Người đàn ông tật nguyền đã muốn… sống

GD&TĐ - Bất lực trước bệnh tật, nhiều lần Phạm Văn Khang (SN 1984, trú tại thôn 1A, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã nghĩ đến cái chết.

Hàng ngày anh Khang cần mẫn với công việc.
Hàng ngày anh Khang cần mẫn với công việc.

Nhưng tình thương yêu đã giúp anh Khang vượt qua nỗi đau thể xác, sống lạc quan, yêu đời. Dù chỉ cử động được 2 tay nhưng Khang đã tự học hỏi, sử dụng máy tính thành thạo để kiếm việc làm cho mình với thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng.

Bệnh tật không “công phá” được tinh thần

Khi hỏi thăm về nhà anh Khang, người dân thôn 1A, xã Lưu Kiếm tận tình dẫn đường và hết lời khen ngợi về một thanh niên giàu nghị lực sống. Bà Nguyễn Thị Liễu, người trong thôn chia sẻ, câu chuyện của Khang không còn xa lạ với người dân trong làng, ngoài xã. Tuy chỉ còn đôi tay có thể cử động nhưng bằng ý chí, nghị lực Khang đã vượt lên được chính mình. Cháu là tấm gương “tàn mà không phế”.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến được nhà anh Khang. Ngôi nhà nhỏ tềnh toàng, không có gì giá trị ngoài chiếc máy tính cũ kỹ treo phía cuối giường ngủ. Nở nụ cười tươi tắn, anh Khang đón khách bằng những câu chuyện cuộc đời đầy trắc trở.

Anh Khang sinh ra trong một gia đình thuần nông có 4 anh chị em. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng Khang và các anh chị em đều mạnh khỏe, chăm ngoan. Nhưng không ngờ căn bệnh viêm đa khớp đã ập đến với Khang khi anh đang theo học lớp 8 trường làng.

Anh Khang kể, cách đây hơn 20 năm, khi đang học lớp 8, anh thấy có dấu hiệu tê buốt vùng xương chậu với những cơn sốt kéo dài gây đau, viêm cơ các khớp. Đem chuyện kể với bố mẹ, nhưng ban đầu gia đình chỉ nghĩ anh bị đau cơ do đá bóng và vận động nhiều. Hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ không có điều kiện đưa Khang đi chữa trị ngay.

Đến khi tình trạng đau nhức kéo dài, anh Khang được gia đình đưa đến nhà các thầy lang để điều trị bằng thuốc nam. Chữa bệnh được một thời gian thấy sức khỏe của con trai được cải thiện, bệnh thuyên giảm, bố mẹ Khang quyết định dừng khám chữa.

Nhưng đến năm 2001, khi anh Khang vừa vào học năm lớp 11, bất ngờ những cơn sốt kèm những cơn đau kéo dài quay trở lại. Cánh cửa cuộc đời dường như khép lại với chàng thanh niên 17 tuổi đang căng tràn ước mơ, hoài bão sống. Toàn thân dưới anh Khang cứng như khúc gỗ, không thể cựa mình.

Bà Vũ Thị Nới (SN 1948, mẹ Khang) cho hay, ngày đó, khi biết Khang mắc bệnh, vợ chồng bà rất lo lắng. Phần vì sợ sức khỏe của con suy yếu, phần vì kinh tế gia đình khó khăn không biết có đủ lực để chữa trị. Sau nhiều đêm mất ngủ suy tính, vợ chồng bà quyết định chạy vạy tiền để chữa bệnh cho con trai.

Lúc đó, gia đình đưa anh Khang đi chạy chữa khắp các bệnh viện trong, ngoài thành phố. Nhưng biến chứng căn bệnh viêm khớp dạng thấp khiến các cơ bị teo, khớp bị dính thành một khối, khiến anh Khang bị liệt, duy chỉ có 2 tay là có thể cử động.

Anh Khang chia sẻ: “Lúc đó, bản thân tôi cảm thấy chán nản, hoang mang. Mỗi lần soi gương, nhìn xuống đôi chân, tôi chỉ muốn chết. Nhưng rồi nghĩ đến cha mẹ, đến những lần họ ngược xuôi lo lắng chạy chữa cho mình lại không đủ can đảm. Lúc đó, tôi suy nghĩ nhiều lắm, rồi cố gắng bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực, tự an ủi vượt lên nghịch cảnh để cha mẹ yên tâm”.

Khó khăn dồn dập khi vào năm 2004 bố Khang qua đời. Nhìn cảnh một mình mẹ bươn trải, lo lắng cho cả gia đình khiến anh Khang càng nghị lực hơn. 

Tàn nhưng không phế

Qua mai mối của một người bạn, anh Khang quen và yêu một cô gái quê ở Mê Linh, Hà Nội. Qua lần về thăm nhà, người con gái ấy thấu hiểu, chia sẻ với cảnh ngộ của anh Khang và đồng ý kết hôn. Hai người cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc trong niềm vui chung của bạn bè, gia đình.

Sau khi lấy vợ, anh Khang có thêm động lực phấn đấu, thay đổi cuộc sống. Khi gia đình nhỏ có thêm cậu con trai kháu khỉnh, anh Khang bắt đầu tìm công việc làm tại nhà để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Qua bạn bè cùng cảnh ngộ giúp đỡ, tư vấn, anh Khang lựa chọn máy tính làm công cụ kiếm sống.

Chưa có kiến thức tin học nên anh Khang còn lưỡng lự, không dám bỏ tiền ra mua máy tính mới mà mượn từ bạn bè trong xóm để tự học. Từ những việc nhỏ như nhận đăng tin rao vặt trên mạng giúp anh Khang kiếm hơn triệu đồng/ tháng. Sau 2 năm, tự học, tự trau dồi kinh nghiệm cho bản thân, anh Khang đã nhận được nhiều “hợp đồng” đăng bài trên website với thu nhập ổn định hơn 4 triệu/tháng.

Cuộc sống tưởng như đã êm ả, bất chợt năm 2018 vợ anh Khang quyết định li hôn để lại cậu con trai bé bỏng cho anh nuôi. Cuộc sống muôn phần khó khăn dồn lên vai người đàn ông tật nguyền. Dù vậy, anh Khang luôn giữ thái độ sống lạc quan, yêu đời, ngày ngày chăm chỉ bên chiếc máy tính kiếm thêm thu nhập nuôi con.

Từ ngày bị bệnh, anh Khang chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, thường xuyên tập hít thở để phổi không bị xẹp dính và không khó thở khi thời tiết thay đổi.

Dù hoàn cảnh khó khăn, bản thân mang bệnh tật lại nuôi con nhỏ nhưng anh Khang luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Anh Khang chia sẻ, xung quanh còn nhiều người khổ hơn mình rất nhiều. Vì thế, mình còn đôi tay để làm việc, còn trái tim để yêu thương thì phải cố gắng, phấn đấu.

Nhìn lên bức ảnh cậu con trai kháu khỉnh treo trên tường, anh Khang tươi cười giới thiệu: “Nó đấy. Tuy mới học lớp 2 nhưng con trai rất hiểu chuyện và thương bố. Ngoài thời gian đi học, cháu còn phụ giúp bố vệ sinh cá nhân và lo nhiều việc trong nhà”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khôi phục mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ 3D.

Khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn

GD&TĐ - Các mô hình học máy sau khi được huấn luyện sẽ học cách xây dựng các mô hình 3D mộc bản bị mất từ bản in 2D đang được lưu trữ, để phục dựng lại.