Người đưa cỏ Vetiver ra Trường Sa

GD&TĐ - Trong quá trình làm việc, có cơ hội tìm hiểu về giải pháp chống sạt lở và nông nghiệp hữu cơ nên biết đến cây cỏ Vetiver, anh Ngô Đức Thọ - người đạt giải Sáng tạo trong cuộc thi “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu” đã khuyến khích trồng cỏ và đem chúng đến với Trường Sa.

Anh Ngô Đức Thọ bên sản phẩm đạt giải Sáng tạo trong cuộc thi “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ảnh: Ngọc Trang
Anh Ngô Đức Thọ bên sản phẩm đạt giải Sáng tạo trong cuộc thi “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ảnh: Ngọc Trang

“Ăn ngủ” với …cỏ

Tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng, chuyên ngành Thủy lợi. Ra trường, anh Thọ về công tác tại Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT thôn tỉnh Phú Thọ. Tình cờ biết đến cây cỏ Vetiver, anh đã quyết tâm nhân rộng giống cỏ này ở Việt Nam.

Anh Thọ chia sẻ: “Do hệ thống rễ phát triển rất sâu nên loài cỏ này được nhiều chuyên gia khuyến cáo sử dụng trong gia cố các công trình giao thông bởi đặc tính chống sạt lở, xói mòn. Rễ cỏ Vetiver có thể dài tới 2,2m – 2,5m. Những khóm cỏ lâu năm bộ rễ có thể ăn sâu tới 10 -12m. Hệ thống rễ sâu giúp bám chặt và giữ cho đất được vững chắc. Cỏ Vetiver khi trồng với mục đích chống sạt lở còn được gọi là “bê tông sinh học”. Ở Việt Nam, cỏ đã có từ năm 2001, Bộ NN&PTNT đã cho phép trồng Vetiver và ứng dụng trong các công trình chống sạt lở như đường Hồ Chí Minh”.

Tìm hiểu về lĩnh vực nông nghiệp, anh Thọ quyết tâm đưa giống cỏ này đến với nông nghiệp hữu cơ. Ban đầu, ý tưởng của anh bị phản đối quyết liệt, bởi…người ta diệt cỏ không được, anh lại đi trồng. Thế nhưng, anh vẫn kiên quyết nghiên cứu về Vetiver. Anh Thọ cho biết: “Kỹ thuật trồng cỏ Vetiver khá đơn giản, quan trọng là khâu tách cỏ. Chi phí đầu tư cho cỏ không cao, chỉ với 1 triệu đồng mua được 270 gốc cỏ. Trong vòng 2 năm có thể nhân lên thành 3 héc ta. Cỏ có tiềm năng năng cộng sinh nên giảm được chi phí tưới, cây trồng vượt qua mùa khô dễ dàng”.

Anh Thọ cũng cho biết thêm, nhiều người nghĩ rằng, cỏ sẽ hút hết chất nếu trồng chung với cây. Thực tế, ngoài tác dụng chống xói mòn, sạt lở, rễ của cỏ Vetiver cấu tạo như bấc đèn dầu nên có tác dụng hút nước ngược trở lại. Cỏ có thể cộng sinh nên không những đưa nước thấm vào đất nhanh hơn, mà còn có tác dụng che phủ nếu cắt cỏ phủ lên bề mặt đất.

“Ăn ngủ” với Vetiver, anh Thọ ngày đêm nghiên cứu đặc điểm và tập tính của cỏ để đem lại hiệu quả cao khi đưa chúng đến gần người nông dân.

Hiện tại, anh Thọ đã đưa cỏ đến gần với cộng đồng những người làm nông nghiệp hữu cơ. Hàng nghìn nông dân đã chọn trồng cỏ giúp cây vượt qua mùa khô dễ dàng.

