Người đầu tiên tử vong vì polonium

GD&TĐ - Litvinenko nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau này bác sĩ mới tìm ra chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm polonium – 210 nhưng không có thuốc giải.

Marie Curie được trao giải Nobel lần thứ 2 nhờ chiết xuất thành công polonium.
Marie Curie được trao giải Nobel lần thứ 2 nhờ chiết xuất thành công polonium.

Polonium là kim loại phóng xạ được nhà vật lý hóa học người Pháp gốc Ba Lan Marie Curie phát hiện lần đầu tiên vào năm 1898. Khi nạn nhân Litvinenko nhập viện trong tình trạng nguy kịch, các y, bác sĩ không thể phát hiện ra bệnh của ông. Mãi sau này, họ mới tìm ra chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm polonium – 210 nhưng không có thuốc giải.

Nghi ngờ bị đầu độc

Thời trẻ của Alexander Litvinenko

Thời trẻ của Alexander Litvinenko

Chiều ngày 3/11/2006, Edwin Carter, 43 tuổi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Barnet (London, Anh). Hai ngày qua, Edwin bị nôn, tiêu chảy ra máu và rất đau đớn. Bác sĩ riêng nghi ngờ Edwin mắc bệnh thương hàn nhưng không phải vậy. Nhân viên bệnh viện chẩn đoán người đàn ông này bị bệnh viêm dạ dày cấp tính và bắt đầu cho dùng thuốc kháng sinh.

Những ngày sau đó, tình trạng của Edwin được cải thiện đôi chút nhưng kết quả xét nghiệm có nhiều điểm đáng ngờ. Một người bị nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ có số lượng bạch cầu cao, bởi cơ thể sản xuất nhiều tế bào này hơn để chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong trường hợp của Edwin, số lượng bạch cầu lại rất thấp và có dấu hiệu giảm dần.

Bốn ngày sau đó, ông Edwin vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Vợ của Edwin, bà Carter cho rằng chồng mình có nguy cơ bị đầu độc. Điều này nghe có vẻ viển vông nên các nhân viên y tế đã cố gắng trấn an đôi vợ chồng. Dù vậy, họ vẫn ghi chú vào hồ sơ khám bệnh rằng: “Bệnh nhân và vợ lo ngại có khả năng bị trúng độc. Truy vấn chất độc?”.

Một tuần sau, tình trạng của Edwin vẫn không cải thiện. Đến ngày 11/11, tóc của người đàn ông này bắt đầu rụng. Tình cảnh này trông Edwin giống như bị rụng tóc vì hóa trị khi điều trị ung thư.

Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu điển hình của ngộ độc thallium, kim loại nặng, ở dạng muối dễ dàng được hấp thụ vào cơ thể, nơi nó có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Thậm chí, nếu tiêu thụ quá một gram thallium có thể gây tử vong.

Tuy nhiên, trường hợp ngộ độc thallium rất hiếm. Trường hợp gần nhất trúng độc thallium ở Anh là năm 1970, khi một kẻ giết người hàng loạt cố tình dùng muối thallium để đầu độc đồng nghiệp. Trong vụ án này, 2 người chết. Vì tình huống trên, các bác sĩ quyết định xét nghiệm để kiểm tra Edwin liệu có trúng độc hay không. Song song, người đàn ông này vẫn được điều trị bằng thuốc giải độc thallium.

Bên cạnh một số dấu hiệu điển hình của ngộ độc thallium, Edwin còn các triệu chứng khác như cảm giác kim châm đau đớn ở bàn chân, tay; nhức mỏi cơ thể bắt đầu xuất hiện. Nhưng thallium có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.

Trong khi đó, số lượng tiểu cầu của Edwin cũng thấp một cách đáng lo ngại. Trên thực tế, ông ta càng ngày càng trông giống như người ung thư đang xạ trị. Các bác sĩ đã sử dụng máy đo bức xạ Geiger nhưng không ghi nhận các chỉ số bất thường.

Sau đó, kết quả kiểm tra thallium cho thấy trong cơ thể Edwin, nồng độ thallium cao hơn một chút, nhưng không quá nhiều so với người bình thường. Điều này đồng nghĩa số thallium này sẽ không có khả năng gây hại cho cơ thể. Thế nhưng, tình hình của Edwin cứ ngày một tệ đi.

