Những cung đường “vàng” cao nguyên

GD&TĐ - Giữa đất trời cao nguyên lộng gió, hoa dã quỳ vàng trải rộng khắp các sườn đồi đã xua tan bao mệt mỏi của du khách. Sau thời gian “3 cùng”: ăn, ở, ngủ cùng hoa, du khách nào cũng mong một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Hoa dã quỳ vàng ruộm ven đường
Hoa dã quỳ vàng ruộm ven đường

Thời điểm này, ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, hoa dã quỳ đang nở rộ. Trên khắp các cung đường đến với đất và người cao nguyên, ở đâu cũng gặp hoa dã quì vàng ruộm. Hoa dã quỳ bên những cung đường ngoằn nghoèo giữa sườn đồi. Hoa dã quỳ trải dài như tấm thảm vàng khổng lồ nối tiếp từ vạt đồi này đến vạt đồi kia. Hoa dã quỳ trong quán cà-phê, ngoài công viên, bên bờ ruộng lúa…

Trong hàng trăm khoảng đồi, sườn núi, ven đường, bờ ruộng… có một nơi đặc biệt luôn “níu chân” du khách du lịch thập phương đó là núi Chư Đăng Ya, đây là địa danh nổi tiếng của Gia Lai và được coi là “thủ phủ” của hoa dã quỳ.

Núi Chư Đăng Ya vốn là ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động nằm hàng ngàn năm nay. Núi cách TP Pleiku khoảng 30km về phía Bắc, thuộc làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Từ trung tâm TP Pleiku quay mặt về hướng Bắc, núi Chư Đăng Ya ẩn mình sau lớp sương mờ. Trên miệng núi lửa đã ngủ im ấy là một vùng đất đỏ bazan rộng lớn phủ kín bắp đỏ, dong riềng, ngô khoai… do người dân bản xứ nơi này trồng trọt.

“Làm duyên” với loài hoa vàng độc đáo
“Làm duyên” với loài hoa vàng độc đáo
Lãng mạn giữa đất trời

Lãng mạn giữa đất trời

Chẳng biết chính xác từ khi nào, núi lửa Chư Đăng Ya “bỗng dưng” vàng rực bởi loài hoa dã quỳ. Từ khi núi lửa Chư Đăng Ya trở thành địa danh du lịch, thì người dân bản địa đã trồng hoa dã quì để “hút” khách du lịch, song hơn 80% là hoa mọc tự nhiên. Khách thập phương đến Gia Lai nếu chưa lên miệng núi lửa ngắm hoa dã quì thì coi như chỉ đến Gia Lai một nửa.

Cuối tháng 11 dương lịch, hoa dã quỳ bắt đầu tàn phai, song triệu triệu cánh hoa vàng vẫn khoe sắc lung linh giữa cao nguyên lộng gió. Ngoài “ăn-ngủ-nghỉ” cùng hoa, du khách cũng đắm chìm với lễ hội cồng chiêng, xem những chàng trai dân tộc Gia Rai tạc tượng bằng gỗ rừng, xem những cô gái dân tộc Mơ Nông dệt vải, hoặc ngắm những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi giữ đất, giữ rừng và không quên thưởng thức món cơm lam, gà nướng, rượu cần do người dân bản xứ làm.

Gia Lai bây giờ là đỉnh điểm của mùa khô hạn, song không vì thế mà khách thập phương bỏ lỡ cơ hội đến đây ngắm hoa dã quỳ. Bởi đến với Gia Lai, ngoài ngắm loài hoa giản dị này, còn đến để hít thở không khí bình yên và làm bạn với những người dân bản xứ hiền như đất, thật như đếm, quí mến du khách như người cùng một bản làng.

Mây trắng mờ sương dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya

Mây trắng mờ sương dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