Người giữ " mùa Xuân" văn hóa Thái Mường lò

Người giữ " mùa Xuân" văn hóa Thái Mường lò

(GD&TĐ) - Trong những ngày đầu xuân đi đến đâu ở vùng lòng chảo Nghĩa Lộ - Mường lò chúng tôi đều thấy không khí lễ hội rộn rã.Vùng đất nơi quần tụ của mười ba dân tộc anh em là Thái. Hmông, Tày …chung một dòng nước, ngọn núi. Song mỗi dân tộc với những nét độc đáo, đặc sắc của mình góp cho Nghĩa Lộ-Mường Lò thành một vùng văn hoá muôn màu phong phú. 

Cánh đồng Mường Lò là một trong những vựa lúa lớn của vùng Tây Bắc. Mường Lò ôm trong lòng thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, được bao quanh bởi các tầng lớp núi trông rất huyền ảo và kỳ thú, tạo nên vùng đất miền tây mầu mỡ, giầu đẹp.

Miền Tây là nơi hội tụ của 13 dân tộc anh em và là cội nguồn của dân tộc Thái ở Việt Nam. Đến với Miền Tây, du khách sẽ được tìm hiểu về phong tục tập quán, tham gia các lễ hội độc đáo, dự đêm hội xoè hay giao lưu văn hoá với các thiếu nữ miền sơn cước. Lễ hội hoa ban trắng hay còn gọi là hội chơi xuân hang Thẩm Lé gắn liền với chuyện tình của nàng Ban và chàng Khun của đồng bào Thái

Chúng tôi đến xã xã Nghĩa An vào những ngày đầu xuân khi mà khắp núi rừng hoa ban nở khoe sắc. cũng là lúc bắt đầu của mùa lễ hội ở khắp nơi. Cuốn hút du khách một màn trình diễn trang phục các dân tộc sinh động vấn vương đêm tình Hạn Khuống và rộn ràng, say đắm trong vòng tay hội xoè.

Gần như bản làng nào của người Thái cũng có một đội múa xoè. Những thiếu nữ Thái với chiếc áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ. Những điệu xoè cổ còn lưu truyền nơi đây như đưa ta về thủa hồng hoang. Câu hát mời gọi đưa nhịp chân du khách cuốn vào vòng xoè.

Bên đống lửa hồng, đôi má em  gái Thái hây hây, tay mềm mại trong tay, cả đất trời uyển chuyển, đắm say trong vòng xoè bất tận.Trong những nhịp xòe nồng say rộn ràng ánh lửa, những cần rượu thơm lừng mời gọi. không thể thiếu giai điệu mượt mà những làn điệu dân ca như Bài Xống trụ xôn xao, Tiễn dặn người yêu, chuyện kể bản mường làm say đắm lòng người. nghe mà muốn tìm được về cội nguồn những bài hát dân ca này . 

Những điệu dân ca, đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ
Những điệu dân ca, đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ

May mắn cho chúng tôi khi gặp được một giọng ca mượt mà, truyền cảm, lời hát gần gũi mà thân thương, bay bổng và lãng mạn, những lời hát khắp của chị khắp bản trên xóm dưới ai cũng biết và khen ngợi. Đó là chị Điêu thị Siêng ở xã Nghĩa An Thị Xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái.mọingười càng biết đến chị nhiều hơn khi chị đạt giải C với bài "ỉn sao Thẩm Lé" tại hội thi tiếng hát dân ca các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2007 và giải A bài khắp Thám khảo hội diễn nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2008 tiếng hát của chị đã bay đến khắp các bản Mường tây bắc. 

Nghe danh chị và cho đến khi gặp chị, chúng tôi như bị cuốn hút vào những chuyện chị kể về các làn điệu dân ca thái. Chị kể, chị học Khắp Thái từ khi mới 5 tuổi, 8 tuổi chị đã đi biểu diễn, 15 tuổi cả bản trên xóm dưới đã biết tiếng hát của chị. Cả tuổi thơ của chị lớn lên cùng với tiếng khèn,tiếng Pí, trong vòng xòe nồng say và câu khắp thiết tha. Thủa nhỏ mỗi khi được nghe các mẹ, các chị, các anh chị hát “hảng cống” trong ngày tết, “khắp báo sao” tức là hát giao duyên trong những đêm tình Hạn Khuống hay những đêm trăng đẹp, những mùa hội.Chị như được đắm mình trong những giai điệu thiết tha, trữ tình ấy, tâm hồn của chị được nuôi dưỡng trong điệu khắp, điệu pí để bây giờ hát khắp không thể thiếu được như thức ăn, nước uống trong cuộc sống của chị.

