Ngôi trường không học sinh cận thị tại Trung Quốc

GD&TĐ - Theo số liệu vào năm 2021, tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học Trung Quốc là 35,6% còn ở bậc THPT là gần 81%.

Học sinh Trung Quốc học về bảo vệ mắt.
Học sinh Trung Quốc học về bảo vệ mắt.

Ba giờ vui chơi ngoài trời, không sử dụng điện thoại di động hay dán mắt vào màn hình điện thoại là bí quyết giúp học sinh Trường Tiểu học Wantang, Trung Quốc, không bị cận thị.

Đây là thành tích ấn tượng tại Trung Quốc - quốc gia có tỷ lệ trẻ em cận thị tương đối cao. Theo số liệu vào năm 2021, tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học nước này là 35,6% còn ở bậc THPT là gần 81%.

Ông Yang Chenhao, Trưởng khoa Nhãn khoa tại Bệnh viện Nhi, Trường Đại học Phúc Đán, nhận định việc toàn bộ học sinh Trường Tiểu học Wantang không cận thị là trường hợp đặc biệt. Để duy trì kết quả này, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp hữu ích như giữ trẻ tránh xa điện thoại, cho trẻ hoạt động ngoài trời thường xuyên...

“Thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy của các nhà giáo dục và phụ huynh trong bối cảnh cạnh tranh học thuật gay gắt. Điều quan trọng là nhấn mạnh rằng điểm số không phải trọng tâm duy nhất. Thay vào đó, chúng ta cần ưu tiên sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như bảo vệ đôi mắt của các em”, ông Yang cho biết.

Thầy Yang Qingyi, giáo viên Trường Tiểu học Wantang, cho biết, nhà trường có 536 học sinh. Vào giờ ra chơi, tất cả các em được yêu cầu ra ngoài giải lao. Thầy cô cũng khuyến khích những em ít nói, trầm tính đi dạo bên ngoài.

Là ngôi trường nội trú nằm ở vùng nông thôn Honghe Hani, trường đã tận dụng cơ sở hạ tầng, nguồn lực sẵn có để khơi dậy niềm đam mê thể thao và rèn luyện sức khỏe cho học sinh. Ngoài ba giáo viên thể dục, ban giám hiệu nhà trường cùng giáo viên bộ môn cũng kiêm vai trò huấn luyện viên dạy bóng rổ và bóng bàn.

Thầy Sun Fubiao, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Để đạt mức độ cận thị trong học sinh bằng 0, lời khuyên duy nhất là tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời. Trong nhóm trò chuyện của giáo viên và phụ huynh, chúng tôi thường nhắc cha mẹ chú ý bảo vệ thị lực của trẻ khi ở nhà”.

Trong 7 năm làm việc tại trường, thầy Sun chưa từng gặp học sinh nào bị cận thị. Tuy nhiên, bản thân thầy cùng nhiều giáo viên khác phải đeo kính cận.

“Tôi luôn thấy việc đeo kính là phiền toái. Thời tiết ở Honghe rất nóng khiến người đổ mồ hôi nên kính dễ bị tuột. Tôi không muốn thế hệ tiếp theo phải trải qua những rắc rối này nên chúng tôi coi việc bảo vệ thị lực cho trẻ như lẽ tự nhiên”, thầy Sun chia sẻ.

Tại Trung Quốc, bảo vệ thị lực của trẻ em, đặc biệt trẻ trong độ tuổi đi học, ngày càng tăng. Các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp như kiểm soát số lượng trò chơi trực tuyến, kiểm tra thị lực định kỳ, cấm giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1, 2... Tuy nhiên, nhiều trẻ em Trung Quốc vẫn bị cận thị từ rất sớm.

Chị Zhou Xue, sống tại tỉnh Giang Tô, bày tỏ lo lắng khi ít nhất 7 trong số 46 học sinh trong lớp của con trai 9 tuổi phải đeo kính.

“Lo ngại về vấn đề thị lực hiện nay là có thật. Phụ huynh chúng tôi thường thảo luận về nhãn hiệu đèn bàn, thuốc nhỏ mắt hay bác sĩ nhãn khoa đáng tin cậy”, chị Zhou cho biết.

Ở trường, chị khuyến khích con trai tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như chạy, nhảy dây, chống đẩy. Tuy nhiên, chị Zhou thừa nhận không phải trường nào cũng có thể áp dụng mô hình của Wantang do khó cân bằng giữa học tập và giải trí trong bối cảnh cạnh tranh học tập như hiện nay.

Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