng Instagram đăng ảnh tự sướng, các nhà khoa học không tìm thấy bất cứ điều gì khác thường. Điều đó cho thấy người ta có rất nhiều nguyên nhân để chụp ảnh chính mình, không nhất thiết là ích kỷ, chỉ quan tâm tới bản thân.
Nhóm của Barry cố gắng tìm ra mối tương quan giữa những người có nhiều ảnh tự sướng và một số đặc điểm tâm lý nhất định như tính tự ái, sĩ diện.
Rốt cuộc, nhiều người nghiện chụp ảnh tự sướng được cho là có những đặc điểm như vậy rất mạnh mẽ, đơn giản là họ yêu chính mình quá nhiều. Giờ đây, các số liệu khoa học đã chứng minh mối liên hệ này.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết các bức ảnh selfie có thể được xem là dấu hiệu cho tính cách một người nào đó. Vì vậy, nhóm đã giao cho hơn 100 sinh viên đại học khác đánh giá bằng cảm nhận 30 sinh viên này trên các tiêu chí tâm lý khác nhau, rồi so sánh chúng với số lượng bài đăng trên Instagram có ảnh selfie.
Nghiện chụp ảnh tự sướng, bạn đánh mất khoảnh khắc ngắm nhìn thế giới xung quanh. Ảnh: Knowyourmeme. |
Kết quả cho thấy những người nhiều ảnh tự sướng trên Instagram có số liệu “tệ” hơn trong mọi tiêu chí đo lường, ví dụ như kém tự tin và cởi mở so với những người đăng tải nhiều ảnh khác.
Ngược lại, nhóm người có khả năng, thành đạt thường có ảnh của họ được nhiều người vây quanh và rất ít ảnh tự sướng.
Giáo sư Barry chỉ ra có thể hiểu khi bạn nghiện chụp ảnh tự sướng, bạn chỉ quan tâm tới chính mình mà quên mất xung quanh còn rất nhiều thứ thú vị khác để trải nghiệm.
Nói cách khác, bạn đang khép mình lại với thế giới và chỉ đơn giản thể hiện gương mặt mình cho mọi người.
Cần cởi mở với thế giới xung quanh
Kết quả việc tự ngắm nhìn mình quá nhiều là những người nghiện tự sướng có xu hướng không hài lòng với ảnh chính họ và tìm cách cải thiện chúng. Cuối cùng, nó dẫn đến việc chỉnh sửa quá đà, khiến tấm ảnh tự sướng không còn là chính họ.
Barry cũng thừa nhận bối cảnh từng trường hợp tự sướng rất quan trọng, nghiên cứu này chỉ là góc nhìn từ phía thống kê. Có thể bạn bè họ phản ứng với ảnh tự sướng khác với những người chưa hề biết bạn, bởi nhận thức của chúng ta là khác nhau.
Nghiên cứu của nhóm Barry không bắt mọi người từ bỏ thói quen selfie. Ảnh: Harder Lee. |
Khi bạn nhìn ảnh tự sướng của một người bạn thân, chúng trông rất khác với nhận thức thông thường của bạn vì các bạn gặp nhau thường xuyên, do đó, bạn có thể thấy chúng ít tự nhiên hơn. Tuy nhiên, người lạ lại thấy như thế là đẹp.
Cuối cùng, Barry nhận định nghiên cứu này không khuyến khích người ta từ bỏ thói quen tự sướng. Đôi khi chúng ta chỉ muốn người khác “like” ảnh của mình, điều khá hữu ích về mặt tâm lý. Tuy nhiên, không nên quá nghiện selfie mà bỏ qua nhiều thứ hơn xung quanh.
Suy cho cùng, không ai thích vào Facebook một người có tới 5.000 tấm ảnh với cùng một khuôn mặt.