Người bệnh tâm thần đang bị lợi dụng

GD&TĐ - Lâu nay, người mắc bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh (gọi chung là tâm thần) thường phải giấu kín bởi họ sợ sự kỳ thị của cộng đồng. Có những người vì sợ nên dù bệnh nặng nhưng cố âm thầm chịu đựng. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại có chuyện ngược đời. Đó là việc nhiều người công khai việc mình bị tâm thần, bỗng dưng bị tâm thần… vì mục đích nào đó.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bỗng dưng… mắc bệnh

Tuần đầu tháng 8, một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin liên quan đến công tác khám, chữa bệnh tâm thần, giả hồ sơ bệnh án để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Để làm rõ đường dây chạy bệnh án tâm thần cho những đối tượng trên, từ đầu năm 2017, Công an Hà Nội đã vào cuộc xác minh và một số đối tượng dần lộ diện. Đó là đối tượng Lê Thanh Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi gây ra vụ án cố ý gây thương tích có tính chất côn đồ đã xuất trình bệnh án tâm thần. Theo bệnh án trên, bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Tuy nhiên, bệnh án trên được cơ quan chức năng xác định là giả, do một bệnh viện cung cấp với cái giá khiến nhiều người giật mình.

Sau khi báo chí đăng tải thông tin trên, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn Hà Nội. Theo báo cáo của đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, ngày 12/6/2018, bệnh viện nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) về việc khởi tố bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của bệnh viện là BSCK 2 Thân Thái Phong, Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn - kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, sau khi nhận được thông báo, bệnh viện đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong. Tuy nhiên, cho đến nay bệnh viện vẫn chưa nhận được thông báo của Công an Hà Nội về kết quả điều tra đối với 2 viên chức trên.

Ngoài 2 thông báo về việc khởi tố bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của bệnh viện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng nhận được công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện đã tiến hành kiểm tra, cung cấp thông tin cho Công an thành phố và đang phối hợp rà soát lại 94 hồ sơ để xem có bệnh án giả mạo hay không.

Kiểm soát chặt quy trình chẩn đoán bệnh

Công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Từ trường hợp trên cho thấy đã có người lợi dụng căn bệnh trên để vì mục đích cá nhân, đối phó với cơ quan pháp luật. Trong khi chờ cơ quan điều tra chính thức công bố kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu quan điểm: Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Bộ Y tế yêu cầu các bác sỹ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác. Bộ cũng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành Tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

Việc người khỏe mạnh làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần được nhiều người nhắc đến. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng các bệnh viện trong cả nước, đặc biệt là bệnh viện tâm thần cần tin học hóa hệ thống khám chữa bệnh, lưu trữ hồ sơ bệnh án. Với bệnh án điện tử, thể hiện rõ dấu hiệu, tiền sử người bệnh cũng như quá trình theo dõi, điều trị, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng làm giả, lạm dụng hồ sơ, bệnh án tâm thần vì mục đích khác nhau như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.