Ngược ngàn không mong “xuống núi”

GD&TĐ - Ngược ngàn, lên các bản vùng cao công tác, gần như ai cũng nuôi hy vọng có một ngày được “xuống núi”.

Mặc dù là Phó Hiệu trưởng, song cô giáo Giàng Thị Vang luôn gần gũi, thân thiết với những học trò nhỏ của mình.
Mặc dù là Phó Hiệu trưởng, song cô giáo Giàng Thị Vang luôn gần gũi, thân thiết với những học trò nhỏ của mình.

Song với cô Giàng Thị Vang, gần 30 năm “lái đò”, giờ đến tuổi sắp được nghỉ ngơi nhưng vẫn nung nấu ý tưởng mở 1 lớp học cho riêng mình trên đỉnh mây mù…

Cãi chồng chỉ vì… giấc mơ

Sinh ra, lớn lên ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên (trước là thị xã Lai Châu), cô giáo Giàng Thị Vang lại theo chồng về sinh sống ở bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Năm 1989, khi vừa tròn 21 tuổi, đứa con đầu lòng còn chưa đầy 3 tháng tuổi, cô Vang thuyết phục chồng để bế con về Mường Lay học lớp sơ cấp mầm non. Cô làm vậy bởi ngay từ nhỏ đã thầm nuôi khát vọng làm cô giáo. Hồi ấy, khi học xong, nhưng vì chưa có trường, lớp nên phải chờ mãi đến năm 1994 cô Vang mới thực hiện được ước mơ của mình. Khi đó, cô bước vào nghề dạy chữ ở quê hương anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo) trong điều kiện vô cùng khó khăn, trắc trở.

“Khi đó Pú Nhung là xã vùng cao đầu tiên của huyện được mở lớp mẫu giáo. Nhận thông báo của xã về việc lên làm hồ sơ, tôi mừng, còn chồng tôi thì nhất nhất phản đối. Nguyên nhân nhiều lắm, nhưng chủ yếu là lo tôi khổ” – cô Vang mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những ngày đầu xây dựng ước mơ như thế.

Cô Vang bảo, cái lo của chồng thì cô hiểu. Bởi từ đỉnh đèo Pha Đin (nhà ở) đến xã Pú Nhung gần 25km, đường rừng núi hiểm trở khó đi. Trong khi 2 đứa con còn nhỏ, xe không có, làm sao đến trường dạy học?! Ðắn đo nhiều, lo cho gia đình, xót con nhỏ... nhưng rồi suy nghĩ, “nếu cứ chờ gần nhà mới đi làm thì biết đến bao giờ?!”. Giấc mơ thôi thúc cô quyết tâm “cãi chồng”, khăn gói lên đường...

Tỏa Tình nằm trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ.
Tỏa Tình nằm trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ. 

Ba mẹ con tay xách nách mang, bồng bế nhau “cuốc bộ” đến trường. Khó khăn vất vả không gì kể hết, nhưng quyết tâm đã biến con đường 25km ấy thành vô nghĩa.

Những ngày đầu, cô một mình với gần 40 học sinh từ 3 - 5 tuổi. Lớp học thì tạm bợ mưa dột, gió lùa. Vì chỉ có 1 lớp, mọi việc cô Vang đều phải tự lo, dạy ra sao, dạy từ đâu, bằng cách nào? Thậm chí, cô Vang kiêm luôn cả y tá, cấp dưỡng, làm mẹ của những đứa trẻ vùng cao.

“Nhiều hôm gần trưa thấy học sinh của mình lả đi tôi hoảng quá. Hỏi ra mới biết, đêm trước bố mẹ chúng đi nương về muộn không kịp cho ăn, sáng sớm lại vội, nên để con bỏ bữa. Nghĩ thương lũ trẻ, nên tôi lại càng thấy mình cần phải cố gắng” – cô Vang tâm sự.

Thời gian đầu, mỗi tuần một lần, ba mẹ con (đứa nhỏ trên lưng, đứa lớn dắt tay) đi bộ về nhà vào chiều thứ 7. Chiều Chủ nhật lại khăn gói đến trường. Thương vợ, vụ đỗ tương năm ấy chồng cô bán hết, thu được 700.000 đồng mang tất cả đi mua chiếc xe đạp cho vợ đi. Anh mong muốn con đường đến trường của vợ sẽ ngắn lại. Nhưng nắng ráo thì đỡ, hễ mưa xuống chiếc xe lại nặng gánh hơn.

Nhớ lại những lần như thế, trên người ướt đã đành, dưới chân bùn nhão nhoét, đi không được về cũng chẳng xong, cô lại khóc. Có lần 2 mẹ con cùng ngã. May mắn đứa bé trên lưng không sao, nhưng đầu gối cô rách toạc, máu chảy xuống đỏ cả bàn chân.

