Người bản địa châu Mỹ đến từ Siberia?

GD&TĐ - Các nhà khoa học vừa tiến hành một cuộc nghiên cứu nhằm giải đáp các câu hỏi về con người đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ vào lúc nào và như thế nào.

Nghiên cứu so sánh răng của người Jomon, Nhật Bản và người bản địa châu Mỹ.
Nghiên cứu so sánh răng của người Jomon, Nhật Bản và người bản địa châu Mỹ.

Bằng cách phân tích các mẫu DNA và hàng trăm chiếc răng cổ đại, họ kết luận, người Mỹ bản địa không có nguồn gốc từ người Jomon Nhật Bản, như những giả thuyết trước đây.

Giả thuyết về nguồn gốc Nhật Bản

Các dân tộc châu Mỹ bản địa từ lâu đã được cho là có nguồn gốc từ vùng biển Đông Bắc Á, chẳng hạn như Nhật Bản. Bằng chứng khoa học về giả thuyết này dựa trên nghiên cứu các hiện vật bằng đá được phát hiện ở Bắc Mỹ, Nhật Bản và các khu vực khác của Đông Bắc Á.

Trên thực tế, các nhà khảo cổ học từ lâu tin rằng người Mỹ bản địa là hậu duệ của người Jomon ở Nhật Bản, một quần thể săn bắn hái lượm thời tiền sử.

Người Jomon đã chiếm đóng Nhật Bản cổ đại cách đây 15 nghìn năm, cùng thời điểm con người đến Bắc Mỹ qua cầu Bering Land, một dải đất từng nối Nga với Bắc Mỹ, trước khi mực nước biển dâng cao nhấn chìm nó.

Theo Sci News, vào năm 2019, các nhà khoa học đã khai quật được 189 hiện vật bằng đá ở tầng khảo cổ thấp có niên đại từ 15 - 16 nghìn năm về trước, ở Cooper’s Ferry, phía Tây Idaho (Mỹ).

Nhà nghiên cứu Loren Davis, cho biết: “Các hiện vật được phát hiện tại Cooper’s Ferry có hình thức rất giống với các hiện vật cổ hơn được tìm thấy ở Đông Bắc Á, đặc biệt là ở Nhật Bản”.

Các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết, những người săn bắn hái lượm có nguồn gốc từ Nhật Bản này đã sang châu Mỹ, dọc theo bờ biển phía Bắc Thái Bình Dương, đến Tây Bắc châu Mỹ qua cầu Bering Land.

Trong khi đó, trang Ancient - Origins đã tường trình về một nghiên cứu vào tháng 4/2021, sử dụng bản đồ mực nước biển tái hiện thời cổ để lập luận, “thay vì đi qua một đoạn đường bộ khắc nghiệt trên vùng đất liền Bering, những người đầu tiên đến Mỹ đã vượt qua một chuỗi các hòn đảo”. Ý tưởng này được gọi là giả thuyết Stepping-Stones.

Giả thuyết trên gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, không chỉ trong giới khoa học, mà cả những người Mỹ bản địa, họ cho rằng chúng “đơn giản hóa” và “thiên về văn hóa”. Qua nhiều thập kỷ, các nhóm khoa học đã vào cuộc tranh luận, với những bằng chứng mới, làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của người Mỹ bản địa và sự di cư vào châu Mỹ.

Xuất phát từ Siberia?

Người bản địa châu Mỹ.

Người bản địa châu Mỹ.

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Paleoamerica, tập trung vào việc phân tích những chiếc răng người tiền sử. Theo nhà khoa học Richard Scott của Đại học Nevada, nghiên cứu đã khai thác từ cơ sở dữ liệu hình thái răng hiện có, đánh giá cấu trúc, hình thức của hàng trăm chiếc răng nhằm kiểm tra mối quan hệ được đặt ra giữa người Jomon Nhật và người Mỹ bản địa.

Scott và nhóm của ông đã sử dụng chương trình mới do một nghiên cứu sinh người Bồ Đào Nha phát triển để phân tích số răng được phát hiện ở châu Mỹ, châu Á và Thái Bình Dương.

“Về cơ bản, nó là thuật toán Bayes được thiết kế để tính toán xác suất một cá nhân thể hiện các đặc điểm hình thái của một trong năm nhóm địa lý - Đông Á, Mỹ Bắc Cực, Mỹ không Bắc Cực, Đông Nam Á và Austral-Melanesian”, Scott giải thích.

Bằng cách sử dụng phương pháp mới này, Scott và nhóm của ông kết luận, người Mỹ bản địa trên thực tế không phải là hậu duệ của người Jomon ở Nhật Bản. Người Jomon rất khác biệt so với bất kỳ người Mỹ bản địa nào.

Răng của họ có hình dạng và hướng mọc khác nhau. Trên thực tế, chỉ có 7% số răng của người Jomon được phân tích có điểm giống với các mẫu của người Mỹ bản địa.

“Việc phân tích các đặc điểm răng và DNA bên trong răng cho thấy, người Mỹ bản địa không có quan hệ họ hàng gần gũi với người Jomon, nhưng họ có thể là hậu duệ của một nhóm không rõ khác từ Đông Á”, Scott nói.

Các nhà nghiên cứu nêu giả thuyết, tổ tiên của người Mỹ bản địa đến từ xa hơn về phía Bắc, gần Siberia, dựa trên những điểm tương đồng giữa răng của người Mỹ bản địa và người Siberia cổ đại.

Họ cho rằng công trình nghiên cứu của mình phù hợp với giả thuyết Beringian Standstill, theo đó những người Siberia cổ đại đã đến Beringia khoảng 25 nghìn năm trước, và họ bắt đầu di cư về phía Nam cách nay khoảng 15 nghìn năm.

Nghiên cứu cũng thảo luận sự giống nhau về di truyền giữa các quần thể người Siberia và người Mỹ bản địa cổ đại. Sự phân tích này cũng tìm thấy rất ít điểm tương đồng giữa người Jomon Nhật Bản và người Mỹ bản địa cổ đại.

Bằng chứng về gene và răng dường như mâu thuẫn với lý thuyết về thổ dân châu Mỹ có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Scott cũng cho biết nghiên cứu của nhóm chỉ giới hạn ở răng của người Jomon và các mẫu DNA có niên đại cách đây chưa đầy 10 nghìn năm, sau khi con người đã đến châu Mỹ.

Kết quả của nghiên cứu mới dường như hỗ trợ cho một lập luận khoa học rằng, con người đã đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, tiến vào châu Mỹ sớm hơn nhiều so với những gì được tin trước đây.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2021, cho thấy, dấu chân người có niên đại 23 nghìn năm đã được khai quật ở New Mexico, điều này sẽ đẩy lùi thời gian di cư của con người vào châu Mỹ thêm 10 nghìn năm.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính xác tổ tiên của người Mỹ bản địa ở Đông Á là ai. Scott cho biết: “Có khả năng nhất, họ xuất phát ở nơi mà nhiều người gọi là Greater Beringia, một khu vực Đông Bắc Á nối với cầu Bering Land và hiện nằm trong vùng Siberia ngày nay. Nhưng tại thời điểm này, có rất ít tàn tích từ khu vực trên được phát hiện, vì vậy khó có thể nói chính xác”.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.