Kinh nghiệm dạy tốt môn Hóa học
Kinh nghiệm quan trọng đầu tiên được cô Huỳnh Thị Kim Tiến chia sẻ là những cách dạy khác nhau tùy vào đối tượng học sinh.
Ví dụ, học sinh khá giỏi cần bài tập chuyên sâu, đồng thời đòi hỏi học sinh tư duy tốt để giải quyết vấn đề.
Học sinh trung bình, yếu, giáo viên cần nắm rõ điểm yếu của học sinh và tìm cách khắc phục ngay điểm yếu đó. Không nên yêu cầu các em quá nhiều nội dung cùng một lúc. Khi nhận thấy học sinh có tiến bộ, dù chỉ là một chút, giáo viên cũng nên động viên, khích lệ; tuyệt đối không chê bai vì điều đó sẽ làm học sinh dễ tự ti, mất niềm tin và chán nản.
Riêng với bộ môn Hóa học, vì các bài học liên quan tính chất nhiều chất, nên dạy theo phương pháp so sánh. Ví dụ, bài: Hợp chất sắt, gang thép, hợp chất crôm ở khối 12, không nên dạy giống hệt sách giáo khoa từ trên xuống. Bài tập tính toán nên hướng dẫn học sinh giải theo từng dạng. Sau đó, kết hợp 2 hoặc 3 dạng cơ bản rồi tổng hợp lại.
Đối với bài tập tổng hợp, nên dạy học sinh biết tóm tắt đề và cần phát hiện chỗ đặc biệt ở mỗi dạng bài tập đó. Nếu bài tập quá dài, giáo viên nên chia đoạn và từ mỗi đoạn như thế mình góp được thành bài tập tổng hợp. Thông qua hướng dẫn, học sinh tìm tỏi và có cách giải quyết tốt bài toán sẽ hun đúc lòng đam mê bộ môn Hóa học.
Cô Huỳnh Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Bất cứ một ngành nghề nào cũng cần có những đổi mới và sáng tạo, đặc biệt trong công tác dạy học. Đối với đặc thù bộ môn, giáo viên dạy xong một bài học thường cho ngay học sinh bài tập. Điều đó không sai, nhưng học sinh khó vận dụng ngay.
Vì vậy, giáo viên nên đi từ bài học, tiếp đó rút ra các dạng, các loại bài tập theo chuyên đề, chủ đề mà các đề thi đã ra và các loại bài tập đề chưa ra. Hệ thống từ đơn giản đến phức tạp, phân hóa cấp độ từ dễ, trung bình đến khó.
Đồng thời, môn Hóa học cần có thực hành thí nghiệm để học sinh dễ khắc sâu kiến thức. Hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy để biến các dạng bài lí thuyết thuần túy thành sơ đồ nhánh để học sinh dễ tiếp thu.
"Do những yêu cầu mới hiện nay, giáo viên cần cập nhật và bắt nhịp kịp với thông tin về đề thi mới, dạy mới, học mới để rút ra cho mình cách dạy riêng phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Chẳng hạn, trước đây cách dạy của chúng ta là viết nhiều phương trình, kê mol để giải bài tập; thì bây giờ cách đó không còn phù hợp với đề thi trắc nghiệm mới.
Vì vậy, giáo viên phải biết kết hợp các qui luật, định luật bảo toàn nhanh để giải quyết bài toán. Giáo viên không nên dạy tủ theo kiểu bài tự luận sẽ dễ làm học sinh bị mất điểm vì hướng đề thi trắc nghiệm 12 kiến thức bao phủ toàn bài" - cô Tiến chia sẻ.
Để dạy học hiệu quả trước kỳ thi THPT quốc gia
Đưa ra lời khuyên cho học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia với môn Hóa học, cô Huỳnh Thị Kim Tiến nhấn mạnh việc tự hệ thống kiến thức theo chủ đề, chuyên đề, tốt nhất hệ thống theo kiểu sơ đồ tư duy để biến kiến thức thuộc lòng thành kĩ năng không quên khi vào phòng thi.
Ví dụ, về lý tính kim loại kiềm, cô Tiến lưu ý 3 chữ độ: độ cứng, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi; tỉ lệ nghịch: tính khử,bán kính, khả năng tan trong nước.
Hoặc kiến thức về khối lượng mol của các polime, học sinh có thể ghi nhớ theo cách: 100: PMM; cảnh sát 113 -> Nilon - 6; nếu lấy 113.2 = 226, chính là nilon-6,6; nếu 113 + 14 (CH2) -> Nilon 7. Các polime khác còn lại dễ biết hơn.
Ví dụ khác thuộc dãy điện hóa, có thể làm 7 loại bài tập:Sắp xếp tính khử, tính oxy hóa; điều chế kim loại; điện phân; làm sạch (kim loại lẫn kim loại khác, muối lẫn muối khác); ăn mòn; dãy chất tác dụng (kim loại + muối; kim loại + Axít; kim loại +H2O); phân biệt rắn , lỏng.
Phần bài tập nâng cao, cô Tiến lưu ý học sinh cần nắm các dạng bài tập cơ bản trước, đi từ bài tập vận dụng thấp đến vận dụng cao.
"Các em nên có cách nhận dạng nhanh loại bài tập và phương pháp tiến hành nhanh, chú ý thời gian làm bài . Nếu bài tập nhiều giai đoạn, học sinh nên "chia để trị" thì sẽ dễ giải quyết bài toán hơn. Đôi khi cần suy luận ngược bài toán để giải quyết được nhiều bài tập khó. Mặc khác, các em cần tham khảo các đề thi của các trường trong cả nước nhằm bổ sung thêm kiến thức" - cô Huỳnh Thị Kim Tiến lưu ý thêm.
Tại Trường THPT Tháp Mười, cô Huỳnh Thị Kim Tiến đã trực tiếp và tham gia bồi dưỡng, đóng góp nhiều HSG cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Cô iiên tục nhận nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT, được Thủ tướng tặng Bằng khen năm 2014.