Bảo tồn, phát huy nghề truyền thống để thoát nghèo

GD&TĐ - Không chỉ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, người dân còn phát triển nghề dệt thổ cẩm để thoát khỏi đói nghèo.

Cuộc sống gia đình chị Hnăp bớt khó khăn hơn nhờ chính quyền hỗ trợ bò giống.
Cuộc sống gia đình chị Hnăp bớt khó khăn hơn nhờ chính quyền hỗ trợ bò giống.

Tặng bò, hỗ trợ dân thoát nghèo

Cuộc sống gia đình chị Hnăp (làng Dôr 1, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai) trước kia quanh năm sống trong đói nghèo, thiếu thốn. Mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào lúa. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2019, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tặng cho nhà chị một con bò cái sinh sản.

“Cuộc sống khó khăn, nhà mình làm mãi cũng chỉ đủ ăn. Giờ đây có con bò được hỗ trợ, gia đình mình cố gắng chăm sóc để nó phát triển khoẻ mạnh. Tới đây bò có thể nhân giống giúp kinh tế gia đình ngày càng được nâng lên. Mình sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để thoát khỏi hộ nghèo”, chị Hnăp bộc bạch.

Huyện Đăk Đoa hiện có 16 xã và 1 thị trấn với 17 dân tộc cùng sinh sống. Toàn xã có hơn 55% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Jrai và Ba Na. Trong những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ các chương trình như: Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), Chương trình 135, Dự án định canh định cư… mà diện mạo làng quê cũng như đời sống của người dân dần đổi thay.

Trong giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm 2,81%/năm, trong đó có 2.642 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tổ chức dạy nghề cho gần 4.000 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 7.453 lao động. Đồng thời giúp 45 hộ định canh, định cư và bố trí tập trung cho 67 hộ. Ngoài ra, cấp phát 157.775 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 226 hộ vay số tiền 11.2 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Không những thế trong những năm qua, các cấp ban ngành đã đầu tư xây dựng mới 73 công trình cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí là 41 tỷ đồng. Bên cạnh đó duy tu bảo dưỡng sau đầu tư được 11 công trình. Ngoài ra tổ chức 26 lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ cơ sở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 với 1.194 lượt người tham gia. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá từng bước được cải thiện góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mấy năm trước đây, gia đình anh Chưp duy trì cuộc sống nhờ ít đất trồng cà phê. Thế nhưng, sau khi được tuyên truyền anh đã tham gia một vài lớp tập huấn và tìm hiểu thêm kiến thức qua báo đài, tivi… để chuyển đổi cơ cấu cây trồng - phát triển kinh tế. Sau khi nắm bắt được một số kĩ thuật tiên tiến, gia đình anh Chưp trồng xen canh cây ăn trái như sầu riêng, mít, macca,… nhằm tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, anh cũng nuôi thêm 20 con heo và đào ao nuôi cá. Từ đó kinh tế gia đình anh dần ổn định, phát triển nên dễ dàng lo toan cuộc sống và cho con đến trường.

Xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế

Người dân gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm để cải thiện cuộc sống, xoá đói giảm nghèo.
Người dân gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm để cải thiện cuộc sống, xoá đói giảm nghèo.

Không chỉ chú trọng về phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Glar còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa của dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, xã duy trì được 1 Hợp tác xã Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar.

Bà Mlop, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar cho biết, HTX được thành lập từ năm 2006, đến nay đã thu hút được hơn 300 chị em trên địa bàn tham gia dệt thổ cẩm. Bên cạnh việc giúp chị em giải quyết được việc làm còn góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được công nhận là OCOP 3 sao. Đây cũng là động lực để người dân tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

Ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar cho biết, trên địa bàn có hơn 97% là người đồng bào DTTS. Chính vì vậy, chính sách dân tộc luôn được quan tâm kịp thời và nhanh chóng.

Theo ông Thoại, trong thời gian qua, nhờ thực hiện lồng ghép, đồng bộ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước mà đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Qua đó, những hộ nghèo đã được hỗ trợ sinh kế như: trao bò sinh sản, heo giống, xây chuồng heo, hỗ trợ giống lúa,... Cùng với đó, năm 2021, UBND xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân vươn lên thoát nghèo và giải quyết kịp thời các chính sách của Nhà nước với hộ nghèo. Theo thống kê của UBND xã Glar, tổng số hộ nghèo là 121 hộ, chiếm 5,19% tổng số hộ trên toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 41 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, xã Glar hiện đã về đích NTM và đang trên đường xây dựng NTM nâng cao và đã đạt 16/19 tiêu chí, dự kiến năm 2023 sẽ về đích NTM nâng cao.

“Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới địa phương tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp nhằm thay đổi, phát triển các thôn, làng. Qua đó, giúp người dân giữ vững kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống. Đặc biệt, phát triển toàn diện về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa nhằm cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người dân. Tuy nhiên, không quên gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS trên địa bàn. Nhưng để thực hiện được những nội dung trên thì trước tiên phải giúp người dân có ý chí vươn lên trong cuộc sống, không ỷ lại, trông chờ các chính sách hỗ trợ”, ông Thoại chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.