Đã ngoài 80, bà Nguyễn Thị Tề (1933) vẫn đi lại thoăn thoắt, nói chuyện sang sảng, vẫn tích cực hoạt động đoàn thể, vẫn hòa giải mâu thuẫn trong khu phố. Khen bà khỏe mạnh, bà khoe luôn: “Các con cháu hòa thuận, yêu thương nhau nên tinh thần thoải mái, với lại tôi vận động không ngừng nghỉ nên mới được thế.
Cách đây mấy tháng tôi bị ngã, chùn cả đốt sống, tưởng chẳng đi nổi nữa, thế mà đi đến ông lang nắn xương, nằm hơn chục ngày giờ lại khỏe bình thường rồi!
Thế mà cũng có lúc hơi lẫn rồi đấy các bác ạ, như đợt trước, lĩnh lương hưu về, chả hiểu nghĩ thế nào mà tôi bỏ cả sổ cả tiền vào trong tủ lạnh, đến tháng sau tự dưng lôi ra, vẫn còn nguyên tiền với túi nilon trong ấy!”
Bà Tề bảo, chuyện đại gia đình bà sống cùng nhau, người ta thấy lạ, chứ bà thấy bình thường. Bà lý giải rất đơn giản: “chúng tôi là người nhà quê nên vẫn giữ nếp quê của các cụ xưa”.
Chốn “nhà quê” mà bà bảo, quê gốc của cả ông cả bà, là làng Cót, Cầu Giấy chứ nào phải xa xôi gì! Gia đình bà chuyển lên phố Hàng Cân ở từ năm giải phóng, đến giờ đã 60 năm.
Bức tranh chữ Hiếu và những lời dạy của Khổng Tử cùng các giấy khen, giấy chúc thọ bà Tề được treo nghiêm cẩn trên tường như lời răn con cháu.
60 năm, từ một gia đình nhỏ với 5 người con, 3 trai, 2 gái, cái nếp nhà trên phố Hàng Cân đã trở thành nơi trú ngụ của 6 gia đình nhỏ, nhưng sự đầm ấm thì vẫn không thay đổi.
Bà khoe, hồi còn ông còn sống, hai ông bà lúc nào cũng gọi nhau anh – em, tương kính như tân, nói chuyện với nhau luôn nhẹ nhàng, đối xử với con cái cũng thế, chẳng quát mắng, đánh đòn con bao giờ. Các con, các cháu cũng noi gương ông bà, sống với nhau hòa thuận, ấm êm.
Nhớ lại những năm tháng cũ, bà Tề tâm sự: “Tôi và ông nhà đều làm công nhân, tiền lương chẳng dư dả gì, nhà cửa cũng xập xệ, muốn sửa sang cho tươm tất cũng khó chứ nói gì đến chuyện mua nhà riêng.
Ba cậu con trai lập gia đình, mỗi cậu được phân cho một phòng để ở, còn tất cả sinh hoạt khác thì vẫn chung với gia đình. Hai cậu cháu nội lấy vợ về, nhà vẫn giữ nếp ấy thôi”.
Bốn thế hệ trong đại gia đình chung sống êm ấm, thuận hòa dưới một mái nhà.
Hơn 40 năm, từ năm 1974, khi người con trai trưởng Nguyễn Viết Thành kết hôn cho đến 2005, đại gia đình bà vẫn giữ nếp ăn chung một nâm, nấu chung một bếp, dùng chung một nhà tắm.
Bà Tề bảo, chẳng nàng dâu nào thắc mắc, tị nạnh gì, vì ông bà “cầm trịch”, tiền chung của gia đình để trong tủ, ai đi chợ thì lấy ra mua bán, ai ở nhà thì nấu cơm, dọn dẹp, mỗi người một việc.
Con dâu trưởng của bà, cô Nguyễn Thị Kim Quy chia sẻ: “mỗi lần nấu cơm, nhà tôi phải dùng xoong nồi cỡ đại. Nhà thì chật, người thì đông, chẳng thể nào ăn chung một lần được, các cháu nhỏ được ưu tiên ăn trước, sau đó mới đến người lớn”.
Con dâu trưởng của bà Tề cho hay, cô và các thành viên khác trong gia đình đều kính nể bà.
Mãi đến năm 2005, 4 năm sau ngày chồng bà Tề qua đời, cũng là lúc hai cháu nội lập gia đình riêng, vì giờ giấc làm việc của các thành viên không đồng nhất, gia đình bà mới tách ra thành 3 mâm cơm, 3 cái bếp, 3 nhà vệ sinh.
