Đồ đồng châu Âu cổ đại và châu Mỹ cùng “một mẹ”?

GD&TĐ - Theo một số nghiên cứu mới đây, khoảng 2.500 năm trước Công nguyên (TCN), châu Âu xuất hiện một lượng lớn đồng không rõ nguồn gốc. Điều này dẫn đến giả thuyết cho rằng châu Âu có thể đã mua đồng từ châu Mỹ.

Mô hình phục dựng con tàu đắm ở Uluburun cùng hàng hóa tại Bảo tàng Khảo cổ học dưới nước Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ).
Mô hình phục dựng con tàu đắm ở Uluburun cùng hàng hóa tại Bảo tàng Khảo cổ học dưới nước Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ).

Các mỏ đồng ở Bắc Mỹ đã được người bản địa khai thác rất lâu trước khi các đội quân thực dân châu Âu chinh phục những vùng đất này. Những mỏ đồng này có chất lượng rất tốt, thậm chí một số mỏ ở Michigan (Hoa Kỳ) sở hữu đồng tự sinh có độ tinh khiết đạt 99,5%.

Để đạt được mức độ này, nguồn đồng khai thác được phải có độ tinh khiết cao, hoặc phải trải qua quá trình chế xuất hết sức phức tạp.

Trong các cuộc khai quật một xác tàu đắm ở Uluburun, ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khoa học đã phát hiện 10 tấn đồng thành phẩm có độ tinh khiết tương đương. Do đó, một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng số đồng này có thể có nguồn gốc từ châu Mỹ. 

Nguồn gốc những mỏ đồng ở Michigan

Ở thời kỳ tiền sử, vùng Ngũ Đại Hồ ở biên giới Hoa Kỳ – Canada hứng chịu nhiều vụ phun trào núi lửa lớn, thúc đẩy quá trình kết tinh đồng và tạo ra các mỏ đồng lớn, đặc biệt ở Michigan. Sau kỷ Băng Hà, dưới tác động của nhiệt độ và các tảng băng, các quặng đồng dần được đẩy lên trên mặt đất, và vì thế, chúng được gọi là “đồng nổi” (float copper).

Các nhà khảo cổ đã phát hiện gỗ xây nhà trong một số di chỉ mỏ đồng ở Isle Royale và Keweenaw thuộc bang Michigan, từ đó xác định được việc khai mỏ bắt đầu từ khoảng 2.500 năm TCN và kết thúc đột ngột vào khoảng năm 1200 TCN.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân về sự kết thúc đột ngột này, nhất là khi trữ lượng đồng ở đây vẫn còn rất lớn. Ở những nơi khác, thổ dân da đỏ duy trì việc khai thác đồng ít nhất cho đến thế kỷ XVII, khi họ tiếp xúc với thực dân châu Âu.

Một số giả thuyết cho rằng, trước khi người Mỹ bắt đầu khai thác đồng ở Michigan, người da đỏ đã khai thác hàng trăm tấn đồng. Một số nhà khảo cổ phản bác luận điểm này vì cho rằng các chứng cứ vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu đều đồng ý rằng, các mỏ đồng ở Michigan có trữ lượng khổng lồ.

Việc phát hiện tảng đồng Ontonagon nặng 1.682 kg với thành phần chủ yếu là đồng tự sinh vào năm 1667 trở thành minh chứng sống động về sự giàu có của các mỏ đồng ở Michigan. Người da đỏ bản xứ từ lâu đã coi các tảng đá đồng như là một vật thiêng của bộ lạc và thờ phụng chúng, tảng đồng Ontonagon cũng không phải ngoại lệ.

Việc phát hiện tảng đồng Ontonagon đã thúc đẩy cơn sốt đồng ở giữa thế kỷ XIX, và nhờ đó vùng khai thác đồng ở Thượng Michigan trở nên nổi tiếng với tên gọi “Quốc gia Đồng” (Copper Country) với sản lượng dẫn đầu thế giới.

Tảng đồng Ontonagon, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian (Hoa Kỳ), năm 2011.

Tảng đồng Ontonagon, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian (Hoa Kỳ), năm 2011. 

Đồng ở châu Âu cổ đại

Việc lấy đồng ở châu Âu bắt đầu từ khoảng 4.500 năm TCN, với cách làm chủ yếu là đun chảy quặng. Các quặng đồng ở châu Âu thường có độ tinh khiết khoảng 15% và lẫn các tạp chất như chì. Sản phẩm từ đồng khai quật được trong giai đoạn này thường là các mảnh đồ dùng, lưỡi rìu vỡ, hay các cục đồng được tái chế từ đồ bỏ đi.

Một báo cáo cho biết, các nhà khoa học Đức khi nghiên cứu đã thực hiện 12.000 phân tích hóa học để xác định nguồn gốc của các sản phẩm này. Mặc dù không đạt được kết quả mong muốn, tuy nhiên họ đưa ra kết luận rằng, những kho trữ đồ đồng cổ đại tìm thấy ở miền Bắc nước Pháp và Đông Nam nước Anh có thể liên quan đến sự xuất hiện của đồng thỏi.

Đồng thỏi là một vật thường thấy ở các kho trữ đồ đồng, thường có độ tinh khiết cao và lẫn rất ít tạp chất.

Khi nói về đảo Anh thời kỳ đồ đồng, nhà khảo cổ Colin Burgess nhận xét: “Một điều đáng chú ý là nghề luyện kim có lẽ xuất hiện ở Đông Nam nước Anh vào cùng thời điểm với các vùng khác ở Anh, mặc dù phía Đông Nam không có nguồn quặng địa phương”.

