“Cô giáo là mẹ, lớp học là nhà”
Gần 10 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Mai Trang- giáo viên Trường mầm non Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, ân cần, tận tình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cô luôn dành thời gian để quan sát, lắng nghe và chia sẻ, để có thể hiểu trẻ hơn. Và quan trọng hơn cả, cô đang học cách sống hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, học cách cảm nhận hạnh phúc từ những ánh mắt ngây thơ hay một câu nói hồn nhiên của các con. Cô là mẹ khi chăm sóc các con, là bạn khi học, khi chơi cùng các con.
Để các con thực sự coi lớp học là ngôi nhà thứ hai, cô Trang đã tham khảo ý kiến của trẻ trong việc xây dựng môi trường lớp học, sử dụng những sản phẩm mà trẻ tạo ra để trưng bày, trang trí, làm đồ chơi. Điều quan trọng hơn cả, thông qua việc cùng nhau trang trí lớp trẻ đều rất yêu thích đến trường vì môi trường lớp học có bàn tay của trẻ xây dựng nên.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Đỗ Thị Hằng- Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Hội cho biết: Với vai trò là tổ trưởng tổ mẫu giáo, cô Trang đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường thân thiện trong nhà trường. Cô đã xây dựng thành công mô hình “lớp học hạnh phúc” cho trường và toàn huyện gắn 3 tiêu chí cốt lõi “Yêu thương- An toàn- Tôn trọng”.
Với với phương pháp 10 giây, hay hoạt động “Cô giáo trong mắt con” và “Góc bình yên” đã thực sự giúp cả cô và trẻ có được những nguồn năng lượng tích cực khi ở trường. Và hạnh phúc trong lớp mà cô phụ trách không phải được bắt đầu từ khoảng các giữa cô và trẻ mà nó bắt nguồn từ tình yêu.
Đặc biệt từ năm học 2019-2020 đến nay, cô nghiên cứu và áp dụng phương pháp STEM vào dạy trẻ lớp mình và đã đem lại những hiệu quả tuyệt vời với trẻ. Cô lồng ghép những dự án STEAM vào kế hoạch giáo dục của từng tháng sao cho phụ hợp với chủ đề và xuất phát từ những mối quan tâm của trẻ.
Đó là các hoạt động: làm thuyền nổi được trên mặt nước, chiếc đèn phát sáng, làm nhà nổi, bàn tay robot, làm bè chống lũ, chiếc ô tô phản lực, chậu trồng cây thông minh. Điều này đã biến những kiến thức hàn lâm trở nên cụ thể qua các món đồ chơi yêu thích của trẻ. .
Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ học để phòng dịch Covid-19, cô Trang đã ứng dụng CNTT mạnh mẽ vào công tác giáo dục trẻ. Cô tự bồi dưỡng và tìm hiểu những phần mềm có tính ứng dụng cao trong dạy học, xây dựng được kho dữ liệu điện tử riêng cho lớp học của mình.
Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô Mai Trang đã nghiên cứu và chia sẻ với đồng nghiệp nhiều nội dung mới để áp dụng và sáng tạo trong công tác giáo dục trẻ. Đồng đồng tạo ra môi trường thuận lợi để giáo viên trao đổi ý kiến, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, từng bước hoàn thiện về kĩ năng dạy học, giải quyết những vấn đề khó trong soạn giảng và tổ chức các hoạt động trên lớp.
Xây dựng khu phát triển vận động cho trẻ
Với gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục mầm non, cô Đỗ Thị Hậu - Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) là tấm gương điển hình về sự năng động, sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Đặc biệt, cô luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng “Trường, lớp mầm non hạnh phúc”.
Với phương châm “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”, cô hiệu trưởng luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống, hạnh phúc của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Cô còn tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới tư duy để xây dựng trường lớp mầm non hạnh phúc cho các cán bộ giáo viên, mời các chuyên gia về trực tiếp tại trường.
Trong những năm qua, nhiều chuyên đề đã được bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên như “Ứng dụng các pương pháp giáo dục Montessori, phương pháp giáo dục STEM vào dạy trẻ; chuyên đề nâng cao chất lượng chế biến món ăn cho trẻ trong trường mầm non; chuyên đề xây dựng hạnh phúc gia đình và nghệ thuật giao tiếp ứng xử.”
Bên cạnh đó, cô Hậu đã có nhiều giải pháp nhằm động viên giáo viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn như: Tạo điều kiện về thời gian cho giáo viên đi học nâng chuẩn, kịp thời tuyên dương các cá nhân xuất sắc, khích lệ về vật chất, tinh thần... Nhờ vậy, 100% giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn, 85% giáo viên có chứng chỉ ứng dụng phương pháp giáo dục STEM.
Với cương vị là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Đỗ Thị Hậu đã tham mưu với chính quyền xây dựng bổ sung các phòng học mới, khu bếp mới, nghiên cứu, quy hoạch các không gian bỏ trống thành các khu vui chơi, khu sáng tạo cho trẻ với nhiều trang thiết bị mới. Bên cạnh đó, cô đã cải tạo thành công khu sân vườn, bể nuôi cá Koi làm không gian cho trẻ khám phá.
Cô Hậu cho biết, để có kinh phí cải tạo nhà trường, cô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đóng góp từ cán bộ giáo viên, phụ huynh, nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn xã để có kinh phí cải tạo và xây dựng khu phát triển vận động cho trẻ với diện tích 300m2.
Từ một khu vườn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, sau khi được cải tạo và xây dựng thành khu phát triển vận động nhà trường đã khai thác sử dụng tối đa hiệu quả để tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập và tổ chức các sự kiện của nhà trường mà không lo vấn đề về thời tiết.
Ngoài các hoạt động hướng tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng môi trường cơ sở vật chất sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện, cô hiệu trưởng Đỗ Thị Hậu còn rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động từ thiện nhằm quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn.
Cô đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như: Tổ chức “Ngày hội sáng tạo” để huy động sự ủng hộ cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; phát động ủng hộ phong trào “Chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19”, vận động cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia cùng địa phương trực các chốt kiểm soát y tế với mong muốn góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.