Người dân vùng biên giới thoát nghèo nhờ cây chè

GD&TĐ - Nhờ chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè đã giúp người dân các xã biên giới huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thoát nghèo.

Những đồng chè xanh mướt được trồng theo chuẩn VietGap ở Hương Sơn.
Những đồng chè xanh mướt được trồng theo chuẩn VietGap ở Hương Sơn.

Hướng đi mới của vùng đất khắc nghiệt

Gồng gánh những khắc nghiệt từ thiên nhiên, hàng chục năm qua, đời sống sản xuất của người dân các xã biên giới Sơn Tây, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) gặp nhiều khó khăn. Việc trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả cộng với mất mùa, thiên tai khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở những địa phương này luôn chiếm tỷ lệ khá cao.

Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền và người dân luôn trăn trở tìm hướng đi mới để khắc phục tồn tại do những yếu tố khách quan. Bằng việc chọn cây chè làm chủ lực để thay đổi hướng sản xuất, những năm gần đây, trên mảnh đất cằn cỗi các xã vùng biên trên đã được phủ màu xanh ngút ngàn của những đồi chè.

Hàng trăm ha đất nông nghiệp không hiệu quả của người dân vùng biên đã trở thành những đồi chè xanh mướt.

Hàng trăm ha đất nông nghiệp không hiệu quả của người dân vùng biên đã trở thành những đồi chè xanh mướt.

Ông Nguyễn Văn Khai (60 tuổi), một hộ dân trồng chè ở xã Sơn Kim 2 chia sẻ, là gia đình thuần nông, trải qua bao thế hệ đều gắn bó với ruộng vườn. Dù không thiếu đói nhưng chẳng mấy dư giả nên con cái cứ cho học hết cấp 2, cấp 3, thậm chí “học cho biết chữ” rồi bươn chải kiếm sống.

“Mấy năm gần đây, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân chúng tôi được cán bộ xuống chỉ dạy cho các yếu tố kỹ thuật đưa cây chè vào thay thế cho các cây nông nghiệp ngắn ngày, giúp người dân có nguồn thu nhập cao hơn. Nhiều gia đình đã có điều kiện cho con cái đi học nghề, Đại học để các cháu có tương lai tươi sáng hơn”, ông Khai nói.

Theo các hộ dân trồng chè, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón theo chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều hộ gia đình còn chủ động đầu tư thêm vốn, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng bổ sung, mở rộng diện tích.

Ông Lê Văn Cường, một hộ dân có diện tích trồng chè xóm Cây Tắt (xã Sơn Tây) cho hay, ban đầu gia đình ông chỉ trồng vài sào (1 sào = 500m2) chè nhưng nhận thấy hiệu quả nên đã mở rộng hết diện tích đất khoảng 1,5ha. Nhờ liên kết với doanh nghiệp nên người dân không phải lo về đầu ra của sản phẩm. Cây chè không những làm thay đổi cuộc sống của gia ông mà bà con xã Sơn Tây cũng dần khấm khá.

Việc trồng chè đã đem lại thu nhập khá cho người dân ở vùng biên.

Việc trồng chè đã đem lại thu nhập khá cho người dân ở vùng biên.

Ông Cường so sánh, trước đây gia đình ông trồng lúa, nếu thời tiết thuận lợi một năm trồng được 2 vụ với năng suất 350kg/sào tương đương 2 vụ 700kg, với giá lúa 8.000 đồng/1kg trừ các chi phí tiền công, phân bón… mỗi sào ruộng chỉ mang lại lợi nhuận chưa đến 3 triệu đồng, chưa kể mất trắng do thiên tai. Trong khi đó, chè cho thu hoạch 9 tháng/năm, tính ra lợi nhuận từ chè khoảng 12-15 triệu đồng/sào/năm, gấp 4-5 lần trồng lúa.

“Việc trồng chè chi phí thấp hơn, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh mà mang lại nguồn lợi kinh tế gấp nhiều lần so với lúa lạc nên tôi và nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô trồng chè”, ông Cường cho biết thêm.