Nói chuyện với chị về điệu khắp Thái chúng tôi mới thấy được sự khao khát, cháy bỏng của đồng bào dân tộc thái trong lao động sản xuất, hạnh phúc lứa đôi. Người dân tộc Thái thường hát đối đáp,hát giao duyên,hát mừng lễ,xong mỗi vụ mùa,vụ ngô hay các dịp lễ tết xuân sang và cả trong những dịp cưới hỏi. Nói chung điệu khắp không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Là 1 thể loại hát dân ca,dân gian nên các điệu khắp, lời khắp truyền từ đời này sang đời khác sau này thế hệ con cháu phát triển thêm nhiều bài thơ, bài khắp mới làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc mình và cũng để biểu lộ nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lứa tuổi khác nhau. Hát khắp được chia thành 2 làn điệu riêng gồm điệu Hà ơi và điệu Hăn nê, trong đó điệu Hà ơi phổ biến ở tất cả các vùng dân tộc Thái sinh sống, nhưng riêng điệu Hăn nê là đặc trưng riêng có của vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò.

Chị Siêng tâm sự : Lời hát khắp là những bài thơ, câu nọ vần với câu kia hoặc thể loại văn vần được diễn đạt trên 2 làn điệu nói trên, nội dung để ca ngợi những nét đẹp của quê hương, đất nước, những công việc lao động thường ngày, thăm hỏi, chúc tụng và đặc biệt là hát giao duyên. các bài khắp cổ do cha ông truyền lại phổ biến nhất là các bài dựng nhà mới, cưới hỏi, thăm hỏi, mừng vía, ra cữ, tiễn dặn người yêu… các bài hát hầu hết đều được sáng tác thêm nhưng riêng khắp báo sao giờ đây không sáng tác được nữa mà chỉ hát theo những bài hát cổ như Bài Xống trụ xôn xao, Tiễn dặn người yêu, chuyện kể bản mường. 

Chị Siêng còn cho chúng tôi biết, mỗi người con gái thái đều thuộc lời bài dân ca Thái:  Inh lả ơi, xao nọong ơi!  “Inh lả ơi, xao nọong ơi! Khắp núi rừng Tây bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười…”, mỗi khi lời bài dân ca Thái: “Inh Lả ơi” trong sáng tươi vui cất lên, mỗi người như lại được nồng say trong vòng xòe mê đắm. Ca từ và tiết tấu đơn giản, mượt mà, thấm đượm hồn dân ca Thái làm cho mỗi người như cảm nhận được sự giao hòa của Đất trời, con người cùng vạn vật trong bước đi rộn rã của mùa xuân. Bài hát cũng được nhiều ca sỹ, nghệ sỹ trình diễn rất thành công ở trong và ngoài nước.

Nhưng nếu nghe chị siêng nói về nội dung bài dân ca Thái chúng tôi lại thấy thêm được khía cạnh đầy sắc màu nhân văn trong bài dân ca này Ngoài phần lời hát mới, xuất hiện vào chiến dịch Tây Bắc như: “Khắp núi rừng Tây bắc sáng ngời…”, còn lời hát truyền thống như lới hát “Inh lả ơi, xao noọng ơi” chính là tiếng lòng tâm tình của các cô gái lớn tuổi sắp đi lấy chồng với lớp cô gái trẻ mới bước vào đời.Ví như "Ve sầu vờn bông hoa sắc thắm. Bướm bay lượn quanh núi dập dờn. Cùng đến đây, ơi các em gái. Cùng nhau chơi hết đời hoa ban. Chơi cho hết thời con gái trẻ. Inh lả ơi, xao noọng ơi" Lời dặn dò sao mà trìu mến, dịu hiền đến thế.

Các chị em gái sắp đi lấy chồng, sắp phải giã biệt cái thời khắc hồn nhiên và đẹp nhất của cuộc đời, để làm vợ, làm mẹ, thủy chung hiếu thảo như cái lẽ tự nhiên tự bao đời, dặn lại các em hãy vui chơi lành mạnh cho thoả thích, chơi cho hết mình kẻo rồi hối tiếc.

Và đặc biệt, không quên nghĩa vụ lao động của mình: “Muốn chơi hãy chơi khi mùa ban nở/ Muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn/ Hoa héo rũ rụng xuống hết mùa/ Ta chia tay nhau về làm ruộng/ Ánh mắt liếc vào ruộng mạ/ Cho bông lúa trĩu vàng/ Hẹn mùa xuân sau khi mùa ban nở”.

Được nghe chị nói chuyện chúng tôi mới thấy được hết vẻ đẹp nội tâm của người con gái thái. Người con gái Thái thắt đáy lưng ong, dịu dàng đảm đang hiền thục, người con gái Thái “khâu vó thành hình chim công/ Vá chài thành uốn lượn hình rồng/ Đưa nhát kéo thành sao tua rua mọc”, “Ngồi xổm thêu thành hình chim phượng hoàng/ Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa so se”. Người con gái Thái mỗi bước xòe lúa giục trổ bông, nhen lửa mỗi bếp nhà sàn ấm áp. Người con gái Thái đằm thằm trong điệu khắp… Vẻ đẹp nội tâm được khắc họa tinh tế, thông qua đó vẻ đẹp ngoại hình được gián tiếp miêu tả thật duyên dáng, đầy nữ tính. Vẻ đẹp của người con gái Thái kế thừa được những nét đẹp của bà, của mẹ, tự bao đời. Đất trời Tây Bắc phải trải hàng ngàn năm tiến hóa, chung đúc mới tạo nên được vẻ đẹp nhuần nhị tinh khôi đến mức thánh thiện của người con gái Thái và chính các em đã làm cho Tây Bắc sống động cái hơi cái hồn của bản mường Tây Bắc quê hương. Người con gái Thái không chỉ đảm đang vén khéo, mà còn rất mực dịu hiền thủy chung. Cách diễn đạt của bài dân ca nhẹ nhàng, tinh tế với những so sánh, ẩn dụ đặc trưng càng tôn vẻ đẹp của người con gái Thái. Các bài dân ca Thái đẹp như một viên ngọc, theo thời gian càng tỏa sáng những nét đẹp tuyệt vời.

