Ý chí vươn lên thoát nghèo
Trước đây, gia đình ông Đỉnh là một trong những hộ thuộc diện nghèo của xã Tân Lập, huyện Vũ Thư. Dù siêng năng, cần cù nhưng vẫn không thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống gia đình ông chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, ngô cho thu nhập thấp.
Năm 1997, ông Đỉnh biết tới nghề trồng nấm qua một người bạn ở Đắk Lắk. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng nấm cao hơn so với trồng lúa, trồng ngô nên ông đã quyết định vượt hơn 1000km đến Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk) để học hỏi kỹ thuật trồng nấm sò trên giá thể mùn cưa cao su.
“Hoàn cảnh khó khăn đã nên đã hun đúc cho tôi ý chí vươn lên thoát nghèo. Những năm tháng ở Đắk Lắk chính là điều kiện để tôi tích luỹ kinh nghiệm và nung nấu ý định trở về quê hương làm giàu từ nghề trồng nấm”, ông Đỉnh nói.
Năm 1999, ông quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với số vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng được vay từ anh em họ hàng và Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ.
Ông Đỉnh cho biết, mới đầu kinh nghiệm chưa có, môi trường sống và nhiệt độ khác nhau, nguyên vật liệu khan hiếm khiến nấm cho năng suất thấp khiến gia đình bị thua lỗ nặng nề.
Mặc dù thất bại nhưng ý chí không cho phép ông từ bỏ, ông quyết định tạm xa quê hương vào Gia Lai tiếp tục nghề sản xuất nấm.
Theo ông, miền đất Tây Nguyên nắng gió, nhiều mùn cưa cao su rất thuận lợi để gia đình ông phát triển nghề trồng nấm. Từ đó, ông học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm, ấp ủ mang nấm sò về quê hương, làm giàu trên mảnh đất nơi mình sinh ra.
Từng bước vượt qua khó khăn và thành công với nghề trồng nấm ở xa quê. Năm 2018, gia đình ông Đỉnh quyết định trở về, khôi phục sản xuất nấm ngay tại quê hương.
Bà Phạm Thị Nga - vợ ông Đỉnh cho biết, hai năm đầu, việc khôi phục sản xuất nấm của gia đình gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khí hậu miền Bắc thường thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến phát triển của cây nấm, chi phí sản xuất nấm tăng cao…
Tuy nhiên, nhờ nắm chắc kỹ thuật, dày dặn kinh nghiệm trồng nấm nên gia đình đã vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động nhưng ông Đỉnh vẫn sản xuất được 10 đến 15 vạn bịch nấm/lứa, cung cấp ra thị trường trên 10 tấn mộc nhĩ tươi, 2 tấn mộc nhĩ khô và 80 đến 90 tấn nấm sò các loại.
Sản lượng lớn, chất lượng tốt, quy trình sản xuất an toàn nên nấm được sản xuất đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó. Thị trường chủ yếu gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Sơn La…
Hiện nay, gia đình ông Đỉnh có 2000m2 với 4 nhà trại trồng nấm sò và các giàn treo bằng sắt kiên cố, giàn hấp bịch phôi, cùng nhiều máy móc thiết bị hiện đại được xây dựng theo quy trình khép kín, quy mô 200 tấn nguyên liệu/năm.
Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình ông thu lãi 400-500 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Đưa nấm sò thành sản phẩm OCOP
Ngoài mục tiêu thoát nghèo bền vững, ông Đỉnh còn khát khao thực hiện mô hình trồng nấm hữu cơ nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường và tạo ra sản phẩm mang thương hiệu, dấu ấn riêng của làng quê Tân Lập.
Ông Đỉnh giới thiệu quy trình chăm sóc nấm của gia đình. |
Cách đây 4 năm, ông Đỉnh còn phải mua giống về cấy ghép, thì nay ông tận dụng được nguồn sản xuất bịch phôi nấm sò trên giá thể mùn cưa cao su để tự nhân giống.
Mặc dù ươm giống nấm đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ nhưng nhờ đam mê và chịu khó tìm hiểu, thực hành, ông Đỉnh là một trong số ít có thể thực hiện toàn bộ khâu nhân giống nấm, từ giống cấp 1 đến giống cấp 4.
Không chỉ chủ động trong quá trình sản xuất của gia đình, mỗi năm ông còn cung cấp 30.000 bịch phôi nấm cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Đỉnh, nấm sò cho năng suất, chất lượng cao từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau. Nhờ tuân thủ khắt khe trong quá trình trồng nấm nên nấm của gia đình ông Đỉnh phát triển tốt, không sâu bệnh.
Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, ông Đỉnh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người đi sau, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông cho biết, để tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới, ông sẽ đầu tư thêm các loại nấm, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân quanh vùng, cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa, mô hình trồng nấm trên giá thể mùn cưa cao su của gia đình ông Đỉnh còn là “điểm sáng” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền địa phương đang hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, quy trình sản xuất theo quy chuẩn để các sản phẩm nấm của gia đình ông Đỉnh sớm đạt tiêu chuẩn OCOP.