Giúp học sinh miền núi Hà Tĩnh hiểu hơn về tác hại của thuốc lá

GD&TĐ - Không chỉ dừng lại ở xử phạt, các trường học tại huyện miền núi Hương Khê luôn coi trọng công tác tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới.

Giúp học sinh miền núi Hà Tĩnh hiểu hơn về tác hại của thuốc lá

Tình trạng đáng báo động

Trường THCS, THPT Nội trú Hà Tĩnh có gần 250 học sinh thuộc 8 lớp. Các em đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các huyện miền núi của Hà Tĩnh như: Chứt, Mường, Lào, Thái…

Thầy Mai Văn Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phần lớn bố mẹ các em đều có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm ăn xa, các em phải sống với họ hàng hoặc ông bà. Chính vì vậy, việc theo sát, quản lý các em gặp rất nhiều hạn chế. Trong thời gian ở nhà các em dễ bi lôi kéo, học theo nhiều thói xấu trong đó có việc hút thuốc lá”.

Thuốc lá điện tử và dụng cụ tự chế hút thuốc lào của học sinh.
Thuốc lá điện tử và dụng cụ tự chế hút thuốc lào của học sinh. 

Ngoài thuốc lá truyền thống, thầy Hải cũng bày tỏ lo ngại khi một số học sinh đã bắt đầu thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử. Trong số này có cả học sinh nữ. Cùng với đó là gánh nặng “nghiện kép” khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá. Trong những năm qua, nhà trường đã nhiều lần phát hiện và xử lý các trường hợp đặt thuốc lá điện tử qua mạng lén lút sử dụng.

Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã phát hiện 7 trường hợp sử dụng thuốc lá, 2 trong số đó là đặt mua thuốc lá điện tử trên mạng nhưng chưa kịp sử dụng. Ngoài ra, một số em còn mua nguyên liệu và sử dụng chai nhựa để tự chế dụng cụ hút thuốc lào. Số tang vật này đã được nhà trường tịch thu và tiến hành xử lý.

Tại Trường THPT Hương Khê năm học 2020-2021, nhà trường đã phát hiện và xử lý 10 trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo thầy Phan Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê: “Các em tìm đến loại thuốc lá thế hệ mới này do tâm lý tò mò, muốn thể hiện mà chưa hiểu rõ hết tác hại của loại thuốc lá này. Điều đáng nói, số học sinh mua loại này tập trung chủ yếu vào các em học sinh lớp 10”.

Thầy cô và phụ huynh cùng nêu gương

Trước thực trạng đáng lo ngại này, các nhà trường đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền và có tính răn đe đến từng lớp, từng đối tượng học sinh. Theo thầy giáo Mai Văn Hải, việc xử phạt học sinh là đối tượng dân tộc thiểu số chỉ khi thực sự cần thiết. Phần lớn, nhà trường vẫn tập trung chú trọng vào công tác tuyên truyền, động viên.

“Do các em đều là học sinh miền núi, trong đó nhiều vùng còn khá lạc hậu và hạn chế về nhận thức. Chính vì vậy, mỗi năm học, nhà trường thường xuyên linh hoạt các hoạt động tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng học sinh”, thầy Hải chia sẻ.

Một số loại thuốc lá học sinh thường sử dụng được giáo viên phát hiện.
Một số loại thuốc lá học sinh thường sử dụng được giáo viên phát hiện.

Trong năm học này, nhà trường thành lập thêm đội tuyên truyền nữ, nhằm gắn kết và động viên các bạn học trong lớp tránh xa tác hại thuốc lá. Tại 27 phòng khu nội trú đều có các giám sát viên thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá trong nhà trường.

Một trong những biện pháp được nhà trường tích cực áp dụng là việc nêu gương giáo viên và phụ huynh. Trong nhiều năm qua, nhà trường đã áp dụng mô hình “Trường học không khói thuốc” mà thầy giáo đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện.

Từ việc nhiều thầy giáo trong trường sử dụng thuốc lá, đến thời điểm hiện nay, các giáo viên đã bỏ thuốc. Nhiều tấm gương về hoạt động này, thường xuyên được nhà trường biểu dương trong các buổi sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng (GV dạy Vật lý, Trường THCS, THPT nội Trú Hà Tĩnh) chia sẻ: Là một giáo viên, tôi nhận thấy trước khi nói và tuyên truyền với học trò thì bản thân tôi phải là người nghiêm túc thực hiện. Bằng quyết tâm và nhiều cách thức tôi đã bỏ được thuốc lá hơn 2 năm . Từ việc làm của mình, tôi thấy công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho các em cũng thực tế và lan tỏa hơn”.

Các trường học sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phòng chống thuốc lá.
Các trường học sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phòng chống thuốc lá.

Mới đây, sáng kiến “Phòng chống tác hại thuốc lá trong nhà trường” của thầy Nguyễn Mạnh Hùng đã được bảo lưu cấp ngành. Nhiều phụ huynh có con em hút thuốc lá sau khi trao đổi với nhà trường đã tích cực phối hợp cùng chấn chỉnh.

Như trường hợp ông Hồ Sỹ Tư (80 tuổi xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) là ông của em H.S.B. (học sinh lớp 9) đã quyết tâm bỏ thuốc lá làm gương cho cháu.

Do dịch bệnh Covid-19, nên thay vì các hoạt động tập trung, Trường THPT Hương Khê đã gửi tài liệu phòng chống tác hại thuốc lá đến giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp để chủ động hơn trong việc tuyên truyền. 45 lớp học đều được lắp đặt hệ thống máy chiếu, nên việc tuyên truyền được thực hiện khá sinh động bằng hình ảnh và các video.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng lắp đặt toàn bộ camera giám sát tại các vị trí, khuôn viên của nhà trường. Kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

“Sau mỗi giờ giải lao, bộ phận trực tuần có nhiệm vụ kiểm tra các khu vực hành lang, nhà vệ sinh, những khu vực học sinh dễ tụ tập hút thuốc. Nếu phát hiện có đầu lọc, hay ám mùi, BGH nhà trường sẽ check camera điều tra tìm hiểu. Nhà trường cũng áp dụng các hình thức xử phạt tăng tính răn đe các em trong việc sử dụng thuốc lá”, thầy Toàn cho hay.

Với việc sử dụng nhiều biện pháp tăng cường, trong những năm qua tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại các trường học trên địa bàn huyện miền núi Hương Khê đã giảm rõ rệt. Theo thầy Toàn, từ đầu năm học 2021-2022, Trường THPT Hương Khê chưa phát hiện thêm trường hợp sử dụng thuốc lá tại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.