Các bác sĩ đã tiến hành đo lường, chẩn đoán đủ mọi khả năng nhưng kết quả không dẫn đến một bệnh lý cụ thể nào. Bị đầu độc, điều mà ông bà Edwin nhắc đến từ đầu, có vẻ sát với thực tế. Cảnh sát được đưa vào cuộc.

Nạn nhân đầu tiên

Ngày 17/11, Edwin được chuyển đến Bệnh viện University College và được chăm sóc đặc biệt hơn. Cùng ngày, 2 thám tử xuất hiện bên giường bệnh và bắt đầu thẩm vấn. Gần 9 giờ phỏng vấn đã được ghi lại trong 3 ngày sau đó.

Edwin kể về các cuộc gặp gỡ với đối tác kinh doanh, mật vụ Nga và Italy. Câu chuyện tưởng như chỉ diễn ra trong các bộ phim bom tấn Hollywood lại là hơn 40 năm cuộc đời của Edwin.

Ngày 20/11, ngay sau khi cuộc phỏng vấn cùng các thám tử kết thúc, Edwin được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Các cơ quan quan trọng của ông bắt đầu suy yếu. Bác sĩ vẫn không phát hiện ra bệnh. Nhiều thử nghiệm hơn.

Một lít nước tiểu của Edwin đã được gửi đến các nhân viên y tế tại Cơ sở sản xuất vũ khí nguyên tử để thử nghiệm. Ba ngày sau đó, chất phóng xạ polonium – 210 được tìm thấy. Tuy nhiên, chỉ 6 giờ sau khi có kết quả, Edwin ngưng tim và chết. Ông trở thành nạn nhân đầu tiên được xác nhận tử vong do đầu độc bằng polonium – 210.

Alexander Litvinenko trước khi qua đời vì nhiễm chất phóng xạ polonium – 210.

Alexander Litvinenko trước khi qua đời vì nhiễm chất phóng xạ polonium – 210.

Đó là lúc danh tính thực của nạn nhân được tiết lộ. Edwin tên thật là Alexander Litvinenko, sinh ngày 4/12/1962 tại Voronezh (Nga). Ông từng làm nhân viên tình báo cho Bộ Nội vụ Nga trước khi được chiêu mộ vào Ủy ban An ninh Liên Xô, KGB.

Tháng 11/2000, Litvinenko cùng gia đình rời Nga và xin tị nạn tại London. Năm 2006, ông được cấp quốc tịch Anh. Khi Litvinenko qua đời, trong cơ thể ông chứa đến 50 nanogram polonium – 210, số lượng cực cao đồng vị phóng xạ trong cơ thể người.

Với kết quả này, không có gì ngạc nhiên khi các nhân viên y tế gặp bế tắc trong việc chẩn đoán bệnh cho Alexander.

Khó sở hữu

Thực tế, trong lịch sử thế giới trước đó, chưa từng có trường hợp nào chết vì chất này được ghi nhận. Ngay cả khi các bác sĩ xác định được loại chất độc, polonium – 210 vẫn còn rất mới do ít người biết đến nên không phải ai cũng biết tác hại của nó gây ra cho cơ thể con người.

Polonium là kim loại phóng xạ được nhà vật lý hóa học người Pháp gốc Ba Lan Marie Curie phát hiện lần đầu tiên vào năm 1898 và được đặt tên theo quê hương Ba Lan của bà. Marie Curie phải mất nhiều năm mới có thể chiết xuất một lượng rất nhỏ polonium nguyên chất từ khoảng 2 tấn kim loại.

Nó mang lại cho bà giải Nobel lần thứ hai nhưng bà có lẽ cũng là nạn nhân đầu tiên của nguyên tố này. Năm 1934, Marie Curie qua đời vì bệnh thiếu máu bất sản. Đó là kết quả trực tiếp sau nhiều năm bà làm việc với vật liệu phóng xạ.

Chiết xuất polonium là một việc tương đối khó khăn. Chiết xuất từ kim loại là cách làm không hiệu quả và nguy hiểm. Ngày nay, nguyên tố này được sản xuất trong các lò phản ứng hạt nhân mặc dù phần lớn polonium được tạo ra vẫn có khả năng phơi nhiễm.

