Vượt lên nỗi đau
Câu chuyện về chàng trai Vũ Đức Nguyên, sinh năm 1990, trú tại phường Quảng Tiến (Sầm Sơn, Thanh Hóa) như cổ tích giữa đời thường. Một chàng trai tật nguyền nhưng đã biết chấp nhận nỗi đau, vượt lên nỗi đau để “dâng đời nguyên vẹn trái tim yêu”.
Sinh ra trong một gia đình có ba chị em, Nguyên là con thứ hai và là con trai duy nhất của gia đình. Mẹ Nguyên là giáo viên tiểu học, bố Nguyên làm nghề cơ khí. Năm 1988, gia đình khó khăn nên bố mẹ Nguyên đã đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Tân Phú (Đồng Nai).
Năm 1990, Vũ Đức Nguyên chào đời là một cậu bé bụ bẫm, trắng trẻo, đôi mắt đen và sáng. Thế nhưng, khi được 8 tháng tuổi, Nguyên bị sốt cao, co giật. Rồi sau lần ốm đó, Nguyên thường xuyên ốm yếu, chân tay ngày càng teo nhỏ lại, không cử động được.
Bố mẹ Nguyên chắt chiu để đưa Nguyên đi chữa chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Từng đồng lương của mẹ, từng vật dụng trong gia đình, cả căn nhà để gia đình che nắng, che mưa cũng bán đi để chạy chữa cho Nguyên, nhưng bệnh của Nguyên vẫn không thuyên giảm.
Tuổi thơ của Nguyên gắn liền với chiếc giường. Mọi sinh hoạt của Nguyên đều do mẹ giúp đỡ, Nguyên chỉ nằm một chỗ tay chân không thể cử động được. Rồi mẹ Nguyên cũng đành xin nghỉ việc để ở nhà tiện chăm sóc cho Nguyên. Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, năm 2003, cả gia đình Nguyên lại trở về quê sinh sống.
Lang thang nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác rồi ở các trung tâm phục hồi chức năng nên Nguyên cũng không thể theo học như các bạn cùng trang lứa. Thấy các bạn được đi học Nguyên thích lắm nên đòi mẹ xin cho đến trường. Thế nhưng, ngồi trên xe lăn đến lớp được vài hôm em lại ốm, lại đi viện, lại phải bỏ lớp.
Thương con, mẹ tranh thủ lúc rảnh rỗi dạy cho Nguyên nhận biết 29 chữ cái tiếng Việt, hướng dẫn Nguyên ghép vần rồi Nguyên tự học, gặp những từ nào khó Nguyên mới hỏi mẹ.
Cô Huê (mẹ Nguyên) cho biết: Gia đình khó khăn phải chạy ăn từng bữa nên cô cũng không có thời gian để dạy học cho Nguyên. Tuy nhiên, Nguyên tiếp thu nhanh nên cô chỉ dạy nhận biết mặt chữ rồi Nguyên tự học và chỉ thời gian ngắn Nguyên đã đọc truyện, báo thành thạo.
"Thấy các bạn cùng trang lứa được đi học, biết đọc sách, báo em rất thích. Nhưng vì sức khỏe nên không thể theo các bạn đến trường được. Em nghĩ, nhiều người cũng có hoàn cảnh như mình, họ vẫn có thể chiến thắng được bệnh tật để sống tốt. Em quyết tâm để tự học, tự trang bị kiến thức cho mình.
Lớn lên, thời gian của em chủ yếu gắn bó với chiếc giường trong bốn bức tường. Sách, báo chính là người bạn để em giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi em đọc thông thạo em đã rất thích truyện tranh Đôrêmon, nhưng phải thuê về đọc.
Do lúc ấy gia đình khó khăn nên em cũng không có điều kiện để đọc nhiều. Đến bây giờ em mới có cơ hội để đọc hết truyện Đôrêmon mà em yêu thích" - Nguyên tâm sự.