“Lần đấy tôi phải nghỉ hơn một tuần mới có thể trở lại trường. Rồi từ đó, cứ mỗi lần mình đau, con ốm… gia đình lại khuyên về làm nương cho đỡ khổ, nhưng tôi không chịu. Tôi không sợ khổ, chỉ sợ không có học sinh!” – cô Vang quả quyết.

Giờ đây, phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số ở Tỏa Tình đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình.
Giờ đây, phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số ở Tỏa Tình đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình.

Cả đời là… “người đầu tiên”

Những năm tháng sống với ước mơ trôi qua như thế, song cô Vang bảo: “Cho đến giờ tôi vẫn chưa có giây phút nào nghĩ mình phải hối hận. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”. Đến nay cô giáo Giàng Thị Vang đã có gần 30 năm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, với cái duyên là “người đầu tiên”.

Cô Vang là giáo viên mầm non vùng cao đầu tiên ở huyện Tuần Giáo. Người ta mới bảo cô là người đầu tiên đón bọn trẻ đến lớp, người cô đầu tiên đồng hành cùng chúng trên con đường chinh phục cái chữ.

Vì là người đầu tiên, nên cô Vang phải gây dựng từ con số 0 (không đất, không lớp học, không bàn ghế và không có cả học sinh). Bắt đầu từ việc gặp chính quyền xã, bản để xin đất dựng trường, vận động nhân dân hỗ trợ tre, nứa, lá làm lớp tạm.

Thế nhưng, việc khó nhất với cô ngày ấy là làm sao để có học sinh. Bởi ai cũng nói “chúng còn nhỏ thế, biết gì mà học”. Cô Vang lại không nghĩ thế. Cô cứ kiên trì, bền bỉ “năm lần, bảy lượt” đi lại để tuyên truyền, thuyết phục. Có lúc cô phải lên nương làm cùng, sống cùng cuộc sống với bà con… Và thế là những gia đình đầu tiên đã đồng ý cho cô đón con họ đến lớp.

Ban đầu, cô cố gắng sưu tầm, học hỏi, tự làm đồ dùng dạy học... để thu hút và tạo hứng thú cho bọn trẻ đến lớp. Dần rồi lớp học ngày một nhộn nhịp hơn, có thời điểm lên đến hơn 40 học sinh.

Lớp đông, bàn ghế không đủ, cô Vang động viên phụ huynh tự làm ghế nhỏ cho con từ những mảnh gỗ thừa trong nhà. Cứ như thế, cô đã đặt nền móng cho ngôi trường Mầm non Pú Nhung sau này, ngày một khang trang, sạch đẹp...

Năm 2008, Trường Mầm non Pú Nhung chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường Tiểu học Pú Nhung. Ðó cũng là năm cô giáo Giàng Thị Vang, chuyển về công tác gần nhà (xã Tỏa Tình). Thời điểm đó, Trường Mẫu giáo Tỏa Tình (nay là Trường Mầm non Tỏa Tình) vừa được tách ra từ Trường THCS Tỏa Tình.

Với vai trò là Phó Hiệu trưởng nhà trường, cô Vang một lần nữa dốc sức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất xây trường. Cô kêu gọi phụ huynh góp công, vật liệu để làm lớp học. Rồi cô lại tuyên truyền vận động để trẻ đúng độ tuổi đến trường nhiều hơn, chuyên cần hơn...

Lúc đầu chỉ là 1 gian nhà tranh, sau tăng dần lên 2, 3 rồi 4 phòng học tạm. Ðến năm 2015, trên nền đất ấy, Trường Mầm non Tỏa Tình đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp theo tiêu chuẩn trường chuẩn. Cả trường có 8 phòng học, 1 phòng âm nhạc, 1 phòng máy tính và 5 gian nhà hiệu bộ được trang bị đầy đủ đồ dùng đáp ứng nhu cầu. Cô giáo Giàng Thị Vang cũng gắn bó với vùng cao Tỏa Tình từ đó.

Hôm nay, không ít những đứa trẻ ngày nào được cô Vang dẫn dắt đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Họ đã được như cô mong muốn ngày nào. Không ít người đã học cao, biết rộng và thoát ly khỏi cuộc sống nông thôn. Học trò “tung cánh” khắp nơi, còn cô Vang thì vẫn ở đó, chân chất, mộc mạc như cây thông kiên cường trong gió bão, khắc nghiệt trên những đỉnh mây mù. Cô vẫn không ngừng nuôi ý tưởng đến sau năm 2023 (nghỉ hưu) sẽ xây dựng 1 lớp học miên phí cho trò nghèo của riêng mình…

Bà Nguyễn Hương Diễm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo: “Cô Giàng Thị Vang là thế hệ giáo viên đầu tiên của trường. Cô là người luôn tận tình, tâm huyết với nghề, có nhiều năm kinh nghiệm, lại là người địa phương. Chúng tôi luôn coi cô như một tấm gương sáng để học tập và noi theo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