Nguồn cung cấp polonium, thường được sử dụng trong các thiết bị chống tĩnh điện, trên thế giới chủ yếu đến từ một nhà máy sản xuất hạt nhân ở Nga. Chỉ có hai lựa chọn nếu muốn sở hữu polonium.

Một là mua ở chợ đen nhưng không hề dễ dàng, bất hợp pháp và rất rất rất đắt tiền. Hai là tự chiết xuất nhưng quá trình này đòi hỏi kỹ thuật cao và người thực hiện nó có thể chết trong quá trình đó.

Ngay cả khi con người có thể chạm tay vào miếng nhỏ polonium nguyên chất thì nó vẫn không tốt cho chúng ta vì đây là một chất độc. Cơ thể con người khó có thể hấp thụ kim loại nên chúng ta cần chuyển hóa nó thành muối.

Quá trình này khá đơn giản vì chỉ cần thêm một chút axit nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm vì bức xạ sẽ phát ra. Sẽ là tự sát nếu tự thực hiện mà không có kiến thức chuyên môn và thiết bị bảo hộ phù hợp.

Theo điều tra của cảnh sát, sau khi lấy được polonium ở dạng thích hợp, những kẻ muốn sát hại Litvinenko đã thêm chất độc này vào bình trà của nạn nhân tại quán bar ở khách sạn Millennium, London.

Nạn nhân không uống nhiều trà nhưng khoảng 26 microgram polonium được tìm thấy trong máu của Litvinenko. Lượng này nhỏ đến mức khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường, trừ khi dùng kính lúp nhưng vẫn đủ sức giết chết nạn nhân.

Chiết xuất polonium – 210 cực kỳ khó khăn và nguy hiểm.

Chiết xuất polonium – 210 cực kỳ khó khăn và nguy hiểm.

Đánh cược vào chất phóng xạ

Khả năng gây độc của polonium là do các hạt alpha năng lượng cao mà nó phát ra khi các nguyên tử phân rã. Các hạt alpha sẽ phá vỡ thức đầu tiên mà chúng gặp phải như phân tử nước, chất béo, protein hoặc ADN.

Một hạt alpha sẽ tạo ra sự tàn phá không thể tưởng tượng trên đường đi của nó nhưng đường đi đó rất ngắn, thường chỉ vài mm trong cơ thể. Dù vậy, quá trình này đủ để phá hủy các tế bào. Nếu đủ số lượng tế bào chết, một cơ quan sẽ bị hỏng nhưng các hạt không thể đi đủ xa để thoát ra khỏi cơ thể.

Đó là lý do tại sao máy dò phóng xạ không thể phát hiện ra nguyên tố đang phá hủy cơ thể Litvinenko từ bên trong. Hầu hết các bộ phát alpha cũng phát ra tia gamma mạnh, dễ dàng phát hiện ra bên ngoài cơ thể, nhưng polonium – 210 rất khó phát hiện.

Có lẽ những kẻ muốn sát hại Litvinenko cũng biết điều này và họ âm thầm đặt cược rằng chất độc sẽ không bị phát hiện trong cơ thể. Bởi lẽ, polonium – 210 có thể dễ dàng bị phát hiện khi ở bên ngoài cơ thể như dính trên tay, quần áo. Làm thế nào họ có thể sở hữu polonium, đưa nó vào quán bar và bỏ vào bình trà của Litvinenko vẫn là một bài toán khó.

Theo hồ sơ tài liệu y tế, những triệu chứng đầu tiên như đau bụng, nôn mửa chỉ xuất hiện sau khoảng 3 tuần Litvinenko uống trà tại quán bar. Điều này đồng nghĩa ông đã bị đầu độc ít nhất 20 ngày trước đó.

Polonium là một chất độc cực kỳ nguy hiểm. Khi Livitnenko uống ngụm trà đầu tiên, số phận của ông đã được định đoạt là phải chết. Dù các nhà khoa học hàng đầu có tìm ra polonium trong cơ thể của Livitnenko, họ cũng khó có thể cứu sống ông, nhất là khi thời gian của nạn nhân còn rất ngắn.

Cho đến nay, việc tìm ra thuốc giải nếu nhiễm độc polonium vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, polonium – 210 nằm ngoài khả năng tiếp cận của hầu hết mọi người nên việc bị ngộ độc polonium là tình huống tương đối hi hữu.

Theo TG, Britannica

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.