Vẻ đẹp núi rừng của cô gái thái
Vẻ đẹp núi rừng của cô gái Thái

Băn khoăn lớn nhất của chị là trong vùng Mường Lò trước kia hầu hết ai cũng biết khắp, bởi khắp mới thể hiện được tình cảm và cái tài đối đáp, họ hát khi lao động sản xuất trên nương, dưới ruộng, hát khi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của nhau. Vì thế các bài khắp dù chỉ được truyền miệng nhưng vẫn trường tồn qua thời gian, Ở mỗi vùng qua truyền khẩu lời khắp tuy có đôi chỗ khác nhau nhưng về nội dung thì cơ bản giống nhau. Qua hát khắp mà biết bao đôi trai gái đã mến nhau và xây dựng hạnh phúc trăm năm cùng nhau.

Nay thì khác do cuộc sống bận rộn, lớp trẻ có cơ hội đón nhận và giao lưu với văn hóa hiện đại nên phần nào hình thức khắp cũng bị mai một. Trong lòng chị luôn suy nghĩ phải làm gì đó để giữ gìn những làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Cứ thế gần 20 năm qua,sau những lúc làm công việc của chủ tịch hội phụ nữ xã ,công việc đồng áng, việc nhà đã vãn, chị lại ngồi vào bàn viết để sáng tác những bài khắp ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, những công việc lao động sản xuất, xây dựng thôn bản văn hóa.

Hiện nay trong sổ tay của chị đã có hàng trăm bài khắp, trong đó có nhiều bài hát cổ chị thuộc lời mà chép lại, cùng trên 100 bài do chị sáng tác như cảm ơn đảng vì dân bản có cuộc sống ấm no, từ việc hôm nay bản ra mắt bản văn hóa, bản vui đón tết, bản có dòng điện quốc gia, khuyên dặn con trước khi đi bộ đội, hay việc động viên dân bản làm lúa lai, thực hiện KHHGĐ như vui làm lúa lai,Nậm đông có điện bản làng đổi mới đều có trong cuốn sổ tay của chị.  

Chị Hoàng Thị Phượng phó bí thư đảng ủy xã Nghĩa an cho chúng tôi biết, bằng nhiệt huyết của mình chị Điêu Thị Siêng đã vận động các nghệ nhân tham gia truyền dạy niềm say mê hát khắp, các làn điệu và bài khắp cho lớp trẻ.Từ những khó khăn ban đầu,lớp học chỉ có mấy người,vài chị em cùng chung sở thích,mấy cháu gái tò mò sau rồi bằng những hoạt động phong trào bề nổi như đứng ra tổ chức văn nghệ trong các buổi ra mắt thôn bản văn hóa hay phối hợp với các nhà trường trong các dịp khai giảng vv. Qua đó nhiều người dân đã biết đến, yêu mến và tự giác tham gia luyện tập  

Hiện nay đội khắp của xã Nghĩa An đã thu hút người dân từ bản Đêu, bản Vệ, Nà Vặng rồi Nậm Đông tham gia học khắp, học Pí. Nhờ có chị mà 8/8 thôn bản của xã Nghĩa An đều có đội văn nghệ đội múa xòe giỏi hát hay. 

Giờ đây, mọi người khi đến với tỉnh Yên Bái làm việc hay thăm quan đều muốn đến Nghĩa Lộ -Mường Lò để một lần cảm nhận vẻ đẹp ăn chứa của núi rừng tây bắc với một cánh đồng lòng chảo bát ngát, những đêm xòe,câu khắp dân ca mới thấy hết giá trị “Hồn” dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Thái và sự đa dạng các sắc màu dân tộc văn hóa việt Nam. Đồng thời cũng giúp cho mỗi người có cách nhìn về giữ gìn bẳn sắc văn hóa rất nhẹ nhàng,đơn giản mà theo chị Điêu thị Siêng tâm sự là khơi dậy sự đam mê và tính dân tộc trong mỗi con người. 

Một mùa xuân mới lại đến và chúng tôi thầm mong rằng những đam mê của chị Điêu thị Siêng sẽ được nhân lên và vùng lòng chảo Mường Lò sẽ sắc thăm cánh hoa ban trắng và những làn điệu dân ca thái say đắm lòng người .

Nhật Thanh-Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Cây súng và ngòi bút

GD&TĐ - Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội.