Chống “Yàng” để cứu mạng sống những sinh linh
Vào một buổi chiều se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi rong ruổi qua những dãy cao su bạt ngàn, co mình dưới cái lạnh của cơn gió Đông để tìm về ngôi nhà của cha Đinh Minh Nhật (SN 1962, xãIa H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Khi chúng tôi đến thì cha Nhật đã đi vắng, chỉ còn một số đứa trẻ đang tíu tít chơi đùa ngoài sân nhà. Những anh chị lớn hơn thì phụ nhau nấu cơm, dọn dẹp căn bếp của gia đình hơn 100 người. Ở góc nhà, một vài đứa trẻ tầm 2-3 tuổi nước mắt giàn giụa gọi tên cha Nhật. Mặc dù chúng tôi cố gắng dỗ dành nhưng những đứa trẻ vẫn cứ khóc ngằn ngặt đòi cha.
Do có hẹn từ trước nên chúng tôi ngồi chơi cùng các em nhỏ đợi cha Nhật về. Một lúc sau, nghe tiếng xe máy chạy vào sân, những đứa trẻ tưởng cha Nhật về nên hớn hở, chạy ùa ra. Tuy nhiên, không phải cha Nhật mà một người đàn ông trung tuổi chở theo sau là một bao quần áo chạy thẳng vào sân nhà cha Nhật. Lúc này, những đứa trẻ với vẻ mặt sung sướng, vui mừng, hò reo ầm ĩ “Thế là sắp có đồ mới để mặc đến trường rồi”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Chế (SN 1964, huyện Chư Sê) cho hay, ông hành nghề xe ôm đã được hơn 10 năm nay. Từ ngày các mạnh thường quân biết đến trường hợp của ông Nhật thì thường xuyên gửi đồ đạc, quần áo… về để giúp cha vơi bớt gánh nặng. Kể từ đó, ông Chế trở thành xe ôm chở đồ từ thiện giúp cha Nhật. Nhưng biết được hoàn cảnh của cha Nhật nên ông chẳng đòi hỏi tiền cước chở, mà cha Nhật đưa bao nhiêu ông lấy bấy nhiêu. Có những lần thấy cha thiếu thốn, ông Chế sẵn sàng chở miễn phí để giúp cha Nhật, cũng như mang lại niềm vui cho những đứa trẻ bất hạnh.
Khi chúng tôi đang dở chuyện với ông Chế thì cha Nhật được một người hàng xóm chở về nhà, những đứa trẻ tíu tít chạy ra ôm vai, bá cổ người cha của mình. Sau khi cất đồ đạc và dỗ dành những đứa trẻ rưng rưng nước mắt, cha Nhật ngồi xuống bộ bàn ghế đá ở sân nhà trò chuyện với chúng tôi.
Ngược dòng thời gian về nhiều năm trước, cha Nhật cho hay, vào năm 2008 trong một lần rong ruổi đi vào ngôi làng ở huyện Chư Prông để chơi, tận mắt ông chứng kiến cảnh dân làng đang chuẩn bị chôn sống một bé gái đang còn đỏ hỏn. Qua dân làng, ông được biết, bé gái mới sinh được 2 ngày thì mẹ qua đời nên dân làng đã làm theo tục lệ là chôn đứa trẻ theo mẹ.
Lúc này cha vô cùng bất ngờ và bàng hoàng trước cách làm của dân làng nơi đây. Chỉ thoáng chốc, cha không chút đắn đo mà xông vào giành giật lại mạng sống của đứa trẻ. Tuy nhiên, sau đó dân làng không đồng ý để cha mang đứa trẻ đi nên cha Nhật phải năn nỉ và nộp phạt vạ một con heo 50 kí cúng Yàng, khi đó đứa bé mới được an toàn về nhà cha.
Sau khi đưa đứa bé về nhà, do thiếu sữa mẹ nên đứa bé khóc không ngừng nghỉ, khi đó cha Nhật phải chạy đi khắp nơi xin sữa. Qua thời gian dài chăm sóc, hi sinh giờ đây đứa trẻ đỏ hỏn ngày nào đã lớn và được cha đặt tên là Đinh Hồng Phúc.
“Tôi đặt tên cho con là Phúc bởi vì con may mắn được giữ lại mạng sống sau khi vượt qua được những hủ tục. Tôi cũng hi vọng sau này lớn lên con sẽ là một người biết thương yêu giúp đỡ người khác”, cha Nhật chia sẻ.
Mỗi người con là một kí ức
Góc học tập cha Nhật làm cho các con của mình. |
Cũng năm 2008, cha Nhật đi vào làng và phát hiện một đứa bé sinh ra mà không có hậu môn, bị cha mẹ vứt bỏ bên đống rác vệ đường. Lúc đó, khắp người đứa trẻ bị ruồi bu kín nên cháu bé chỉ thoi thóp nằm thở. Thấy vậy nên cha đã cởi áo của mình trùm cháu bé lại và đưa về nhà nuôi dưỡng.
Thương cháu bé bất hạnh nên cha đã gửi lại các con ở nhà nhờ bà con hàng xóm chăm sóc để đưa cháu bé xuống TP HCM để phẫu thuật, tạo hậu môn giả bên hông. Những tháng ngày tại bệnh viện, cha Nhật phải chạy khắp nơi xin sữa cho cháu và chật vật để lo viện phí chữa trị. Tuy nhiên, sau khi được đưa về nhà, đứa trẻ nay được gọi là “thúi” vẫn không tỉnh táo và nhận thức được do mắc bệnh Down. Mọi sinh hoạt ngày của “thúi” đều được cha và các anh chị trong nhà giúp đỡ.
Khi được hỏi về những người con của mình, cha Nhật cho hay, mỗi người con là một kỉ niệm, là một kí ức mà cha không thể nào quên được.
“Khi ở giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết, bản thân tôi là một con người nên không đành lòng nhìn những đứa trẻ bị vứt bỏ bên vệ đường hay không có cha mẹ bảo bọc.
Cứ như vậy, khi thấy hoàn cảnh nào bất hạnh tôi đều cố gắng nhận các cháu về nuôi để các cháu có được cuộc sống như những đứa trẻ khác.”, cha Nhật nghẹn ngào nói.
Theo cha Nhật, những đứa trẻ đến với cha mỗi người một tính cách và có cách nhận thức riêng nên giáo dục các em là rất khó. Tuy nhiên, cha Nhật nghĩ rằng những đứa trẻ này đa phần thiếu thốn tình cảm gia đình nên cha dạy các em bằng cách “giáo dục cảm xúc”. Do đó, sau khi các em học trên trường về, thời gian rảnh rỗi cha bổ sung kiến thức trường lớp, đồng thời đan xen dạy các em về tình người. Bên cạnh đó, cha thường kể cho các em nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, cho nghe những bài hát ý nghĩa, nhân văn để các em học được những điều hay, lẽ phải.
Đang dở câu chuyện với chúng tôi, bất ngờ em Kpă Hùng (19 tuổi) lên cơn động kinh, co giật, lăn lộn trên hiên nhà. Ngay lập tức, cha Nhật chạy tới, dỗ dành, ôm chặt Hùng vào lòng của mình. Sau vài phút Hùng trở lại bình thường thì cha Nhật đưa Hùng vào phòng nghỉ ngơi.
Cha Nhật kể, Hùng đã ở với cha được 12 năm nay, tuy nhiên lâu lâu Hùng lại lên cơn động kinh. Do đó, cha và những đứa trẻ khác phải để ý những hành động và cử chỉ của Hùng để phát hiện kịp thời cơn động kinh nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo cha Nhật không chỉ Hùng bị bại liệt, không thể đi lại và tự chủ được sinh hoạt của mình, mà hiện nay trong 102 người con của thầy cũng có một vài em bị bại liệt bẩm sinh hoặc bị các căn bệnh quái ác khác.
“Hiện giờ ‘gia tài’ của tôi đã là 102 người con, không chỉ những đứa trẻ bị cha mẹ vứt bỏ tôi mới nhận về nuôi mà ngay cả những gia đình nào đông con, không có tiền để lo cho các em ăn học thì đưa các em về cho ăn học đàng hoàng.
Sau bao năm có các con bên cạnh, được thấy các con lớn lên, học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi chỉ hi vọng rằng sau này các con lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội và biết quý trọng tình cảm giữa con người với con người.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn những bậc làm cha làm mẹ hãy biết yêu quý những đứa con mà mình khó nhọc đẻ ra. Mặc dù những đứa trẻ khiếm khuyết nhưng cũng là một sinh linh cần được che chở, bảo bọc. Bên ngoài kia có rất nhiều người muốn có con mà không được nên những ai được trời ban cho thì hãy cố gắng trân trọng.”, cha Nhật bộc bạch.
Đưa ánh mắt nhìn về những đứa trẻ thiếu thốn, bất hạnh, cha Nhật rưng rưng nước mắt cho hay, cũng nhờ chính quyền địa phương, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp đỡ nên cha mới có đủ kinh phí và nghị lực để nuôi được 102 người con khôn lớn nên người như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Đương, chủ tịch xã Ia H’lốp cho biết, cha Nhật là một tấm lòng hảo tâm tại địa phương, hiện nay cha đang nhận nuôi hơn 100 người con, trong đó có những trẻ bị bố mẹ bỏ rơi và một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Theo ông Đương, nhờ cha Nhật mà nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt được đến trường đi học, những em khác được đi học nghề để có công việc ổn định, giúp đỡ bản thân và gia đình bớt khó khăn hơn.
Nhận thấy việc làm của cha Nhật có ích cho xã hội, do đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ cha về những thủ tục hành chính…