Bà khoe, cái bàn tròn bằng gỗ dùng làm chỗ tiếp khách và chỗ ăn cơm, những xoong nồi đã gắn bó với bữa cơm chung mấy chục năm vẫn được giữ nguyên vẹn và thường được sử dụng trong những bữa cơm chung cuối tuần của đại gia đình.
Dù chiếc bàn tròn gắn bó với bữa cơm gia đình bà vài chục năm đã mủn gỗ, bà vẫn không muốn bỏ đi. Con trai bà chiều ý mẹ, đem bọc lại mặt bàn và thay chân cho chắc chắn.
Mọi người trong nhà cho biết, việc ăn riêng không ảnh hưởng đến tình cảm, không khí của gia đình, vì các thành viên đều quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
Sâu bên trong là không gian sinh hoạt của 6 gia đình nhỏ.
Tình cảm là bí quyết giữ lửa gia đình
Sự ấm áp, thuận thảo của đại gia đình bà Nguyễn Thị Tề toát ra từ cách họ nhìn, họ nói về nhau. Nếu không được giới thiệu, khách đến nhà bà Tề sẽ không biết chính xác ngôi thứ của các thành viên, vì tất cả cháu nội, cháu ngoại bà đều gọi người trên là bố, là mẹ, thay vì gọi bác, gọi chú hay cô, dì.
Ở đó, gần như không có chuyện phân biệt trai – gái, dâu – rể, mà mỗi người là một thành viên được tôn trọng, được lắng nghe, trên kính dưới nhường.
Bà Tề bật mí, bí quyết của gia đình bà chỉ đơn giản là trọng tình cảm. “Chẳng cứ gì con cháu, kể cả với bạn bè của gia đình cũng vậy, chúng tôi cũng quý mến, chăm sóc họ như người nhà. Hồi tôi và ông nhà còn trẻ, nhà chúng tôi đã “nổi tiếng” khắp phố vì… lắm khách.
Có một chuyện rất vui là chúng tôi có một người con nuôi ở Huế, hồi xưa ra Hà Nội tập kết, đi học ở đây, sau khi về Huế vẫn giữ liên lạc, rất thân thiết với gia đình.
Đến khi con gái cậu ấy ra Hà Nội học, cô bé cũng rất thân với nhà tôi, và đã sống ở nhà này hơn 10 năm rồi!” Đó là bà đang nói về cô cháu dâu “đích tôn” Trần Thị Diệu Hoa.
Chị Diệu Hoa là thế hệ thứ ba sống trong gia đình tứ đại đồng đường.
- Mẹ chồng chị Hoa, cô Kim Quy cũng bày tỏ: “40 năm làm dâu của tôi… nhẹ tênh vì đã có bà lo lắng chu toàn mọi việc, chỉ đạo hết, tôi chỉ việc thi hành thôi. Đến khi có con dâu, con dâu tôi lại chăm chỉ, biết việc nên tôi cũng không vất vả mấy”.
Cô tâm sự, “chỉ hai thế hệ sống cùng nhau đã thấy khác biệt, đằng này là bốn thế hệ, mỗi thế hệ có quan điểm riêng, cách sống riêng, không thể tránh những chuyện lặt vặt, nhưng chẳng có chuyện to tiếng, tranh cãi bao giờ”.
Không gian nhỏ hẹp của phòng khách - phòng ăn chung đồng thời là nơi hai cô con dâu của bà Tề chung nhau bán văn phòng phẩm. Phía ngoài cùng, gia đình bà cho thuê làm cửa hàng bán đồ chơi.
- Các con, các cháu trong gia đình bà Nguyễn Thị Tề đều thành đạt, có người là Đảng viên. Ngoài cái tình mà bà nhắc đến, sự thành công của các thành viên trong gia đình có lẽ là sự gương mẫu của chính bà.
- Là cán bộ của Hội Phụ nữ phường Hàng Đào, bà cụ hơn 80 này vẫn đi từng nhà vận động bà con tham gia các hoạt động, quyên góp hoặc đứng ra tổ chức cho các thành viên trong Hội đi du lịch.
- Mỗi lần Hội đi đâu, bà toàn tự liên hệ lái xe, tự thuê xe, đặt cơm nắm, làm ruốc để các cụ ăn sáng đấy; thỉnh thoảng còn đi hòa giải mâu thuẫn trong khu phố nữa.
Một bữa cơm trưa của gia đình tứ đại đồng đường.