Ngôi trường hạnh phúc: Học sinh được là chính mình

GD&TĐ - Xây dựng trường học hạnh phúc, người học được coi là mục tiêu cao nhất. Các em được tôn trọng sự khác biệt, phát triển toàn diện xây dựng hệ giá trị, hình thành nhân cách phù hợp xã hội hiện đại.

Cô trò Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu, Nghệ An múa điệu lăm vông truyền thống của dân tộc Thái.
Cô trò Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu, Nghệ An múa điệu lăm vông truyền thống của dân tộc Thái.

Chiều 15/12, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Tại đây, các đại biểu lắng nghe ông Đặng Tư Ân – Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT về chuyên đề “Mô hình trường học hạnh phúc, giải pháp nâng chất lượng giáo dục toàn diện”.

Hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” tại Nghệ An.
Hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” tại Nghệ An.

Các đại biểu được giới thiệu về khái niệm trường học hạnh phúc, cấu trúc của mô hình và nguyên lý hoạt động. Đó là môi trường mà mọi người đều được sống hạnh phúc, trong đó hạnh phúc của người học được coi là mục tiêu cao nhất. Học sinh được phát triển toàn diện, là chính mình, tìm được mục tiêu trong việc học tập, rèn luyện.

Tại Nghệ An, nhiều trường học đang đổi mới và đặt mục tiêu “vì một trường học hạnh phúc”. Trong đó, giáo viên yêu trường lớp, yêu học sinh. Các em được học tập trong môi trường dân chủ, thân thiện, được tôn trọng sự khác biệt.

Ông Đặng Tư Ân – Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam trao đổi tại hội nghị.
Ông Đặng Tư Ân – Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam trao đổi tại hội nghị.

Tuy nhiên, một số đơn vị còn gặp một số bất cập hoặc chưa có những hoạt động thiết thực, đúng với mong muốn, phát huy năng lực của học sinh. Thay vào đó phần lớn đang đề cao và áp lực thành tích học văn hóa.

Ông Đặng Tư Ân cũng đã phân tích sâu những bất cập này trong các nhà trường và đưa ra những giải pháp để vận hành mô hình hiệu quả trong thực tiễn. Ngoài ra, trong giáo dục học sinh, không phải lúc nào cũng thuận lợi và khó tránh khỏi một vài sự cố, tình huống nảy sinh. Điều quan trọng là nhà trường, giáo viên phải có thái độ và xử lý theo chiều hướng xây dựng, tích cực và hướng học sinh vào những điều tốt đẹp.

Học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 (Nghệ An) có nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa.
Học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 (Nghệ An) có nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho rằng: Việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc có ý nghĩa quan trọng trong nhà trường. Tuy nhiên, vận hành mô hình này cần sự nỗ lực của thầy và trò, bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể nhất. Trước hết, các cơ sở giáo dục phải xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh. Xây dựng mối tương tác thầy – trò thân thiện, tích cực.

Nghệ An là vùng đất hiếu học, nhiều giáo viên bằng tâm huyết, tình cảm, trí tuệ đã cảm hóa học trò. Lãnh đạo Sở cũng tin rằng, việc xây dựng trường học hạnh phúc sẽ được các nhà trường hưởng ứng với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Vừa kế thừa, phát huy truyền thống đất học, vừa xây dựng hệ giá trị mới phù hợp xã hội hiện đại.

Hội nghị chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” diễn ra sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc vận động vì một trường học hạnh phúc. Trọng tâm mô hình này là “Trường học hạnh phúc - giáo viên  hạnh phúc - HS hạnh phúc” với 3 tiêu chí cốt lõi: yêu thương, an toàn và tôn trọng.Liên quan đến mô hình này, Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí cụ thể, căn cứ vào các tiêu chí về môi trường và phát triển cá nhân, dạy và học và tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