Đảm bảo phát triển ổn định

Ông Cao Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, từ năm 2002 cây chè đã được người dân trồng rải rác trên đất ven đồi (6ha - 10ha) nhưng do một thời gian quá trình liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn có một chút trục trặc nên người dân không liên kết nữa. Cho đến năm 2014, khi việc liên kết đã ổn định, người dân bắt đầu trồng chè trở lại và mở rộng diện tích.

Được xí nghiệp hỗ trợ về giống, phân bón, cũng như kỹ thuật nên việc trồng chè của người dân trở nên dễ dàng hơn. Sau khi nhìn thấy hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế, người dân bắt đầu chuyển đổi từ các vùng đất kém phát triển sang trồng chè, thậm chí có những vùng đất màu mỡ cũng chuyển đổi để cho sản lượng chè cao hơn.

Để giúp người dân phát triển ổn định vùng nguyên liệu chè, UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, xí nghiệp cũng có những chính sách để hỗ trợ như: Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để làm đất, 700 đồng/cây giống, kỹ thuật…

Hiện tại, xã Sơn Tây có gần 350 hộ tham gia trồng chè, với tổng diện tích gần 290ha, sản lượng đạt 8.200 tấn/năm. Với giá bán hiện tại, đối với chè búp là 6.000 đồng/1kg, trong khi đó cho thu hoạch 9 tháng liên tục, nên so với việc trồng lúa cũng như các hoa màu ngắn ngày thì cây chè mang lại hiệu quả gấp 5 lần.

Các cơ sở thu mua chế biến chè tại địa phương luôn đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè.

Các cơ sở thu mua chế biến chè tại địa phương luôn đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè.

"Chúng tôi đang phấn đấu trong năm 2022 tổng diện tích trồng chè của xã đạt 300ha. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ thu nhập 40-50 triệu đồng/sào chè. Đối với xã thuần nông thì trồng chè và trồng rừng là cây trồng chủ lực mà mang lại nền kinh tế ổn định, thậm chí có những hộ có mức thu nhập cao. Từ đó, công tác giáo dục, điều kiện học tập của con em được nâng lên rõ rệt”, ông Đức nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Sơn Tây, sản xuất chè ở địa phương đang theo hướng công nghiệp, được doanh nghiệp phối hợp với các hộ dân theo mô hình khép kín từ hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè đã gắn kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi: Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để sản xuất bền vững; hộ trồng chè có cơ sở trong suốt quá trình sản xuất đến tiêu thụ nên không xảy ra hiện tượng thu mua bấp bênh, được mùa - mất giá.

Ông Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết, trước năm 2015, diện tích dành cho việc trồng chè tại Hương Sơn rất hẹp, chỉ khoảng 150ha đất trồng, sản lượng ban đầu đạt 700-800 tấn/năm. Vì vậy, trong giai đoạn đầu sản xuất chè xanh, đơn vị gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn đầu tư và nhân lực lao động. Nhưng hiện nay, những đồi chè xanh tươi ở đây liên tục phát triển và được mở rộng, trở thành giống cây trồng trọng điểm của ngành kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.

Để quy trình sản xuất chè đảm bảo đạt chuẩn, Xí nghiệp luôn có yêu cầu khắt khe về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc mang sản phẩm an toàn tiêu thụ tại các thị trường khó tính luôn được đặt lên hàng đầu. Đến năm 2017, Xí nghiệp chè Tây Sơn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho toàn bộ phần diện tích sản xuất. Với sự tìm tòi, cải thiện trong từng sản phẩm, từ cách trồng, chế biến đến đóng gói sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, Chè xanh Tây Sơn đã đạt chuẩn 3 sao OCOP năm 2019.

“Thời gian tới, xí nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền mở rộng thêm diện tích tại các xã: Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Kim 1 để nâng diện tích lên hơn 400ha. Mở rộng diện tích để nâng cao hiệu quả sản xuất là cần thiết, nhưng cùng với đó là siết chặt công tác quản lý về quy trình sản xuất an toàn để có thể tạo ra sản phẩm chè đủ sức cạnh tranh trên thị trường đảm bảo phát triển bền vững”, ông Sánh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.