Những thỏi đồng Uluburun

Trong cuộc khai quật ở Uluburun, các nhà khoa học và chuyên gia đã phải tiến hành hơn 22 nghìn lần lặn để xác minh và khai quật số cổ vật cùng với những gì còn lại của con tàu.

Với việc khai quật được 10 tấn thỏi đồng cùng với hàng loạt món hàng giá trị khác trên tàu, dựa trên các các văn tự cổ khai quật được ở Amarna (Ai Cập), các nhà khảo cổ đã xác định được thời điểm tàu chìm là cuối thế kỷ XIV TCN.

Vào thời điểm phát hiện ra di chỉ này, 10 tấn thỏi đồng trên tàu lớn hơn tổng khối lượng thỏi đồng cổ trong các bộ sưu tập cá nhân và bảo tàng cộng lại.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện một điều bất ngờ hơn nữa, đó là độ tinh khiết của các thỏi đồng Uluburun. Trong nhiều năm, giới nghiên cứu cho rằng, số đồng này có thể đến từ đảo Síp, một trung tâm sản xuất đồng lớn thời đó.

Nhưng đến năm 1998, các chuyên gia từ Đại học Oxford (Anh) đã nghiên cứu hóa học với 60 thỏi đồng Uluburun và đi đến kết luận: Những thỏi đồng này bao gồm hơn 99,5% đồng tinh khiết.

Andreas Hauptmann, nhà khảo cổ người Đức chuyên về kim loại đã phát hiện nhiều đặc tính riêng biệt của những thỏi đồng Uluburun trong nghiên cứu của ông và đồng sự. Chỉ có một số rất ít đồng nguyên liệu thời kỳ này có thể đạt độ tinh khiết cao như đồng Uluburun, ví dụ như ở Caucasus hay Oman.

Để đạt được độ tinh khiết cao, các thỏi đồng có thể trải qua các công đoạn gia công lặp lại liên tục, nhưng đó không phải thứ làm nên sự tinh khiết của thỏi đồng Uluburun vì thành phần hóa học của chúng khác với những sản phẩm được làm theo cách trên.

Nguyên liệu dùng để tạo ra những thỏi đồng này cũng khác với nguồn đồng có độ tinh khiết tương đương ở Caucasus và Oman. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra những khác biệt lớn giữa lượng đồng khai quật được ở Uluburun so với đồng sản xuất ở quanh vùng biển Aegean và đảo Síp – hai trung tâm sản xuất đồng nổi tiếng thời đó. 

Thỏi đồng hình da bò của người Minoan, khai quật ở đảo Crete (Hy Lạp).

Thỏi đồng hình da bò của người Minoan, khai quật ở đảo Crete (Hy Lạp).

Người vận chuyển Minoan

Người Minoan thời cổ đại nổi tiếng về khả năng buôn bán, trong đó có thể kể đến đồng, khi họ là những người kiểm soát thị trường đồng phía Đông Địa Trung Hải. Theo các nhà sử học, trong thời kỳ Tân Cung điện (thời kỳ Neopalatial hay New Palace, khoảng 1.750 – 1.500 năm TCN), Minoan chứng kiến sự gia tăng dân số ồ ạt, hàng loạt thành phố và thị trấn mọc lên, cùng với đó là sự phát triển trong cấu trúc và số lượng cung điện.

Trong các di chỉ khai quật được của người Minoan giai đoạn này, các nhà khoa học nhận thấy sự gia tăng đáng kể các thỏi đồng và xa xỉ phẩm làm từ đồng. Sự ưu việt trong các sản phẩm đồng của Minoan được thể hiện không chỉ qua các món trang sức hay những thỏi đồng, mà còn qua các loại vũ khí họ sản xuất.

Tuy nhiên, có một điều khiến các nhà sử học thắc mắc:

Minoan nổi tiếng về sản xuất và buôn bán đồng, nhưng các vùng lãnh thổ của họ không có nhiều nguồn khai thác đồng, và họ cũng thiếu thiếc để tạo ra đồng điếu. Một số tác giả nghi ngờ rằng, một vài phát hiện khảo cổ và ngôn ngữ ở Hoa Kỳ có thể liên quan đến người

Minoan. Họ cho rằng, hệ thống âm tiết của tộc da đỏ Cree ở Bắc Mỹ và chữ viết của người Maya ở Trung Mỹ có thể có nguồn gốc từ hệ thống chữ viết của người Minoan.

Ngoài ra, đã có một số báo cáo về việc tìm thấy những cổ vật có nguồn gốc Minoan ở Hoa Kỳ, mặc dù chúng đều là những báo cáo có độ tin cậy không quá cao, hoặc có thể những cổ vật này được thực dân phương Tây đem sang khi họ đến sống ở Bắc Mỹ.

Nếu những điều trên có thể được chứng minh rằng liên quan trực tiếp đến người châu Âu cổ đại, thì chúng ta có thể nói đến một mối quan hệ buôn bán hết sức lâu đời giữa hai châu lục xa xôi, rất lâu trước khi Columbus và hải đoàn của ông tới được châu Mỹ năm 1492.

Đây vẫn luôn là một câu hỏi hóc búa với các nhà nghiên cứu, nhưng cũng chính vì thế nó trở thành một đề tài hết sức thú vị khi chúng ta nói đến buổi bình minh của nền văn minh nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