Tiếng nói từ thời trung cổ
Nằm khuất sâu trong một góc kín đáo phía Đông - Nam hòn đảo Evia của Hy Lạp, trên một mê cung hẻm núi ngoằn ngoèo vươn ra biển Aegean, ngôi làng nhỏ Antia nằm lẻ loi trên sườn dốc của núi Ochi. Không có khách sạn hay nhà hàng trong vòng bán kính 40km kể từ đây và ngôi làng xa xôi đến nỗi nó không có mặt trên Google Maps.
Tuy nhiên, nếu du khách đi dọc theo con đường cao chóng mặt từ Karystos, qua một cảnh quan đẹp như cổ tích của các ngôi mộ đá cự thạch và những tảng đá Cyclopic khổng lồ, họ sẽ nghe tiếng huýt sáo như kiểu báo động thời xưa từ các vách núi vang dội. Đó là do từ hàng ngàn năm nay, cư dân của Antia đã sử dụng một loại ngôn ngữ huýt sáo kỳ lạ giống như tiếng hót của chim để liên lạc với nhau qua những thung lũng xa xôi.
Được biết với cái tên sfyria, đây là một trong những ngôn ngữ hiếm hoi và có nguy cơ tuyệt chủng nhất thế giới, một hình thức bí ẩn trò chuyện với nhau ở khoảng cách xa, trong đó toàn bộ cuộc đàm thoại, bất kể phức tạp như thế nào, đều thể hiện bằng tiếng huýt sáo. Mỗi tiếng huýt sáo tương ứng với một chữ trong bảng chữ cái alphabet…, khi đặt chúng theo thứ tự sẽ tạo thành một từ. Theo cách này, họ có thể trò chuyện và hiểu lẫn nhau một cách dễ dàng. Trẻ em học loại ngôn ngữ này khi vào tuổi 5 và 6.
Trong 2 thiên niên kỷ gần đây, những người có thể nghe và hiểu các giọng bí mật của sfyria là những người chăn cừu và nông dân ở ngôi làng trên sườn núi này, họ hãnh diện lưu truyền truyền thống được bảo vệ chặt chẽ cho đời con, đời cháu.
Tuy nhiên, cách đây vài thập niên, dân số của Antia đã giảm từ 250 người xuống còn 37 người, gồm đa số là những người già bị rụng răng, họ không còn huýt sáo với âm giọng sắc bén nữa. Ngày nay, chỉ còn 6 người trên hành tinh có thể “nói” được thứ ngôn ngữ như tiếng chim hót này.
Không ai còn nhớ chính xác bằng cách nào và vào lúc nào dân làng bắt đầu sử dụng sfyria, phát xuất từ styrizo trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “huýt sáo”, để truyền thông.
Những người còn sót lại của ngôn ngữ sfyria
Điều đáng lưu ý là sfyria chỉ được thế giới bên ngoài biết được vào năm 1969, khi một chiếc máy bay rơi ở vùng núi phía sau làng Antia. Một đoàn tìm kiếm cứu nạn được phái đến để tìm viên phi công mất tích và họ vô cùng ngạc nhiên lẫn thích thú khi nghe những người chăn cừu phát ra hàng loạt thanh âm khó hiểu vang vọng khắp hẻm núi.
Theo Dimitra Hengen, một nhà ngôn ngữ học người Hy Lạp đã đến Antia trong thời gian gần đây, sfyria là một loại ngôn ngữ Hy Lạp thể hiện bằng tiếng huýt sáo, trong đó những chữ cái và âm tiết phù hợp với âm điệu và tần số đặc trưng. Do sóng âm của tiếng huýt sáo khác với giọng nói, những thông điệp thể hiện qua sfyria có thể lan xa 4km đến các thung lũng, hay độ lan truyền gấp 10 lần tiếng hét.
“Khi còn là một cô gái, tôi có thói quen đi trong đêm tối với chiếc khăn che mặt phủ xuống từ trên đầu”, bà Zografio Kalogirou, 70 tuổi, người làng Antia, cho biết, “Lúc đó, vừa đi tôi vừa huýt sáo vang khắp núi rừng…Còn hiện giờ thật xấu hổ khi không còn răng để thể hiện việc truyền thông tin này nữa”.
Dân làng Antia chủ yếu sống bằng nghề nuôi gia súc |
Với nơi xa xôi, không có ánh sáng văn minh soi rọi, việc huýt sáo truyền tin ở Antia tỏ ra rất hữu dụng trong một thời gian dài.
“Đường sá, nước và điện chỉ đến được đây khoảng 30 năm trước và cho đến nay vẫn chưa có dịch vụ điện thoại di động”, Yiannis Tsipas, một người chăn dê 50 tuổi và là người biết huýt sáo đàm thoại trẻ nhất ở làng, nói, “Cho đến năm 1997, chỉ có một chiếc điện thoại duy nhất ở Antia của một người làng tên là Koula, vì vậy một khi ai đó đi Athens, họ gọi vào đây và thông báo đến nơi an toàn. Và Koula huýt sáo truyền tin này đến gia đình của người đó”.
Ngôn ngữ sfyria cũng giúp cho đôi lứa yêu nhau. Một phụ nữ kể lại: “Một đêm nọ, một thanh niên kẹt trong núi với những con cừu của mình do tuyết rơi dày đặc. Anh ta biết rằng ở một nơi nào đó quanh đây có một cô gái cũng bị kẹt với những con dê của mình. Anh ta bèn tìm một cái hang, nhóm một đống lửa và huýt sáo mời cô gái đến cùng sưởi ấm. Cô gái đến, và đó là cách mà cha mẹ tôi phải lòng nhau”.
Ngày nay, có khoảng 70 ngôn ngữ huýt sáo khác trên thế giới và đều tồn tại ở những ngôi làng tại vùng núi xa xôi như Antia.
Trong khi nhiều người biết huýt sáo ở đây theo định luật tự nhiên, già rồi chết hay mất hết răng, những người trẻ lại tìm cách bỏ làng đến Athens sinh sống.
Những người còn biết được loại ngôn ngữ này không biết truyền lại cho ai vì con cái của họ đã xuống núi tìm phương sinh sống. “Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã học sfyria với tiếng Hy Lạp để sinh tồn”, Panagiotis Tzanavaris, người đàn ông 69 tuổi có giọng nói dịu dàng và là người huýt sáo giỏi nhất của Antia nói, “Đó là cách sống của chúng tôi và nếu nó biến mất thì bản sắc văn hóa của làng này cũng mất theo”.
Vì vậy, vào năm 2010, Tzanavaris đã tìm cách hồi sinh ngôn ngữ đang chết dần này bằng cách thiết lập Tổ chức văn hóa Antia, trụ sở đặt ở ngôi trường học đã đóng cửa trong làng.
Tzanavaris cũng đã làm một điều gì đó chưa từng có với truyền thống của làng mình: Dạy mọi người từ các thị trấn khác cách huýt sáo sfyria. Sau 7 năm học, người trẻ nhất nói ngôn ngữ cổ của Antia hiện là người đưa thư 31 tuổi sống ở Karystos, cách làng 40km. “Trong nhiều năm, người dân ở Antia đã nói về một ngôn ngữ đang biến mất”, ông nói, “Nhưng với sự chung tay của mọi người, chúng tôi tin rằng ngôn ngữ này sẽ tồn tại”.
Bà Zografio Kalogirou tự hào từng là người dùng ngôn ngữ sfyria giỏi nhất làng |