Ngón tay kỳ diệu
Người ta thường nói “Thượng đế đóng cánh cửa này thì đồng thời sẽ mở cánh cửa khác đối với bạn”. Với Nguyên, cơ duyên đã đưa Nguyên đến với máy tính để từ đó cuộc sống của Nguyên mở ra một cánh cửa khác.
Một cánh cửa mà theo Nguyên đã mở ra một thế giới cổ tích có ông bụt, bà tiên… giúp Nguyên được giao lưu, được vui đùa nhảy múa với thế giới bên ngoài, thoát khỏi bốn bức tường hàng ngày Nguyên đang sống.
Nguyên kể lại: Mỗi khi Nguyên xem ti vi, thấy nói về công nghệ máy tính nên em đã rất tò mò. Một hôm, Nguyên đã nhờ trẻ con hàng xóm đẩy xe lăn ra quán Internet gần nhà để xem. Nhìn mọi người sử dụng máy tính Nguyên vô cùng thích thú.
Nguyên ước mơ có một bộ máy tính ở nhà, nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên cũng không có tiền để mua cho Nguyên được. Rồi một dịp may đã đến với Nguyên, nhân dịp lễ hội Sầm Sơn, ông Hồ Huy - Chủ tịch hội đồng quản trị Mai Linh về Sầm Sơn dự lễ. Biết hoàn cảnh của Nguyên, ông Hồ Huy đã tặng Nguyên một bộ máy tính.
Từ đây, Nguyên đã có người bạn tri kỷ để tâm sự.
Niềm hạnh phúc của mẹ là mỗi ngày được nghe Nguyên đọc cho nghe những bài thơ mới. Ảnh: Nguyễn Quỳnh. |
Trái tim bốc lửa
Do sức khỏe, Nguyên không thể ngồi lâu được mà chủ yếu nằm trên giường để điều khiển chuột máy tính. Vì chỉ còn một ngón tay cái bên trái có thể cử động được nên Nguyên đã tìm cách soạn văn bản bằng việc sử dụng bàn phím ảo cài đặt trên màn hình máy tính. Để từ đó, Nguyên thả hồn mình vào thế giới của những vần thơ.
Ban đầu, Nguyên vào các trang thơ trên mạng Internet để đọc rồi họa theo, lúc đầu làm cho vui, rồi sau đó thành đam mê. Thơ Nguyên đến với đông đảo bạn đọc nhờ Internet và Facebook.
Được bạn bè yêu thích, Nguyên như được tiếp thêm năng lực, có ngày Nguyên làm 4-5 bài thơ. Đến nay, Nguyên đã sáng tác được hơn 1.000 bài thơ chủ yếu thể loại lục bát, đường luật với đủ đề tài trong cuộc sống, có vui có buồn (bài thơ viết về lịch sử Việt Nam, bài viết về 63 tỉnh thành trong cả nước, những bài thơ tình…).
Tuy nhiên, thẳm sâu trong những vần thơ là tâm hồn khao khát yêu và được yêu.
Năm 2013, Nguyên đã cho ra đời tập thơ đầu tay “Bài thơ cho em” với 84 bài thơ. Dự kiến, Nguyên sẽ cho ra mắt mắt bạn đọc tập thơ thứ hai với khoảng 55 bài thơ.
Nhận xét về tập thơ đầu tay của Nguyên, nhà thơ Ái Nhân (Nhà xuất bản Hội nhà văn) viết: Thơ của Nguyên là những vần thơ dồn nén khao khát yêu thương đến cháy bỏng, đến đau khổ, có lúc buồn bi quan về sức khỏe... Nhưng chính trái tim chân thành lành lặn của Nguyên đã đến với mọi trái tim bè bạn. Thơ là chiếc xe lăn đưa Nguyên đến với tâm hồn mọi người yêu thơ...
"Thơ Nguyên còn nhiều uẩn khúc chồng chéo, thủ pháp còn đơn giản nhưng chúng ta có thể thông cảm bởi Nguyên chỉ có tình yêu và lòng đam mê. Một thân hình tàn tật bọc bên trong một trái tim bốc lửa" - Nhà thơ Ái Nhân chia sẻ.