“Cỏ Vetiver có đặc tính ưu việt lớn nhất là sinh trưởng rất tốt ngay ở những điều kiện rất khắc nghiệt như khô hạn hay những vùng khí hậu lạnh. Vào mùa đông, cỏ Vetiver sẽ bị chựng lại, thậm chí khô nhưng khi mùa xuân đến, nó tiếp tục sinh trưởng và hệ thống rễ vẫn phát triển bình thường” anh Thọ chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào việc trồng cỏ, anh Thọ đã gặp không ít khó khăn. Vốn dĩ, cỏ Vetiver có nguồn gốc từ phía Nam Ấn Độ nên khi đưa về Việt Nam, mọi người nghi ngại về giống cỏ ngoại lai sẽ ảnh hưởng đến chất đất cũng như cây trồng. Ai cũng sợ rằng, với sự phát triển lớn mạnh của cỏ Vetiver, cây sẽ bị cạnh tranh chất dinh dưỡng, khiến đất cằn cỗi.

Đặc biệt, với tâm lý của người Việt đang muốn “nhổ cỏ” chứ không ai lại đi “trồng cỏ” nên việc nhân rộng mô hình khiến anh Thọ vô cùng gian nan. Sau cùng, anh nghĩ mình cứ làm gương, vừa làm vừa tuyên truyền bằng chính con người thật, việc thật sẽ khiến những người làm nông nghiệp hiểu và đến gần hơn với cỏ.

Đưa cỏ ra Trường Sa… lọc nước

Năm 2018, kết hợp với Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, anh Thọ đã có chuyến công tác tặng hơn nghìn gốc cỏ ra Trường Sa.

Với mục đích giúp chiến sĩ canh tác rau màu, lọc nước, giúp ngọt hóa nước trên đảo, bảo vệ hàng rào, các hàng rào cộng sự, làm thức ăn chăn nuôi, Vetiver đã đến với đảo Sinh Tồn. Qua những người bạn anh được biết, điều kiện sinh sống và môi trường trên các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa còn nhiều khó khăn.

Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng chủ yếu là đất đá san hô kém dinh dưỡng nên việc trồng rau xanh, cây cối phát triển chậm. Không chỉ có rễ cứng, thân mềm Vetiver còn thích nghi ở môi trường đất khô cằn, nhiễm mặn nên việc trồng cỏ để ngọt hóa nước mặn ở Trường Sa đem lại lợi ích lớn.

Sau khoảng thời gian ngắn trồng cỏ, các chiến sĩ ngoài đảo đã có phản hồi tích cực về khả năng sống cũng như phát triển của Vetiver. Ngoài việc làm hàng rào, chắn xói mòn đất, lá cỏ có thể làm thức ăn cho gia súc, phơi khô để che chắn mưa, nắng, gió. Khi cỏ chết sẽ tạo chất mùn để nuôi dưỡng đất.

Hiện, các chiến sĩ cũng đã tự tách cỏ và nhân rộng ra thành mô hình trồng cỏ lớn trên đảo.

Sau chuyến đi Trường Sa, anh Thọ quyết định nghỉ việc tại Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ về đầu quân tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch. Anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nhất là dự án đưa cỏ Vetiver đến với cộng đồng. Hiện, trang fanpage cộng đồng nông dân Vetiver Việt nam đã có hàng nghìn người quan tâm và thường xuyên có những trao đổi kỹ thuật về trồng cỏ và ứng dụng vào nông nghiệp hữu cơ.

Mới đây, tại Lễ tổng kết trao giải cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”, anh Thọ đã đạt giải Sáng tạo với hình ảnh “Cộng sinh – Nông nghiệp của tương lai” bằng việc sử dụng cỏ Vetiver có bộ rễ ăn sâu thẳng vào lòng đất, những khóm cỏ lâu năm có bộ rễ có thể ăn sâu tới 10 - 12m. Đây là loài thực vật chống chọi tốt với khô hạn, duy trì nguồn thức ăn cho gia súc và cỏ che phủ cho đất nông nghiệp.

Điều khiến anh Thọ hạnh phúc nhất đó chính là sân khấu của lễ trao giải được trang trí bằng cỏ Vetiver, điều này khiến anh nảy sinh nhiều dự định trong việc dùng lá cỏ làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trang trí trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.