Ngừng tim sau khi uống bột bào chế từ hạt cây

GD&TĐ - Bệnh nhân nữ 67 tuổi (Thanh Hóa) ngừng thở, ngừng tim ngoại viện, tổn thương não nghiêm trọng sau khi uống một loại bột được bào chế từ hạt cây.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Strychnin do sử dụng nguyên liệu thuốc nam không đảm bảo. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Strychnin do sử dụng nguyên liệu thuốc nam không đảm bảo. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nữ 67 tuổi (Thanh Hóa) ngừng thở, ngừng tim ngoại viện, tổn thương não nghiêm trọng sau khi uống một loại bột được bào chế từ hạt cây để chữa viêm dạ dày. Người bệnh được xác định ngộ độc Strychnin - một chất có trong hạt mã tiền.

Theo lời kể của con gái, người bệnh có tiền sử viêm dạ dày, nên tự xin thuốc bột từ một xưởng chế biến ở cùng thôn để chữa. Loại thuốc bột này bào chế từ hạt sang - một trong những loại hạt có tác dụng điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày và đại tràng (theo dân gian).

Sau uống, bệnh nhân xuất hiện co giật tay trái, sau tăng dần co giật toàn thân. Sau đó, cứng toàn thân, ưỡn cong người, tím tái, ngừng thở, bất tỉnh. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định tim bệnh nhân ngừng đập.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu phát hiện chất độc Strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Kết quả chụp MRI sọ, não cho thấy, bệnh nhân có những tổn thương nặng, tiên lượng khó cải thiện, di chứng do ngừng thở, ngừng tim. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị viêm phổi, tiêu cơ vân cấp.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Strychnin do sử dụng nguyên liệu thuốc nam không đảm bảo. Do hình thức hạt sang trông giống hạt mã tiền nên rất dễ nhầm lẫn, thậm chí có thể có hiện tượng cố tình dùng hạt mã tiền để thay thế do dễ kiếm và rẻ hơn hạt sang.

Strychnin là chất độc. Hạt mã tiền là cây độc. Ăn uống vào dễ gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Cây sang, có tên khoa học là Sterculia lanceolata, khác hoàn toàn với cây mã tiền có tên khoa học là Strychnos nux - vomica L.

“Chỉ có các chuyên gia về thực vật, động vật, thậm chí chuyên gia chỉ chuyên sâu về một nhóm các loại cây, hoặc con vật nhất định, mới có thể nhận dạng đúng cây, con vật.

Bản thân bác sĩ làm việc nhiều với các trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn cây, con vật, cũng chỉ khẳng định được một vài cây độc, một số loài vật độc, nấm độc, còn lại rất dễ nhầm lẫn và đều phải nhờ đến các chuyên gia”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