Người điêu khắc cho ánh sáng

GD&TĐ - Nhắc tới điêu khắc, nhiều người nghĩ ngay tới những chất liệu gỗ, đá, gốm hay kim loại. Thế nhưng, có một nghệ sĩ lại thực hiện điêu khắc trên chất liệu ánh sáng.

Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua ánh sáng chiếu rọi từ tác phẩm gỗ lũa.
Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua ánh sáng chiếu rọi từ tác phẩm gỗ lũa.

Gọi Bùi Văn Tự là nghệ nhân cũng được, mà nghệ sĩ cũng không sai. Anh đã sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt và vô cùng độc đáo mang tên nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

Nghệ thuật “đuổi hình bắt bóng”

Bùi Văn Tự là nghệ nhân trẻ thuộc thế hệ 9X, vốn là kỹ sư xây dựng nhưng lại có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật nên anh mày mò để sáng tạo ra những tác phẩm ánh sáng mang tính thị giác độc đáo.

“Khi đang là sinh viên, mình đi làm thêm bằng cách dựng những hòn non bộ. Trong quá trình đó, phải học cách chiếu đèn để tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Vào một ngày, bóng non bộ đổ lên tường lại tạo thành hình một chú gấu. Thế là mình nảy ra ý tưởng sáng tạo những sản phẩm điêu khắc từ ánh sáng”, Tự cho biết.

Nói là điêu khắc ánh sáng, nhưng thực ra sản phẩm cuối cùng lại chính là “phần bóng tối”. Khi ánh sáng rọi vào vật chủ, phần bóng tối trên bức tường là hình hài mà nghệ sĩ muốn chuyển tải. Đó là cách nghệ thuật “đuổi hình bắt bóng”, mà ở Việt Nam gần như chưa từng có.

Trải qua rất nhiều thử nghiệm, từ một phương tiện để thể hiện niềm đam mê nghệ thuật, Bùi Văn Tự quyết tâm theo đuổi bộ môn điêu khắc mới lạ này. Anh chia sẻ: “Giữa muôn vàn nguyên vật liệu, mình chọn gỗ lũa và gốm để tạo nên tác phẩm”.

Gỗ lũa, có lẽ là chất liệu mang tính dân gian và tự nhiên hoang dã. Đồng thời dễ trưng bày trong mọi không gian trang trí, khi kết hợp với ánh sáng, ý đồ và thông điệp nghệ thuật phản chiếu đằng sau gây một ấn tượng thị giác đặc biệt.

Còn gốm, Bùi Văn Tự “đóng đô” ở Bát Tràng (Hà Nội). Nghệ thuật gốm đến với anh khá sớm, và gần như trở thành công việc chính để được gọi là nghệ nhân.

Tết 2021, Tự cho ra một tác phẩm gốm với hình hài con trâu bên luỹ tre làng. Thế nhưng, đó chỉ là cái cớ của một tác phẩm khác. Khi rọi ánh sáng vào con trâu, phía đằng sau lại là một cánh buồm căng gió.

Tự từng tham gia chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt”. Nghệ thuật độc đáo và tài năng của anh đã chinh phục ban giám khảo và khán giả, để đi thẳng vào vòng chung kết. Tuy nhiên, cho đến năm 2020 anh mới chính thức khởi nghiệp và dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

Khơi lối đi chưa ai bước tới

Nghệ sĩ Bùi Văn Tự theo con đường nghệ thuật hoàn toàn mới.

Nghệ sĩ Bùi Văn Tự theo con đường nghệ thuật hoàn toàn mới.

Nghệ sĩ Bùi Văn Tự thường tìm nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính những con người anh có duyên gặp trong cuộc sống. Đồng thời, anh cũng bám theo những câu chuyện về đời sống, văn hóa, lịch sử… để chuyển cái hay, nét đẹp và sự kỳ diệu của cuộc sống.

Nếu như nghệ thuật điêu khắc chủ về hình khối, đường nét và thông điệp thì cách mà Bùi Văn Tự sáng tạo không chỉ có vậy. Nghệ sĩ phải tính toán những lằn ranh, lỗ thủng, khoảng trống… để tác phẩm trước mắt đạt yêu cầu nghệ thuật. Song hành với đó, khi soi ánh sáng vào thấy được kết quả cuối cùng về hình hài của cái bóng.

Người ta khó nhận ra một tác phẩm gỗ lũa kỳ dị trước mắt thể hiện điều gì. Tác phẩm ban đầu của Tự, gần như thuộc trường phái trừu tượng. Sẽ thật bẽ bàng cho ai vội phán đoán về ý đồ thật của tác phẩm. Bởi khi rọi ánh sáng vào, cái bóng nổi trên bức tường lại là chân dung huấn luyện viên Park Hang-Seo với nụ cười chiến thắng.

Bùi Văn Tự đã tạo ra cho mình một con đường riêng với những workshop và xưởng chế tác đặc dị. Chẳng riêng những tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc về lịch sử, văn hoá, anh không ngừng tạo ra những bất ngờ từ bóng tối của ánh sáng.

Mới đây, Tự đã sáng tạo chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một cách đầy thuyết phục. Với một tác phẩm lũa đơn thuần, người xem nghĩ rằng là kết quả của tự nhiên và một chút dụng công đục đẽo. Thế nhưng, khi ánh sáng rọi vào tác phẩm ấy, chân dung Trịnh Công Sơn hiện ra quen thuộc giữa khu vườn hương sắc.

Để sáng tạo tác phẩm ấy, anh Tự cho rằng ba thành tố: Thân - tâm - tuệ, tương ứng với ba công đoạn, cũng là ba kỹ thuật khác nhau. Đó là chế tác với ý tưởng và thiết kế sơ bộ, tìm kiếm nguồn cảm hứng để chuyển tải sự rung động tạo nên linh hồn cho tác phẩm. Và cuối cùng là tư duy thể hiện để tác phẩm có bố cục hài hòa, ăn ý giữa hình và bóng.

Trước và trong quá trình điêu khắc ánh sáng về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bùi Văn Tự đã nghe đi nghe lại những ca khúc để hiểu và “bắt nhịp” cảm xúc với nhân vật. Sự chân thực trong chân dung chỉ là một vế đơn thuần mang tính nghệ nhân, còn nghệ thuật là biểu hiện ở tinh thần cũng như nhịp đập trong tâm hồn nghệ sĩ.

Chọn một con đường mới để khai phá, với nghệ sĩ trẻ như Tự không hề dễ dàng. Nghệ thuật của Tự không hẳn là nghệ thuật thị giác, nhưng dùng ánh sáng để diễn tả thị giác qua điêu khắc truyền thống. Sẽ khó có tên gọi thuyết phục về nghệ thuật mà Tự theo đuổi, nhưng anh đã dám khơi một lối đi chưa ai bước tới.

Thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, nghệ sĩ Bùi Văn Tự đã sáng tạo một tác phẩm từ phế liệu, vỏ chai, nắp bia, lọ tương ớt… Khi ánh sáng rọi vào lại hoá một thiên thần đang cố níu kéo trái đất, cứu thế giới khỏi cơn đại dịch. Ánh sáng – bóng tối giống như âm và dương, qua tác phẩm nghệ sĩ hi vọng sẽ thức tỉnh cộng đồng trước cuộc chiến ngày càng khốc liệt với đại dịch và các vấn đề thiên nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.