Những lần mở lối…
Cô Khanh hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trước đó, cô trải qua nhiều vị trí công tác ở nhiều đơn vị khác nhau. Đến bất kỳ trường nào, cô đều vực dạy các phong trào thi đua và chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ của trường đó đi lên.
Cô Khanh nhớ lại, khi mới vào nghề, cô là giáo viên của Trường mầm non Chim Non. Nhận thấy cô Khanh là giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, lại có năng lực quản lý, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã đề xuất với lãnh đạo quận bổ nhiệm cô là Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Quỳnh Mai.
Trong thời gian cô công tác ở Trường mầm non Quỳnh Mai (từ năm 2003 đến 2008), cô đã góp phần đưa chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên và trở thành một trong những “lá cờ đầu” bậc mầm non của quận Hai Bà Trưng.
Tháng 9/2008, cô Khanh được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Quý Đôn. Cô nhớ lại, ngày mới nhận nhiệm vụ, cô không nghĩ dưới khu nhà tập thể lại có một ngôi trường, mọi thứ đều cũ kỹ, lạc hậu, cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn, đội ngũ giáo viên ngại đổi mới, thiếu tự tin và hầu hết đề có tư tưởng “an phận”.
Sau khi tìm hiểu kỹ cô đã quyết tâm “cải tổ” ngôi trường này. Tất cả các phòng học cô đều cho bài trí lại và quy hoạch lại các góc học tập. Những giáo viên có năng lực, cô động viên đổi mới, sáng tạo, tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi hoặc các phong trào thi đua do quận tổ chức. Với những giáo viên còn yếu, cô “cầm tay chỉ việc” thậm chí lên lớp cùng để các cô tự tin vào bản thân và từng bước nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Kết quả, từ ngôi trường “không tên tuổi” và thuộc tốp yếu của quận, cô Khanh đã vực dậy thành công cả về cơ sở vật chất cho đến đội ngũ. Tất cả đã đi vào nền nếp, đặc biệt chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ đã được nâng lên, phụ huynh tin tưởng và cấp trên ghi nhận.
Những tưởng cô sẽ ở lại Trường mầm non Lê Quý Đôn cho đến khi nghỉ hưu nhưng đến tháng 10/2018, cô Khanh lại được luân chuyển, điều động đến làm Hiệu trưởng Trường mầm non Trương Định.
“Thú thật, lúc đó tôi đã rất nản chí, muốn lùi bước, bởi đây là ngôi trường có 2 điểm lẻ, nằm trên địa bàn dân cư khá phức tạp” – cô Khanh bộc bạch và cho biết, thời điểm cô đến nhận nhiệm vụ, cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp trầm trọng. Đội ngũ chuyên môn có nhiều mặt hạn chế, tụt hậu so với mặt bằng chung của quận và nội bộ có nhiều vấn đề cần giải quyết.
Vậy là, một lần nữa cô Khanh lại phải bắt tay vào xây dựng, cải tổ để “mở lối” cho mình và hơn 30 giáo viên, nhân viên của trường. “Việc đầu tiên tôi làm là xây dựng kế hoạch đổi mới, phát triển nhà trường năm học 2018 - 2019. Tôi triển khai họp ban lãnh đạo, liên tịch nhà trường để nắm bắt nhanh tình hình và biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân dẫn đến tồn tại…” – cô Khanh chia sẻ.
Sau đó, cô xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm và hoạch định phương hướng giải quyết như: ổn định đội ngũ, gắn kết nội bộ thành khối đoàn kết thống nhất; Xây dựng cảnh quan, môi trường giáo dục từ ngoài vào trong mỗi lớp học, bám sát nội dung” Lấy trẻ làm trung tâm” và làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền tới từng từng cụm dân cư.
“Miệng nói tay làm”
Xác định, một tập thể đoàn kết thống nhất nội bộ thì nhà trường mới phát triển, nên cô Khanh đã gắn kết ổn định nội bộ bằng việc dùng nhân tâm để thu phục lòng người và “miệng nói tay làm”. Cô gương mẫu đi đầu trong tất cả mọi công việc; luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo.
“Tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để giải quyết công việc thấu tình đạt lý nhưng cương quyết, dứt khoát. Mọi vướng mắc khó khăn, tôi luôn tìm hướng tháo gỡ phù hợp, hiệu quả nhất. Trong tài chính, tôi thực hiện công khai, rõ ràng, minh bạch. Biết tha thứ, chia sẻ, cảm thông, sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ trong điều kiện cho phép. Biết hy sinh vì lợi ích tập thể và không trù dập định kiến với bất kỳ thành viên nào” – cô Khanh chia sẻ.
Chính vì thế mà chưa đầy 2 tháng, cô đã tạo được lòng tin, sự yêu mến, nể trọng của tập thể. Tất cả các anh chị em đều tâm phục, khẩu phục, chấp hành tốt mọi kỷ luật của nhà trường. Tham gia đầy đủ, nhiệt tình các hoạt động. Ai cũng có tâm trạng vui vẻ, phấn khích, làm việc hiệu quả. Một số giáo viên trước đây có ý định chuyển ra ngoài làm, nay đã hoàn toàn bỏ ý định đó, yên tâm ở lại trường làm việc.
Song song với việc ổn định đội ngũ, cô bắt tay vào cải tạo, thay đổi môi trường, khung cảnh sư phạm, thay đổi, trang bị một số đồ chơi ngoài trời phù hợp, có thẩm mỹ. Cô phân chia các khu vực và phân công các nhóm phụ trách. Việc xây dựng góc vận động phát triển thể chất cho trẻ đã gây được sự hứng thú, cuốn hút trẻ thích được đến trường, thích đi học.
Đặc biệt, cô đã truyền được ngọn lửa đam mê và kích thích được khả năng sáng tạo của mỗi người giáo viên bằng việc trực tiếp vừa làm, vừa hướng dẫn tỷ mỷ, cẩn thận. Cô cùng giáo viên xây dựng môi trường của lớp theo hướng mở, đổi mới sáng tạo. Sau đó cho các lớp đến kiến tập, học tập lẫn nhau. Cô đã phát huy được năng lực sở trường và truyền cảm hứng sang tất cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Cô giáo Lê Thị Tuyết – phụ trách lớp nhà trẻ từng là một giáo viên sống “khép mình”, không tham gia bất cứ phong trào, hoạt động gì của trường; thậm chí có những lúc cô có suy nghĩ cực đoan. Nhưng nhờ sự chân thành, động viên khích lệ của cô Khanh nên cô Tuyết đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động. Nay cô năng nổ tham gia các phong trào thi đua của trường và trở thành giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thua đua cấp cơ sở.
“Tôi không nghĩ mình lại có sự bứt phá như ngày hôm nay. Tôi thấy nhận thấy mình trưởng thành hơn và không phải là tôi của ngày hôm qua” – cô Tuyết bộc bạch và gửi lời cảm ơn đến cô Khanh – người đồng nghiệp, người chị và thủ trưởng đáng quý của mình.
Nhận xét về hiệu trưởng, cô Lê Thuý Nga – tổ trưởng tổ bếp bày tỏ, cô đã học được rất nhiều từ cô Khanh; trên hết là sự kiên nhẫn, cởi mở, hoà đồng và luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân viên. Có những hôm nhà bếp thiếu người, cô Khanh sẵn sàng “xắn tay áo” để chia cơm cho học sinh, thậm chí cô còn kiêm luôn “cửu vạn”, khuân vác nguyên vật liệu cho nhà bếp.
“Có những hôm, tôi thấy cô vẽ tranh, làm đồ chơi, đồ dùng học tập. Hôm thì thấy cô cầm cưa miệt mài cắt từng tấm gỗ. Hôm khác lại thấy cô cấm búa đóng đinh vào bàn ghế v.v… Phải nói là “hiếm có khó tìm” một hiệu trưởng như cô Khanh. Giờ đây, tất cả chúng tôi coi nhau như chị em trong nhà, thân tình, thân ái nên không câu nệ thủ trưởng với nhân viên”- cô Nga bộc bạch.