Những năm gần đây, số trẻ phải nhập viện do bỏng thực quản vì ngộ độc thực phẩm, chất tẩy rửa, chất ăn mòn có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn.
Nhiều trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng
Ngày 3/10, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai uống nhầm thuốc chứa axit nguy hiểm. Bệnh nhi là bé trai 6 tháng tuổi tên Đ.M.K. (Tây Ninh).
Khai thác bệnh sử, trước đó vì tưởng lọ thuốc trị mụn cóc là ống men tiêu hóa, người nhà lấy cho bé 6 tháng tuổi uống. Ngay sau đó, bé nôn ói và khó thở, được đưa vào bệnh viện địa phương rồi chuyển lên tuyến trên.
BS CK1 Lý Phạm Hoàng Vinh - khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, ê-kíp điều trị đã nhanh chóng soi đường thở và thực quản cấp cứu cho bé. Các bác sĩ phát hiện, vùng họng bệnh nhi sung huyết, lở loét, thanh quản phù nề gây khó thở, thực quản bị bỏng độ 2.
Bệnh nhi được hỗ trợ đường thở, đặt ống sonde dạ dày và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Bé sẽ không thể ăn qua miệng mà phải uống sữa và chất lỏng qua ống sonde trong thời gian dài. Trong tương lai, trẻ cần tái khám để soi nong thực quản định kỳ, nếu bị biến chứng hẹp thực quản.
Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận bệnh nhi 34 tháng tuổi uống nhầm nước tẩy rửa xe máy gây bỏng thực quản. Theo đó, bé N.T.H. chơi ở nhà và vô tình uống nhầm nước tẩy rửa xe máy, không rõ số lượng uống.
Sau uống, trẻ nôn nhiều, mệt mỏi, được gia đình đưa vào bệnh viện huyện và sau đó được chuyển đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh trong tình trạng tỉnh, mệt. Các bác sĩ khám thấy niêm mạc miệng có vết trợt loét, họng nề đỏ, lưỡi gà sưng nề, đau nhiều. Nội soi tiêu hoá ghi nhận tình trạng loét trợt toàn bộ niêm mạc thực quản, viêm xung huyết niêm mạc thân vị dạ dày.
Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng tai nạn do nuốt chất ăn mòn vẫn hay xảy ra. Theo các chuyên gia, dung dịch kiềm (nước tẩy quần áo) sẽ gây tổn thương tiên phát ở thực quản, acid mạnh có thể gây ra tổn thương lan toả ở dạ dày và tá tràng. T
ình trạng suy hô hấp do thủng thực quản và theo đó là viêm trung thất hoặc viêm phúc mạc là biến chứng nặng nhất xảy ra trong thời gian ngắn sau khi nuốt chất ăn mòn. Tiên lượng gần và xa liên quan trực tiếp đến mức độ bỏng.
Nếu không có tổn thương môi, miệng và họng thì vẫn không loại trừ được tổn thương của thực quản và dạ dày. Ngay sau khi bệnh nhân ổn định, cần tiến hành ngay nội soi tiêu hóa trên có gây mê để đánh giá tổn thương.
Cuối năm 2023, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhi (2 tuổi) bị bỏng nặng hóa chất do tưởng chai nước tẩy bồn cầu là nước ngọt. Đây là loại dung dịch có tính acid hay kiềm tùy theo hãng sản xuất, có tính ăn mòn cực mạnh (bố bệnh nhi chỉ bế, tiếp xúc với da bệnh nhi qua lớp áo cũng bị bỏng theo).
Xử trí khi trẻ uống nhầm hóa chất
Theo các bác sĩ, khi tiếp xúc với hóa chất sẽ gây ra hiện tượng bỏng lan tỏa, rất đau đớn và nguy cơ ảnh hưởng tính mạng là vô cùng lớn, nếu dung dịch này được uống nhầm hay hít vào đường hô hấp.
Do đó, người dân, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, nên kiểm tra kỹ gia đình đang trữ loại hóa chất như: Nước thông cống, nước tẩy bồn cầu... và lưu ý để thật xa tầm tay của trẻ. Người lớn khi sử dụng cũng phải vô cùng cẩn thận. Trường hợp không may bị dính vào người thì ngay lập tức xối bằng nước lạnh và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Ông Trần Hồ Trung Tín - Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: Ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất… Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm dầu hoả, cha mẹ không được gây nôn cho trẻ.
Lý do là vì nếu cha mẹ gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.
Cách xử trí ban đầu cần thiết khi trẻ uống nhầm dầu hỏa đó là cho bé dùng nước muối loãng súc miệng. Đối với trẻ nhỏ hơn, thì cần lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng.
Sau sơ cứu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc. Nhiều trường hợp trẻ uống phải xăng, dầu hoả nặng phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn, ho. Hóa chất có thể được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa nếu trẻ uống ở mức độ nhẹ, uống ít.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp uống xăng, dầu hoả có thể gây viêm phổi bởi trẻ dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Hơi độc vào phổi gây tổn thương phế nang. Nếu cộng thêm tình trạng sặc hóa chất vào phổi thì tổn thương, viêm phổi càng nặng nề hơn.
Trong khi đó, BS CKII Phùng Công Sáng - Đơn vị Bỏng - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh.
Tuy nhiên, trẻ lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp tai nạn. Để phòng tránh các tai nạn bỏng do hóa chất cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần để hóa chất xa tầm tay trẻ em. Bảo quản hóa chất trong các bình chứa phù hợp và an toàn sau khi sử dụng.
Sử dụng hoá chất trong phòng thoáng khí. Hoá chất phải được giữ trong đúng bình chứa và có ghi nhãn rõ ràng bên ngoài. Nếu có thể, nên tránh sử dụng hóa chất. Không nên trộn lẫn các loại hóa chất với nhau.
Trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết trong số này là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính. Ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe dọa đến tính mạng. Nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng, chất tẩy rửa nhà vệ sinh.